“Những hạn chế mà Hoa Kỳ đang thi hành chống Nga, và bản thân các cơ chế đã vạch ra trước đây trong quan hệ với Iran, thì bây giờ nói chung đang dùng thử nghiệm với Nga, để sau đó có thể sử dụng trong quan hệ với Trung Quốc. Chúng ta đang thấy rằng sức ép của Mỹ với Trung Quốc đang ngày càng tăng, chính quyền Hoa Kỳ đã công nhiên tuyên bố rằng nước Mỹ có hai đối thủ là Nga và Trung Quốc mà việc kiềm chế là ưu tiên trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”, - chuyên gia Fedor Voitolovsky phát biểu ý kiến trong cuộc họp trực tuyến tại Hãng thông tấn quốc tế “Rossiya Segodnya”.
Chuyên gia khoa học chính trị thừa nhận rằng kim ngạch thương mại Nga-Mỹ không thể sánh với quy mô và mức độ ràng buộc lẫn nhau về kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, các biện pháp trừng phạt có thể khác nhau và thay đổi tùy theo nhiệm vụ này hay nhiệm vụ khác.
“Đây là cơ chế rất linh hoạt. Nếu trong quan hệ với Nga người ta áp dụng các biện pháp trừng phạt chủ yếu đánh vào khối tài chính, vào các ngành theo định hướng xuất khẩu của nền kinh tế Nga, nhắm vào tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga, và bây giờ người Mỹ đang tiếp cận khối CNTT của chúng ta. Thì trong quan hệ với Trung Quốc, đã xuất hiện những biện pháp mà trước hết là trong lĩnh vực khoa học-công nghệ”, - nhà phân tích lý giải.
Chuyên gia Voitolovsky tin rằng với việc đại diện đảng Dân chủ Joe Biden lên nắm quyền ở Mỹ, sẽ không có gì thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với cả Nga và Trung Quốc.
“Trong những năm tới, sẽ không có gì thay đổi trong mối quan hệ với Trung Quốc hay là với Nga. Mặc dù Biden hiểu rằng có những lĩnh vực mà Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng nếu như không đối thoại được với Matxcơva và Bắc Kinh. Có những lĩnh vực mà trong đó đơn giản là không thể tránh khỏi nhân nhượng thỏa hiệp”, - Viện sĩ thông tấn chỉ rõ.
Theo lời ông, với Nga, điều đó rõ ràng liên quan đến lĩnh vực kiểm soát vũ khí, an ninh quốc tế, xung đột khu vực, cũng như các chủ đề gắn với biến đổi khí hậu. Còn với Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ không thể không đối thoại về những chủ đề như thương mại quốc tế và quản lý, các vấn đề công nghệ, an ninh mạng, an ninh hàng hải và an ninh khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương.
Những biện pháp trừng phạt mới chống Nga
Ngày 15 tháng 4, Hoa Kỳ đã áp đặt những biện pháp trừng phạt mới chống Nga, trong diện này gồm 32 cá nhân và hiệp hội. Lệnh trừng phạt cũng cấm các tổ chức tài chính Hoa Kỳ mua trái phiếu Chính phủ Nga trong đợt chào bán đầu tiên sau ngày 14 tháng 6. Ngoài ra, Washington tuyên bố sẽ trục xuất 10 nhân viên của phái bộ ngoại giao Nga ra khỏi nước Mỹ.
Ngày tiếp theo, Bộ Ngoại giao LB Nga công bố biện pháp trả đũa, trong đó có việc trục xuất số nhân viên tương ứng của cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ, chấm dứt trên lãnh thổ Nga mọi hoạt động của các quỹ và tổ chức phi chính phủ do Bộ Ngoại giao và các cơ cấu khác của Mỹ kiểm soát, đóng cửa vô thời hạn không cho nhập cảnh LB Nga đối với 8 quan chức và cựu quan chức và nhà hoạt động Hoa Kỳ, cũng như nêu đề xuất để Đại sứ John Sullivan về Washington tham vấn.
Người đứng đầu phái bộ ngoại giao Mỹ tại Nga đã lên đường về Washington vào ngày 22 tháng 4.