GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm cho biết, so với các chủng virus hiện hành, kể cả chủng Anh, Brazil, chủng virus B.1617 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn rất nhiều.
Biến thể virus corona gây dịch Covid-19 ở Ấn Độ đã xuất hiện tại Việt Nam
Biến chủng SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 ở Ấn Độ vừa được ngành y tế Việt Nam xác nhận xuất hiện ở quốc gia Đông Nam Á này.
Chiều 30/4, Bộ Y tế thông tin cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 ở các nước xung quanh Việt Nam (Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan…) đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gen của các chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam mắc nCoV, để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.
Theo đó, tại Yên Bái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu tất cả các chuyên gia Ấn Độ và một trường hợp là nhân viên làm việc tại khách sạn Như Nguyệt 2 để tiến hành làm xét nghiệm giải trình tự gen, xác định biến chủng SARS-CoV-2.
“Kết quả chiều ngày 30/4 cho thấy: Tất cả các mẫu xét nghiệm của các chuyên gia Ấn Độ và nhân viên khách sạn thuộc biến thể hiện đang lưu hành và gây bệnh dịch Covid-19 Ấn Độ. Cụ thể là biến thể B.1.167.2”, thông báo của Bộ Y tế khẳng định.
Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Việt Nam ghi nhận một số ca mắc Covid-19 nhập cảnh từ Ấn Độ. Mới nhất là bệnh nhân 2831 (đã được Bộ Y tế công bố hôm 24/4).
Đây là nam chuyên gia người Ấn Độ. Bệnh nhân nhận kết quả xét nghiệm lần 3 mới phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Hiện trường hợp này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Trước đó, ngày 23/4, Bộ Y tế công bố bệnh nhân số 2827 quốc tịch Ấn Độ, là chuyên gia cũng dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.
Cũng trong ngày 23/4, cơ quan Y tế Việt Nam công bố bệnh nhân số 2818 quốc tịch Ấn Độ, là chuyên gia, dương tính với SARS-CoV-2 và được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TP.HCM.
Biến chủng SARS-CoV-2 ở Ấn Độ nguy hiểm thế nào?
Theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm, so với các chủng virus hiện hành, chủng virus B.1617 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn rất nhiều.
“Chủng này có đột biến kép ở đoạn protein S nên lan tràn rất nhanh, tử vong rất cao”, GS Kính phân tích.
Theo ông, biến chủng kép B.1.617 của Ấn Độ đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ các chuyên gia, nhà khoa học trên toàn thế giới. Trước đó, biến chủng (chưa kép) B.1.1.7 từ Anh cũng đã cho thấy tốc độ lây lan chóng mặt của nó, cao hơn 70% so với chủng ban đầu.
“Dù chưa rõ tỷ lệ cao hơn bao nhiêu nhưng người ta thấy nhanh hơn tất cả những chủng trước đây Ấn Độ từng gặp. Do đó không chỉ Ấn Độ phải đối mặt với biến chủng kép, cả thế giới cũng hết sức quan tâm, làm sao để ngăn chặn không lan tràn sang nước khác”, GS. Kính lưu ý.
Các nhà khoa học Ấn Độ nói riêng và cả thế giới nói chung đều đang tìm mọi cách để ngăn chặn chủng virus này. Tuy vậy, do nhiều nước vẫn chưa đóng cửa biên giới nên chủng này đã bắt đầu lây lan sang nước khác. Ít nhất 17 quốc gia đã ghi nhận sự hiện diện của biến chủng B.1.617 trên lãnh thổ.
Đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân mắc bệnh. Nhìn chung, chiến thuật điều trị vẫn là theo dõi, chữa trị thật sớm các triệu chứng của bệnh nhân, đồng thời nâng cao thể trạng người bệnh. Trong trường hợp xuất hiện tổn thương phổi, phải sử dụng đến biện pháp oxy. Nếu rối loạn đông máu cũng phải có hướng điều trị thích hợp, theo hướng dẫn cụ thể.
Trong cuộc họp khẩn sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải hết sức bĩnh tĩnh, sáng suốt, phát huy thành tích, kinh nghiệm của quá trình phòng chống dịch thời gian qua, những bài học phòng chống dịch từ các nước trên thế giới.
