Các chuyên gia cũng nêu ra thực trạng sự dịch chuyển nhân khẩu học ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn các nước khác, cơ cấu dân số vàng Việt Nam chỉ kéo dài khoảng ba thập kỷ và có thể sẽ kết thúc vào năm 2039, người Việt cao tuổi còn mắc rất nhiều bệnh nền không lây nhiễm nhưng tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới?
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới, người Việt Nam hiện bên cạnh việc phải lo làm giàu cho bản thân, gia đình, đất nước, còn đối mặt với thách thức “chưa giàu đã già”.
Cần nhấn mạnh, xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp tạo ra nhiều hệ lụy nếu không có chiến lược quốc gia nâng cao năng suất lao động, cải thiện chế độ lao động xã hội cũng như tận dụng giai đoạn “dân số vàng”.
Ngày 15/4, buổi tọa đàm công bố báo cáo quốc gia “Việt Nam với tư cách là một xã hội đang già hóa” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với Tổ chức Hanns Seidel Foundation tổ chức đã diễn ra với nhiều thông tin quan trọng.
Nghiên cứu về vấn đề già hóa dân số tại Việt Nam nằm trong khuôn khổ dự án xuất bản Báo cáo Quốc gia thường niên về Việt Nam. Được biết, dự án đưa ra những nhận định chuyên sâu và thông tin, phân tích mang tính độc lập, cập nhật về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý trong dư luận xã hội Việt Nam hiện đại.
Báo cáo quốc gia “Việt Nam một xã hội đang già hóa” tổng hợp các bài viết mang nhiều chủ đề quan trọng như biến đổi nhân khẩu học ở Việt Nam, người cao tuổi và lương hưu ở Việt Nam, già hóa dân số và sức khỏe, tổng quan về chăm sóc xã hội ở Việt Nam, chính sách xã hội cho dân số đang già hóa tại Việt Nam, sự thay đổi hình ảnh người cao tuổi ở Việt Nam, vai trò của tổ chức xã hội trong thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi ở Việt Nam, chính sách dân số trong quá trình chuyển đổi và một phần cung cấp các thông tin chung, các ấn phẩm, sự kiện liên quan, các dân tộc thiểu số và chính sách xã hội ở Việt Nam vv…
Số liệu thống kê cho thấy, 10 năm qua, dân số Việt Nam đã tăng 11 triệu, trong đó số người già tăng gần 4 triệu, mức già hóa dân số rất cao so với các quốc gia khác trong khu vực.
Hiện Việt Nam có khoảng hơn 11,4 triệu người trên 60 tuổi (xấp xỉ gần 12% dân số). Chỉ số già hóa tăng từ 36% năm 2009 lên gần 49% năm 2019. Với tốc độ già hóa dân số nhanh như vậy, kể từ năm 2026, tỷ trọng người trên 65 tuổi sẽ chiếm hơn 10% đồng thời quốc gia này cũng sẽ chấm dứt cơ cấu dân số vàng tồn tại từ năm 2007, bước vào thời kỳ dân số già đáng lo ngại.
Tại sự kiện này, đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh thông tin cho biết, từ năm 2011 Việt Nam đã ý thức rõ sự già hóa về dân số.
TS. Quỳnh nhắc lại, theo dự báo tới năm 2036 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già và năm 2047 sẽ bước vào giai đoạn dân số siêu già.
“Tương tự xã hội Nhật Bản bây giờ”, vị chuyên gia cho biết.
Báo cáo “Việt Nam với tư cách là một xã hội đang già hóa” đánh giá quốc gia Đông Nam Á này đang ở giai đoạn “vàng chưa qua già ập tới”, nghĩa là vẫn đang ở giai đoạn “vàng” về dân số (từ năm 2005 đến 2035).
Tuy nhiên, điểm cần đặc biệt lưu ý, theo chuyên gia, đó chính là tốc độ già hóa của Việt Nam đang tăng rất nhanh. Nếu Thụy Điển mất 85 năm, Australia mất 73 năm, Ba Lan 74 năm, Trung Quốc 27 năm dân số mới già hóa, thì Việt Nam mới chỉ có 25 năm dân số đã bắt đầu già hóa.
