Trước đó có thông báo rằng Nga dự kiến rút khỏi dự án Trạm Không gian Quốc tế ISS từ năm 2025 và bắt đầu xây dựng Trạm quỹ đạo của riêng mình. Mô-đun đầu tiên cho nó sẽ là SEM, vốn ban đầu đã được thiết kế dành cho ISS.
Theo các tài liệu, với mục tiêu sử dụng trong thành phần Trạm quỹ đạo của Nga, mô-đun này cần phải được điều chỉnh để thích ứng với việc phóng bằng tên lửa đẩy «Angara-A5M» từ sân bay vũ trụ Vostochny, thay vì tên lửa «Proton-M» từ sân bay Baikonur.
Ngoài ra, trên mô-đun sẽ phải thay thế bộ lắp ghép từ chủ động sang thụ động, đặt hai khoang cabin dành cho các phi hành gia và chỉnh lý các hệ thống phụ trách chuyển động và điều hướng, đo xa, thông tin liên lạc và chế độ đảm bảo nhiệt.
Hai giai đoạn chế tạo Trạm quỹ đạo của Nga
Ở giai đoạn đầu - từ năm 2025 đến năm 2030 - dự kiến sẽ khởi động NEM, các mô-đun nút, cơ sở và cổng vào. Ở giai đoạn thứ hai - từ năm 2030 đến 2035 – sản xuất các mô-đun mục tiêu cũng như nền tảng để phục vụ bảo dưỡng các bộ máy vũ trụ.
Trạm sẽ bay theo quỹ đạo đồng bộ Mặt trời - nghiêng 97 độ so với đường xích đạo, trên đó các tấm pin Mặt trời của nó sẽ luôn nhận được ánh sáng. Quỹ đạo như vậy cho phép cứ sau một giờ rưỡi phi hành đoàn lại nhìn thấy Bắc Cực, còn hai ngày một lần nhìn thấy bất cứ điểm nào trên hành tinh của chúng ta. Trong tương quan này, có kế hoạch trang bị cho phần của Trạm quay mặt về phía Trái đất nằm trong tầm theo dõi của hệ thống quan sát ở nhiều dải phổ khác nhau - từ quang học cho đến radar, còn phía đối diện là thiết bị dành để theo dõi bên ngoài không gian mở. Bay lên Trạm mới trong giai đoạn đầu tiên sẽ là tàu vận tải «Progress» và tàu «Soyuz» có người lái, còn ở giai đoạn thứ hai là tàu có người lái «Oriol».