Mặc dù cuối cùng người Mỹ thắng thế nhưng họ đã phải chịu những tổn thất thảm khốc. Những chi tiết về cuộc chiến ảo này - trong tài liệu của Sputnik.
Game chiến tranh
Theo kịch bản game chiến tranh do Lầu Năm Góc thực hiện, vào năm 2030, Bắc Kinh quyết định giải quyết vấn đề Đài Loan bằng vũ lực và sử dụng toàn bộ sức mạnh của không quân và hải quân trong một chiến dịch đổ bộ quy mô lớn. Mục tiêu là chiếm được hòn đảo này. Sau khi nhận thấy quy mô lớn của cuộc xâm lược, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc hướng tới Hoa Kỳ yêu cầu giúp đỡ. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ tập trung lực lượng ấn tượng ở Biển Đông và phản ứng ngay lập tức. Trong game mô phỏng kịch bản này, Lầu Năm Góc chỉ sử dụng lực lượng không quân, nhưng, dễ hiểu là Hải quân và lực lượng mặt đất cũng tham gia vào chiến dịch này.
Những game chiến tranh như vậy thường xuyên được tổ chức ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong những năm trước, người Mỹ đã bị đánh bại hết lần này đến lần khác. Trong hai năm 2018 và 2019, Lầu Năm Góc đã sử dụng tất cả các lực lượng và phương tiện hiện có trong việc mô phỏng cuộc xung đột. Tuy nhiên, các chiến đấu cơ và máy bay không người lái không thể bay vào các khu vực chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực (A2/AD) mà PLA triển khai trong khu vực chiến dịch đổ bộ. Các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của Trung Quốc, cả trên bộ và trên tàu, bảo đảm độ khép kín, bao trùm toàn bộ vùng trời trên Đài Loan và đẩy lùi mọi cuộc tấn công, đồng thời các đơn vị viễn chinh đã đánh bại quân đội Trung Hoa Dân Quốc và giành quyền kiểm soát hòn đảo.
Lần này người Mỹ quyết định xây dựng kịch bản mô phỏng cuộc xung đột trong tương lai gần. Nhờ đó, tham gia chiến dịch có không chỉ các mẫu thiết bị và vũ khí hiện có mà còn các loại vũ khí và kỹ thuật quân sự đang được phát triển, nhiều trong số đó chỉ tồn tại trong các bản thiết kế. Kết quả là, Không quân Hoa Kỳ đã đánh bại quân đội Trung Quốc và bao vây các đơn vị còn sống sót trong một khu vực nhỏ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc phải chịu tổn thất thật nặng nề. Họ không nói rõ mức độ nghiêm trọng của tổn thất.
Thiếu tướng Clint Hinote, Phó giám đốc phụ trách tích hợp khả năng tác chiến Không quân Mỹ thừa nhận: “Dựa trên kết quả của các game chiến tranh mô phỏng cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc, chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng: chúng ta sẽ mất nhiều phi công. Để giành chiến thắng, cả Lầu Năm Góc và xã hội Mỹ phải chuẩn bị tinh thần cho những tổn thất lớn như vậy. Rất khó để nhận ra, nhưng đây là thực tế khách quan".
Chiến dịch Đa miền
Lần này, khi tổ chức game chiến tranh, Mỹ ngay từ đầu tự tạo cho mình nhiều lợi thế. Ví dụ, theo kịch bản, trong cuộc xung đột họ sử dụng khái niệm chỉ huy và kiểm soát chung trên mọi miền (Joint All-Domain Command and Control) đảm bảo sự tương tác tối ưu giữa lục quân, hàng không, hải quân và chòm sao vệ tinh. Họ kết nối các cảm biến của Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân Lục chiến thành một mạng duy nhất để trao đổi thông tin nhanh nhất có thể.
Ngoài ra, theo kịch bản, người Mỹ có thể triển khai mạng lưới sân bay trong khu vực để cung cấp nhiên liệu, vũ khí và phụ tùng thay thế. Nhờ đó họ có thể rút ngắn thời gian chuyển máy bay đến khu vực chiến đấu sau khi tiếp nhiên liệu và bổ sung lượng đạn.
Họ cũng hỗ trợ cho các đồng minh. Theo kịch bản, ngay trước cuộc xâm lược, Đài Loan đã nhận được những phiên bản mới nhất của xe tăng M1A2 Abrams, máy bay chiến đấu F-16V, cũng như hệ thống tên lửa phòng không Patriot nâng cấp. Kết quả là, Lực lượng Vũ trang Trung Hoa Dân Quốc đã kháng cự thành công cuộc tấn công đổ bộ.
