Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới. Ông Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN theo lời mời của Quốc vương Brunei, Chủ tịch ASEAN 2021.
Ngày 24/4, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN kết thúc, ASEAN đã ra Tuyên bố Chủ tịch.
Tinh thần của Hội nghị này như thế nào? Điểm mới nhất trong chủ đề của ASEAN là gì và Việt Nam đã đóng vai trò như thế nào cho thành công của Hội nghị? Sputnik xin giới thiệu bình luận của chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng về những vấn đề trên.
Tuyên bố Chủ tịch có nhiều điểm đáng chú ý
Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik về tinh thần và chủ đề của Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN lần này, chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng nói:
Đối với với những kế hoạch đã được đặt ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, các nước trong khối cần xúc tiến quyết định sử dụng Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 để mua vaccine cho người dân ASEAN càng sớm càng tốt. Đây là nhiệm vụ đã được thiết lập từ ASEAN 2020 nhưng nay đã trở nên đặc biệt cấp bách, cần làm ngay khi làn sóng biến thể mới của COVID-19 đang tàn phá Ấn Độ và đã lan sang một số nước trên bán đảo Đông Dương.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng cũng nhấn mạnh rằng, một cơ chế quan trọng đã được Việt Nam đề xuất thiết lập năm Chủ tịch ASEAN 2020 nay cần được phát huy tác dụng. Đó là sớm vận hành Kho dự phòng vật tư y tế khu vực cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và nhanh chóng thành lập Trung tâm ASEAN về các trường hợp khẩn cấp và các bệnh mới nổi. Điều này chứng minh tầm nhìn của Việt Nam trong việc dự báo sớm những nguy cơ dịch bệnh và sớm chuẩn bị nguồn lực để đối phó.
Những vấn đề tiếp theo trong Tuyên bố Chủ tịch ASEAN tháng 4/2021 bao gồm nhiệm vụ đầu tư cho hai trong ba trụ cột của ASEAN là chiến lược phục hồi, số hóa và bền vững về kinh tế cũng như tăng cường hơn nữa trụ cột Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN cũng đều là những biện pháp ưu tiên nhằm đạt mục tiêu đã được Hội nghị cấp cao ASEAN 2020 thiết đặt với các sáng kiến của Việt Nam.
Việt Nam đề xuất những biện pháp hợp lý để giúp “giảm nhiệt” căng thẳng xung quanh vấn đề Myanmar
Phân tích nội dung của Hội nghị nói trên, chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng nêu rõ rằng, điểm mới lớn nhất của Hội nghị cấp cao ASEAN 2021 là vấn đề Myanmar.
“Mọi người đều biết ASEAN là khu vực tranh chấp địa chiến lược gay gắt giữa các nước lớn nên nhất cử nhất động ở bất kỳ nước nào trong ASEAN đều được các nước lớn khai thác để phục vụ cho mục tiêu địa chiến lược của họ. Và Myanmar cũng không phải là ngoại lệ. Các cường quốc phương Tây đứng đầu là Mỹ mong muốn có một Myanma “dân chủ” để dễ bề thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, và sâu xa hơn là tạo thêm một mắc xích chiến lược để kiềm chế Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì lại muốn có một “khu đệm an toàn”, đồng thời tạo thêm cơ hội chia rẽ ASEAN”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.
Các biện pháp đó còn khẳng định rằng ASEAN có thể tự giải quyết được các vấn đề của khu vực mình mà không cần đến sự can thiệp của các nước lớn. Đây là điều đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao tính tự chủ của ASEAN, có lợi cho việc bảo vệ quyền độc lập, quyền tự quyết của các nước ASEAN cũng như bảo đảm an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực quan trọng này của thế giới.
Việt Nam đặc biệt coi trọng, thúc đẩy và thống nhất lập trường trong đàm phán COC với Trung Quốc
Nói về vai trò và đóng góp của đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu, chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng đã đưa ra đánh giá như sau:
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do tân Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã kế tục một cách tốt nhất những thành quả của ASEAN trong năm Chủ tịch của Việt Nam 2020; đồng thời ứng phó nhanh nhạy với những sự biến trên thế giới và khu vực như dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng ở Nam Á và Đông Nam Á, tình hình bất ổn ở Myanmar, những động thái gây hấn mới ở Biển Đông của Trung Quốc như dùng biện pháp “đội lốt dân sự” thay cho biện pháp “quân sự thuần túy”.
Việt Nam đều lý giải được những vấn đề chủ quyền biển đảo được đặt ra tại hội nghị, đưa ra những dự báo có cơ sở khoa học vững chắc. Đồng thời, Việt Nam cũng kêu gọi các nước ASEAN tiếp tục gắn kết và thích ứng như tinh thần ASEAN 2020 để đối phó với những trở ngại cũ cũng như những thách thức mới. Trong đó, đặc biệt coi trọng, thúc đẩy và thống nhất lập trường trong đàm phán COC với Trung Quốc để có được một Biển Đông hòa bình, ổn định, tự do giao thương hàng hải, hàng không, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông trên cơ sở UNCLOS-1982 và không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.