“Chúng ta vẫn tự tin, vẫn có thể xử lý tốt được tình hình, không hoang mang, không lo sợ, không chủ quan, không cầu toàn và không nóng vội”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phải xem xét kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện không đúng các quy định trong phòng chống dịch, để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
“Chỉ một người lơ là, cả xã hội vất vả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Việt Nam phát hiện thêm 14 ca Covid-19
Chiều nay, Bộ Y tế thông báo cho biết, Việt Nam phát hiện thêm 14 ca Covid-19, trong đó có 4 trường hợp lây nhiễm cộng đồng trong nước tại Hà Nam và Hà Nội.
Cụ thể, theo thông báo của Bộ Y tế, 14 ca mắc mới được ghi nhận và đánh số từ 2915-2928, trong đó có 10 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cụ thể, tại TP.HCM (2), Tây Ninh (1), Sóc Trăng (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (5) và 4 trường hợp lây nhiễm coronavirus trong nước tại Hà Nam (2), Hà Nội (2).
Về ca bệnh số 2915 ghi nhận tại TP.HCM, Bộ Y tế cho hay, đây là người phụ nữ 38 tuổi, ở thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An. Ngày 26/4, bệnh nhân từ Đức quá cảnh Pháp nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN10 và được cách ly ngay. Kết quả xét nghiệm ngày 28/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, TP.HCM.
Ca bệnh số 2916 ghi nhận tại TP.HCM 32 tuổi, là nam chuyên gia Ấn Độ. Ngày 13/4, bệnh nhân từ Ấn Độ quá cảnh UAE nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay EK392 và được cách ly ngay. Kết quả xét nghiệm ngày 28/4 dương tính với coronavirus. Hiện tại, bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Các bệnh nhân từ 2917-2918 đều được phát hiện tại tỉnh Hà Nam. Trong đó, ca 2917 là F1 (là mợ ruột) của bệnh nhân 2908 (vợ của bệnh nhân 2899 và ca 2918 là F1 (cháu ruột) của bệnh nhân 2899, đều liên quan chùm ca bệnh tại Hà Nam. Hiện 2 bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.
Bệnh nhân 2919 ghi nhận tại Tây Ninh. Đây là cô gái 25 tuổi, ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Ngày 28/4, bệnh nhân từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu Mộc Bài và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm ngày 30/4 dương tính với virus corona. Hiện bệnh nhân được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Đối với hai ca bệnh 2920 và 2921 ghi nhận tại Sóc Trăng, Bộ Y tế cho hay, đây là một nam một nữ, 29 và 27 tuổi, ở Đồng Nai và TP HCM. Ngày 28/4, các bệnh nhân trên từ Philippines nhập cảnh Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH9353 và được cách ly ngay. Kết quả xét nghiệm ngày 29/4 dương tính với nCoV. Hiện các bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện 30 Tháng 4, Sóc Trăng.
Hai ca bệnh 2927-2928 ghi nhận tại Hà Nội là công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, là F1 của ca 2911 (bạn của bệnh nhân 2899, đi liên hoan cùng ngày 22/4). Bộ Y tế xác định hai ca bệnh ở Hà Nội này có liên quan chùm ca bệnh tại Hà Nam. Hiện các bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Như vậy, hôm nay, Việt Nam phát hiện thêm 17 ca nhiễm mới, gồm 7 ca lây nhiễm cộng đồng và 10 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Bộ Y tế và chính phủ Việt Nam hiện đang khẩn trương ban hành nhiều quyết sách liên quan đến công tác phòng chống dịch sau hơn 1 tháng không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, rồi lại bất ngờ ghi nhận chuỗi lây nhiễm mới ở Hà Nam.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam mới chỉ có tất cả 2928 ca Covid-19, trong đó, số khỏi là 2.516. Các bệnh nhân đang điều trị đa số sức khỏe ổn định, trong đó 13 người xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần một, 15 người âm tính lần hai và 20 người âm tính lần ba. Theo chương trình tiêm chủng quốc gia, ngày 29/4 có thêm 78.414 người tiêm vaccine Covid-19, nâng tổng số người được tiêm vaccine của Việt Nam lên 506.435 người.