Cuối cùng, thay vì tạo ra các sở chỉ huy riêng biệt cho Không quân, Hải quân và Lục quân, người Mỹ đã tổ chức một số đội chỉ huy và kiểm soát nhỏ (Command-and-Control Teams) trong khu vực xung đột, mỗi đội có từ 5 đến 30 đại diện của các binh chủng trong lực lượng vũ trang. Họ chỉ huy chiến dịch từ các địa điểm khác nhau, nhờ đó tỷ lệ sống sót được cải thiện đáng kể. Vấn đề là ở chỗ: trong các cuộc mô phỏng trước đó, người Trung Quốc đã nhiều lần đánh sập các cơ cấu chỉ huy của Mỹ ở Guam và Hawaii bằng tên lửa tầm xa và lực lượng hải quân.
Chọc thủng hệ thống phòng thủ
Các loại máy bay và UAV tham gia game chiến tranh mô phỏng cuộc xung đột thu hút sự chú ý lớn nhất. Vai trò chính trong việc xâm nhập "vùng cấm tiếp cận" của Trung Quốc và phá hủy hệ thống phòng không của PLA được giao cho các máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-21 Raider và các máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đầy hứa hẹn thuộc dự án NGAD (Next Generation Air Dominance - máy bay chiếm ưu thế trên không thế hệ kế tiếp). Theo Lầu Năm Góc, nguyên mẫu kích thước đầy đủ của chiếc máy bay bí ẩn này đã cất cánh lần đầu tiên vào tháng 9 năm ngoái.
Six predictions for the 6th-gen fighter - Join a webinar on future technology for fighter jets in the year 2030 The U.S. Air Force is planning to deploy a “sixth-generation”... - https://t.co/dt7q0aNs3b pic.twitter.com/B3r1ipSStZ
— Xena Gifts (@XenaGifts) March 31, 2021
Điều đáng chú ý là trong kịch bản mô phỏng cuộc xung đột, máy bay NGAD thực hiện các chức năng dành cho máy bay chiến đấu F-35. Tuy nhiên, như báo cáo của Không quân Mỹ cho biết, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35 không phù hợp lắm cho các hoạt động trong điều kiện phòng không phát triển ở Thái Bình Dương vì máy bay này không thể bay xa nếu không tiếp nhiên liệu từ các máy bay tiếp dầu trên không.
Các máy bay F-35 tấn công tầm ngắn vào các mục tiêu mặt đất và tàu chiến, bảo vệ đồng minh khỏi máy bay chiến đấu Trung Quốc và bắn hạ tên lửa hành trình. Mẫu sửa đổi Block IV đang được phát triển cũng được sử dụng trong game chiến tranh này. Theo tướng Clint Hinote, các phiên bản hiện đại của F-35 không được sử dụng. Các máy bay chiến đấu F-15EX hiện đại hóa và máy bay hạng nhẹ thế hệ thứ tư chưa được đặt tên đang được phát triển để thay thế F-16 đã chống chọi với không quân của đối phương.
Tham gia game chiến tranh, ngoài các phương tiện có người lái còn có một đội máy bay không người lái đầy hứa hẹn hoạt động trong đội hình hỗn hợp với máy bay chiến đấu. Ngoài ra, Mỹ triển khai trên eo biển Đài Loan nhiều máy bay không người lái cỡ nhỏ, rẻ tiền để liên tục theo dõi khu vực chiến sự. Và các máy bay không người lái (UCAV) tàng hình XQ-58A Valkyrie đã cất cánh từ căn cứ không quân Guam để tấn công các tàu, máy bay và phương tiện mặt đất của đối phương.
Các máy bay vận tải quân sự C-17 và C-130 được giao một nhiệm vụ đặc biệt. Tránh xa hệ thống phòng không của PLA, chúng tấn công các mục tiêu mặt đất bằng tên lửa hành trình JASSM với độ chính xác cao, phóng tên lửa từ khoang chứa hàng hóa được trang bị “pallet thông minh”. Tướng Clint Hinote nhấn mạnh, trong cuộc chiến tranh với đối thủ ngang hàng cần phải có hỏa lực mạnh, bất kể phương tiện nào cung cấp nó.
Lầu Năm Góc sẽ tính đến các kết luận rút ra từ các game chiến tranh khi lập kế hoạch phát triển Không quân và các lực lượng vũ trang nói chung. Tuy nhiên, các chiến lược gia Mỹ bỏ qua một chi tiết quan trọng. Trong kịch bản mô phỏng cuộc xung đột, Trung Quốc đã sử dụng các phương tiện hiện có, trong khi người Mỹ tự gán cho mình rất nhiều loại vũ khí công nghệ cao đầy hứa hẹn, thậm chí vẫn chưa được đưa vào hoạt động.
Rõ ràng, đến năm 2030, CHND Trung Hoa cũng có đủ thời gian để tái trang bị cho quân đội, và kết quả thực sự của một cuộc xung đột như vậy, nếu nó phát sinh, sẽ khác biệt đáng kể với những gì được tính toán trên máy tính. Và rõ ràng là không có lợi cho Lầu Năm Góc.