Các tổ chức bảo vệ quyền người di cư lo ngại rằng những người Việt Nam bị trục xuất đã không được tư vấn pháp lý đầy đủ do đại dịch COVID-19 và có thể là nạn nhân của nạn buôn người xuyên quốc gia.
Kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép và mua bán người
Trả lời Sputnik về biện pháp tăng cường công tác phòng chống nạn buôn bán người/di cư trái phép trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Họp báo thường kỳ hôm nay 29/04, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh:
"Việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam đã được dựa trên cơ sở Bản ghi nhớ giữa Viêt Nam, Anh và Bắc Ireland về di cư nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của hai bên. Việt Nam mong muốn phía Anh luôn tạo điều kiện cho người Việt hội nhập, tiếp tục công việc. Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, đấu tranh với di cư trái phép và buôn bán người. Mới đây ngày 9/2, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phòng chống buôn bán người trong các hoạt động di cư quốc tế. Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hợp tác với các nước, trong đó có Interpol nhằm ngăn chặn, xử lý các đường dây buôn người trái phép theo quy định của pháp luật. Việt Nam cũng đang trao đổi, phối hợp với các quốc gia để xử lý các sự việc liên quan".
Việc trục xuất đột ngột của Anh có quá hấp tấp?
Trước đó, ngày 20/4, The Guardian đưa tin, Bộ Nội vụ Vương quốc Anh lần đầu tiên thuê một chuyến bay đưa người Việt Nam bị trục xuất trở về nước vào ngày 21/04 vừa qua, mặc dù không rõ tại sao chính phủ nước này lại hối hả trục xuất công dân Việt Nam vào giai đoạn mà việc trục xuất ở mức thấp lịch sử vì đại dịch COVID-19.
Các tổ chức từ thiện và các nhà vận động nhân quyền tỏ ra lo lắng vì cho rằng số người Việt Nam bị trục xuất không được pháp luật bảo vệ đầy đủ trong mùa đại dịch hiện nay. Họ lo ngại sẽ có ít nhất một trong số những người bị trục xuất là nạn nhân của các tổ chức buôn người. Bộ Nội vụ Anh trước đó đã gửi thông báo đến các công dân Việt Nam bị trục xuất nói họ sẽ được đưa trở về lại Việt Nam, nhập cảnh tại cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội) hoặc Tân Sơn Nhất (TP. HCM) vào ngày 21/04.
Các nhóm nhân quyền cho rằng, hầu hết di dân Việt Nam nhập cảnh Anh bất hợp pháp là nạn nhân của các tổ chức buôn người, bị cưỡng bức làm việc tại các trại trồng cần sa, nhà thổ hoặc tiệm nails dưới hình thức bóc lột.
Bà Bella Sankey, Giám đốc Detention Action, tổ chức hỗ trợ người bị giam giữ do nhập cư và vận động cải cách chính sách của Anh, cho biết:
“Các chuyến bay trục xuất tạo ra động cơ tiêu cực cho việc trục xuất hàng loạt. Lịch sử chứng minh việc này đã dẫn đến những bất công nghiêm trọng bao gồm cả việc ra quyết định sống còn. Hệ thống tiếp cận tư vấn pháp lý cho những người bị ảnh hưởng đang bị xáo trộn, nghĩa là những người sống sót sau vụ buôn người hoặc những bạo hành hành có nguy cơ bị trục xuất. Chuyến bay thử nghiệm này là hành động chính trị nguy hiểm tồi tệ nhất”.
Phản ứng trước phát ngôn của bà Sankey, Bộ Nội vụ Vương quốc Anh nêu rõ:
“Chúng tôi bác bỏ những tuyên bố trên. Tất cả các cá nhân trên chuyến bay trục xuất đều có cơ hội được tư vấn pháp lý và các gợi ý khác là không chính xác. Những người không có quyền ở lại Vương quốc Anh chắc chắn sẽ bị trục xuất và kế hoạch nhập cư mới của chúng tôi sẽ giúp quá trình này dễ dàng hơn”.
Việt Nam là một trong các quốc gia có công dân bị đưa sang Anh hàng đầu hiện nay. Những người này đã phải trả cho các tổ chức buôn người khoảng 30,000 bảng Anh/người để mong có cơ hội đặt chân sang miền đất hứa mà không biết mình sẽ phải đối mặt với nguy hiểm chết người. Đây cũng chính là nguyên nhân cái chết thương tâm của 39 người di cư Việt Nam được phát hiện trong xe tải ở Essex vào tháng 10/2019.