Phát biểu tại buổi công bố, GS.TS Phạm Quang Minh, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu phát triển quốc tế, trình bày báo cáo cho biết, Việt Nam hiện vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng đã bắt đầu già hóa dân số từ năm 2019 với 10,4 triệu người trên 65 tuổi, chiếm đến 7,7% dân số.
Theo GS.TS Phạm Quang Minh, từ năm 2015, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam tăng nhanh, đây là vấn đề đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế mạnh mẽ như hiện nay.
Thách thức già hóa dân số đòi hỏi cần có chính sách, thay đổi để thích ứng, làm chậm và giải quyết vấn đề này.
“Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Khoảng thời gian để tăng tỷ trọng người già từ 7% lên 14%, dự báo chỉ trong hai thập kỷ (tức từ 2015-2035)”, TS. Phạm Quang Minh, chủ biên báo cáo nói.
Người già và gánh nặng cho gia đình, xã hội
Báo cáo mới nhất do Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Justus Liebig Giessen, CHLB Đức thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức Hanns Seidel Foundation và sự hợp tác của nhóm chuyên gia đến từ các cơ quan khác nhau của Việt Nam cũng đồng thời khái quát tình trạng già hóa dân số hiện nay ở Việt Nam phản ánh nguy cơ “chưa giàu đã già” của người Việt, đồng thời không có lương hưu, nguồn lực tài chính ít ỏi chuẩn bị cho tương lai khi về già.
“Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thời kỳ dân số vàng chưa qua, dân số già đã ập tới. Tuy nhiên, khác với nhiều nước, chúng ta già hóa dân số trước khi giàu. Đây là thách thức rất lớn”, TS. Phạm Quang Minh nhấn mạnh.
Báo cáo chỉ ra có 87 - 89% tỷ lệ các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm là ở người cao tuổi, người trên 60 tuổi từng chịu bạo hành cả vật chất và tinh thần ở Việt Nam là 16%.
Các chuyên gia cũng cho biết, có 36,5% tỷ lệ người ở nhóm 60 - 64 tuổi bị các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, 70% tỷ lệ hộ nghèo của các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Tuy nhiên, các nguồn như quỹ lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội cung cấp cho người già Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế.
Giai đoạn dân số vàng của Việt Nam còn rất ngắn và những vấn đề đặt ra
Trước đó, hôm qua 14/4, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng đã tổ chức hội thảo “Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số”.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Thanh cho hay, tỷ lệ dân số có việc làm của Việt Nam luôn ở mức cao và tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức thấp.
Theo vị lãnh đạo, nếu căn cứ theo tỷ lệ thất nghiệp của Tổ chức Lao động Quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới kể cả khi xảy ra khủng hoảng tiền tệ 1997 hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Ngoài ra, năm 2019, chỉ số phát triển con người của Việt Nam được xếp vào nhóm “các quốc gia phát triển con người cao”, đứng ở vị trí 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, hiện đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” đồng thời với xu hướng già hóa dân số diễn ra rất nhanh.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê và Quỹ phát triển Dân số của Liên Hợp Quốc, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 33 năm, sẽ kết thúc vào năm 2039, nghĩa là chỉ còn 19 năm nữa.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước cũng già hoá khác, đã và đang tạo ra nguy cơ rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già” nếu chúng ta không tận dụng tốt cơ hội dân số vàng và có các biện pháp thích ứng hiệu quả đối với vấn đề già hóa dân số.
Với tốc độ già hóa dân số diễn tiến nhanh như hiện nay, Thứ trưởng Lê Văn Thanh chỉ ra hai vấn đề cơ bản đặt ra cho dân số Việt Nam trong thời gian tới.
Vấn đề thứ nhất là thời gian cho phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng không còn nhiều trong khi chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và chất lượng việc làm chưa cao.
