"Tôi xin nhận tội hết thay cho con cháu"
Ngày 15/4, TAND tỉnh Đắk Nông bước sang ngày làm việc thứ 6 xét xử vụ án Trịnh Sướng và 38 đồng phạm sản xuất, buôn bán xăng giả, với phần trình bày của các luật sư và bị cáo tự bào chữa cho mình. Trịnh Sướng là đối tượng cầm đầu đường dây làm xăng giả với số lượng lớn nhất trong đại án “Sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn Sóc Trăng, Cần Thơ".
Tại phiên tòa, liên quan đến đường dây bán xăng giả có Đinh Chí Dũng - bị truy tố là người cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả xảy ra trên địa bàn TPHCM, Hậu Giang. Luật sư Nguyễn Thành Công, bào chữa cho bị cáo đã đề nghị làm rõ lại hành vi, mức độ phạm tội để giảm nhẹ hình phạt. Trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Dũng khá lúng túng. Sau một hồi không diễn tả được nỗi lòng của mình, Dũng đã bật khóc:
“Tôi xin nhận tội hết về mình thay cho con cháu”.
Trong vụ việc này, cả con rể Nguyễn Quốc Thi, cháu ruột là Nam của bị cáo Dũng cũng dính lao lý. Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo đối với các bị cáo làm thuê cho ông Dũng như: Nguyễn Thanh Tân, Vũ Xuân Ngọc, Lê Đại Nam…
"Bị cáo đã biết lỗi, xin giảm nhẹ hình phạt"
Cũng tại phiên tòa ngày hôm qua, Luật sư Nguyễn Duy, bào chữa cho Trịnh Sướng cũng đề nghị làm rõ số lượng xăng giả mà thân chủ bị cáo buộc tổ chức pha chế hơn 137 triệu lít. Vấn đề cần phải xác định mà luật này nêu ra là số tiền thu lợi bất chính cụ thể của Trịnh Sướng trong vụ việc.
Bởi, theo cáo trạng kết luận bị cáo Trịnh Sướng sản xuất, buôn bán xăng giả thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 102 tỷ đồng nhưng trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) lại quy buộc Sướng thu lợi bất chính số tiền gần 107 tỷ đồng, có nghĩa là đã tăng hơn 5 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Thành Công, bào chữa cho bị cáo Lưu Văn Nguyện - người bị cáo buộc đã cung cấp dung môi (nguyên liệu làm xăng giả) cho Trịnh Sướng, cùng nhiều bị cáo trong vụ án đưa ra nhiều dẫn chứng về việc cơ quan điều tra vi phạm thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, xâm phạm quyền bào chữa của người bị buộc tội dẫn đến nội dung buộc tội Nguyện “sai lệch và thiếu căn cứ”.
Theo luật sư Công, điều tra viên dẫn dắt Nguyện từ “Người liên quan trong vụ án” để đồng ý đi cùng công an từ Hậu Giang lên Đắk Nông sau đó thành “Người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp” và cuối cùng là bị can trong vụ án chỉ vỏn vẹn trong một khoảnh khắc. Quá trình lấy lời khai, điều tra viên đã “hướng dẫn” Nguyện nhận tội về việc “biết rõ” các bị cáo khác pha chế xăng dầu cũng như nhận tội “mách” Trịnh Sướng tỷ lệ pha chế xăng. Luật sư của bị cáo Nguyện đề nghị xem xét, tuyên phạt bị cáo ở khung hình phạt thấp nhất, cho hưởng án treo.
Đặc biệt, xuất hiện trong phiên tòa là bị cáo Trương Như Tuyết - em vợ Trịnh Sướng, 43 tuổi, độc thân. Với khuôn mặt hốc hác gần như khóc trước tòa khi thú nhận:
“Bị cáo đã biết lỗi, xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo bởi đang chăm mẹ già bệnh rất nặng”.