Nội dung công điện nêu rõ, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới và tử vong vẫn tăng ở nhiều nước. Trong nước, nguy cơ dịch bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép.
Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong những ngày lễ lớn sắp tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.
Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên phạm vi quản lý. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chính về việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; báo cáo cấp ủy cùng cấp để thống nhất chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo chuyên môn, chủ động tham mưu, đề xuất các vấn đề liên ngành, vượt thẩm quyền; đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19; tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt chỉ đạo thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch.
Thủ tương yêu cầu các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch; chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch.
Trường hợp phát hiện ca bệnh, các lực lượng liên quan phải tập trung chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội phải theo phương châm thiết thực, hiệu quả; bảo đảm an toàn nhưng không để sản xuất, kinh doanh bị đình trệ ở quy mô quá mức cần thiết; hạn chế tối đa tác động bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn. Đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn theo đúng quy định.
Bộ Y khẩn trương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/ 2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19; phân bổ và tổ chức tiêm vắc-xin phù hợp với tình hình diễn biến dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để vắc-xin bị quá hạn; tiếp tục chủ động tiếp cận với các nguồn vắc-xin khác trên thế giới đồng thời tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc-xin trong nước. Bộ Y tế cũng là cơ quan phải tầm soát chủ động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.
Các Bộ Quốc phòng, Công an, UBND tỉnh, thành phố được lệnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới; phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép, nhất là ở các tỉnh biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam.
Bên cạnh đó, các Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải, UBND các tỉnh thành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh, cách ly, theo dõi y tế sau cách ly, đồng thời chuẩn bị các yếu tố cần thiết sẵn sàng mở rộng đối tượng nhập cảnh phù hợp với tình hình dịch bệnh trên tinh thần phát triển nhưng phải bảo đảm an toàn.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về đề cao cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Hơn 3 triệu người trên thế giới tử vong do đại dịch Covid-19
Theo trang thống kê Worldometers, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 858.542 trường hợp mắc Covid-19 và 13.236 ca tử vong. Tính đến 9 giờ sáng 24/4, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 146 triệu ca bệnh, trong đó trên 3 triệu người không qua khỏi.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 124.299.278 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 18.785.980 ca và 109.913 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 584.959 ca tử vong trong tổng số 32.725.180 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 187.390 ca tử vong trong số 16.378.571 ca bệnh. Đứng thứ ba là Brazil với 14.238.110 ca mắc và 386.623 ca tử vong.
Xét theo khu vực, châu Âu hiện có tới hơn 43,65 triệu ca bệnh, trong đó có tới gần 1 triệu ca tử vong, là châu lục có số ca tử vong cao nhất thế giới. Tiếp đến là khu vực Bắc Mỹ với hơn 37,84 triệu ca bệnh, trong đó có gần 854.000 ca tử vong. Trong khi châu Á đứng thứ ba về số ca bệnh (hiện đã vượt ngưỡng 36 triệu ca), khu vực Nam Mỹ lại đứng thứ ba về số ca tử vong (hơn 644.000 ca).
Tại châu Á, số ca bệnh ghi nhận của hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Philippines đang khá cao, lần lượt là hơn 1,63 triệu ca và gần 980.000 ca. Trong khi đó, số ca tử vong ở Indonesia hiện cao thứ ba toàn châu lục (44.346 ca), đứng sau Ấn Độ và Iran. Malaysia hiện đứng thứ ba Đông Nam Á về mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh khi quốc gia này đã ghi nhận 387.535 ca bệnh, trong đó có 1.415 ca tử vong.