Dẫn số liệu của Tổng Cục Thống kê, Quỹ phát triển Dân số LHQ, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho hay, đến nay, tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ mới đạt 24,5%. Đồng thời, nếu tính cả số việc làm trong khu vực nông nghiệp thì tỷ lệ việc làm phi chính thức còn chiếm hơn 2/3 tổng số việc làm của toàn nền kinh tế.
Ông Thanh cho rằng đây là rào cản đối với việc tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kìm hãm nỗ lực tăng nhanh năng suất lao động.
Vấn đề thứ hai, theo đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam rất nhanh trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ.
Thứ trưởng Thanh dẫn chứng, đến nay mới có 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng, ngoài ra hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi còn chưa đầy đủ cả về số lượng và chất lượng.
“Thực tế này làm gia tăng gánh nặng an sinh xã hội cho ngân sách nhà nước và đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho người cao tuổi”, Thứ trưởng Thanh bày tỏ.
Làm gì để giải quyết vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam?
Báo cáo “Việt Nam một xã hội đang già hóa” đưa ra khuyến nghị các nhà làm chính sách Việt Nam cần xây dựng chính sách tương thích để giải quyết các thách thức với tiến trình già hóa dân số nhanh, đặc biệt là giúp người cao tuổi có thể tự lo cho cuộc sống của mình sau này.
Tại sự kiện ngày 15/4, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Xã hội học Việt Nam cho biết, giai đoạn đến năm 2035, cứ hai người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam sẽ phải “gánh” không quá một người ngoài tuổi lao động. Thế nhưng sau năm 2035, dự báo cứ 4 người trong độ tuổi lao động phải “gánh” 3 người.
Cùng với vấn đề tốc độ già hóa nhanh, sức khỏe người cao tuổi yếu, PGS Nguyễn Tuấn Anh, Phó khoa Xã hội học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội nêu ra thực trạng đáng lo ngại nhất là hiện phần lớn người cao tuổi đang phải làm việc để tạo thu nhập.
Theo báo cáo, có gần 46% người từ 60 đến 64 tuổi, gần 30% người từ 70 đến 79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi vẫn đang làm việc để kiếm sống. Chuyên gia nhấn mạnh, nếu dựa trên chuẩn nghèo quốc gia (thu nhập dưới mức 1.000.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và dưới 1.300.000 triệu đồng ở thành thị), thì hiện Việt Nam có 16% người trên 60 tuổi thuộc diện nghèo.
Thống kê số liệu năm 2019 cũng cho thấy, trong số 13,4 triệu người cao tuổi thì chỉ có 23,5% được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Điều này có nghĩa là 64,4% người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh cho biết, những người này phải sống dựa vào con cháu, gia đình, họ hàng hoặc phải tiếp tục lao động để mưu sinh kiếm sống.
Nhóm nghiên cứu nêu khuyến nghị thống nhất quan điểm “hãy cho cần câu thay vì con cá” để giúp đỡ người cao tuổi ở Việt Nam. Bên cạnh việc thay đổi chính sách cụ thể để chăm soc người già tốt hơn, các chuyên gia cho rằng, xã hội cũng cần thay đổi nhận thức về vai trò của người già, tạo điều kiện để người già tham gia vào các hoạt động xã hội, được tiếp tục làm việc, cống hiến, cảm nhận được ý nghĩa, lợi ích của bản thân đối với người thân, gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cũng cần phải tiếp tục tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Đặc biệt, Việt Nam cũng có thể tiến hành thử nghiệm và phát triển các mô hình mới, phối hợp nỗ lực giữa các tổ chức xã hội với gia đình và thiết chế thị trường nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người cao tuổi trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, cũng giống như ở các xã hội tiên tiến hơn, Việt Nam nên thực hiện một chính sách xã hội quốc gia từ “trợ giúp khẩn cấp” (như đã thực hiện với các đợt hỗ trợ khắc phục thiên tai, bão lũ, dịch bệnh ..) sang giúp đỡ người dân sao cho họ có thể “tự giúp chính mình”, “tự bảo vệ mình trước các rủi ro”, vấn đề của cuộc sống hiện đại.