EU thời gian qua chỉ trích Trung Quốc khá gay gắt vì những hành động gây bất ổn của Trung Quốc tại Biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh tuân theo phán quyết của Tòa án Quốc tế. Mấy ngày trước cơ quan báo chí của phái bộ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại EU đã nêu trong một tuyên bố rằng “Biển Đông không nên trở thành đấu trường tranh giành quyền lực lớn” và phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye về Biển Đông là “vô hiệu”.
Trung Quốc sẽ tiếp tục bị cô lập hơn trên trường quốc tế
Tuyên bố của Bắc Kinh được đưa ra nhằm đáp lại thông cáo của đại diện chính thức của EU mà được công bố một ngày trước đó. Thông báo có nói rằng, "căng thẳng ở Biển Đông, bao gồm sự hiện diện gần đây của các tàu lớn của Trung Quốc ngoài khơi Đá Ba Đầu, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực"
“Liên minh châu Âu đang muốn chứng tỏ vai trò của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, muốn thể hiện ảnh hưởng của mình, nhưng chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng, EU không có những mục tiêu cụ thể nào tại khu vực này cả. Cho dù chỉ trích của EU hoàn toàn có cơ sở, nhưng nó không có tác động gì mấy”, - PGS-TS Hoàng Giang bình luận với Sputnik về thông cáo của phát ngôn viên EU.
“Tôi cho rằng, tuyên bố nói trên là một tuyên bố vụng về của cơ quan báo chí ngoại giao Trung Quốc tại EU khi đề cập đến việc tranh giành quyền lực lớn trên thế giới. Trong “30 năm sóng gió” (theo cách nói của nhà báo Trung Quốc Ngô Hiểu Ba về giai đoạn 1978-2008 ở nước này), Trung Quốc là một “con hổ non” đang lớn nhanh tới mức chóng mặt nhưng lại cố đội lốt một “con thỏ” hiền lành, không có tham vọng lớn. Đến nay thì cả thế giới đều biết điều này. Cả thế giới đều biết đến việc vào năm 1998 Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn “Vành khăn” (“Mischief Reef”) mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền nhưng Philippines đang kiểm soát. Cả thế giới đều biết đến việc năm 2012, Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn “Scarborough Shoal” mà Philippines đã tuyên bố chủ quyền, chỉ cách vịnh Subic chưa đầy 200 km và hoàn toàn nằm trong EEZ của Philippines. Cả thế giới đều biết đến vụ Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan HD-981 xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây nên mối quan ngại trên toàn thế giới”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Cả thế giới đều biết rằng, Trung Quốc, với lập trường vô lý và sai trái về cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “vùng nước lịch sử” đã là “kẻ bắt nạt” và là “thủ phạm chính” trong các vụ gây hấn ở Biển Đông. Và cả thế giới, thông qua các bức ảnh vệ tinh, đều biết rằng Trung Quốc đã bồi đắp trái phép và biến các bãi san hô ngầm “Chữ Thập” (“Fiery Cross Reef”), “Subi” (“Subi Reef”) và “Vành Khăn” (“Mischief Reef”) thành những đảo nổi rộng từ 1,8 km2 (“Subi”) đến 2,71 km2 (“Chữ Thập”) và biến chúng thành các căn cứ quân sự với đường băng cất hạ cánh dài từ 3.125m, rộng 60m ở đá Chữ Thập đến 3.250m, rộng 55m ở đá Vành Khăn, đủ lớn cho các máy bay ném bom chiến lược tầm trung “Tây An H-6” sử dụng. Ngoài ra, trên các đảo nhân tạo này, Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống radar đối hải, đối không, bố trí các hệ thống tên lửa YJ-12B và HQ-9B.
“Luận điệu của cơ quan báo chí phái bộ Trung Quốc tại EU rằng “Biển Đông không nên trở thành đấu trường tranh giành quyền lực lớn” là luận điệu đi ngược lại những việc làm chuẩn bị cho chiến tranh của họ ở Biển Đông, và do đó là không thể tin cậy. Mặt khác, luận điệu này cũng có thể là một hành động phản ứng trước việc các nước Anh, Pháp, Đức phối hợp với Mỹ điều các chiến hạm thực hiện các chuyến tuần tra ở Biển Đông thời gian qua”, - Chuyên gia Hồng Long nói với Sputnik.
Với việc tuyên bố rằng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ở La Haye là vô hiệu, Trung Quốc không những đã tự mâu thuẫn với mình khi chính họ đã đặt bút ký tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS-1982) trong đó có quy định về việc xử lý các tranh chấp chủ quyền biển-đảo thông qua hai tòa án quốc tế quan trọng là Tòa án Trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration - PCA) và Tòa án Công lý quốc tế (International Court of Justice - ICJ). Động thái này còn cho thấy trung Quốc đã công khai “ngồi xổm” lên luật pháp quốc tế, bất chấp việc chính mình đã thừa nhận hiệu lực của hệ thống pháp luật đó.
Vì vậy, đối chiếu với những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, Philippines và một số nước khác ven Biển Đông cũng như với pháp luật quốc tế mà đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS-1982), được coi như “Hiến pháp biển toàn cầu” thì những cáo buộc của EU đối với các hành động gây hấn của Trung Quốc Biển Đông là có cơ sở. Cơ quan truyền thông của Trung Quốc tại EU đã không thể biện hộ trực tiếp cho những hành động của mình mà lại đưa ra tuyên bố “lạc lõng” nói trên. Điều này chứng tỏ Trung Quốc sẽ tiếp tục bị cô lập hơn trên trường quốc tế.
“Lời tuyên bố của Trung Quốc thông qua phái bộ ngoại giao ở EU còn có thể là một tín hiệu “xuống thang” để giảm căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và EU cũng như giảm bớt nguy cơ bị cô lập nhiều hơn”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Khi những cuộc “hôn nhân lợi ích” gần đến hồi kết, EU thể hiện lập trường
Các chuyên gia cho rằng, EU ngày càng sử dụng cách nói mạnh hơn với Trung Quốc và giải thích động thái này của EU là do quan hệ Mỹ-EU đang có xu hướng tốt hơn lên.
“Tuyên bố của EU với nội dung chỉ trích Trung Quốc làm bất ổn ở Biển Đông là một phần của đường lối xích lại gần hơn với đối tác Mỹ”, - PGS-TS Hoàng Giang phát biểu với Sputnik
Nêu quan điểm của mình về vấn đề trên, chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik: Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của Donald Trump, thế giới được chứng kiến một vị lãnh đạo nước Mỹ có những quan điểm không nhất quán. Trong 4 năm đó, Mỹ tuy phát động thương chiến với Trung Quốc nhưng cũng lại “vung cây gậy lên” với cả các đồng minh “chí cốt” của mình ở Châu Âu cũng như đối với Nhật Bản, Hàn Quốc,v.v. Và điều đó làm cho Mỹ nếu có muốn trở thành một “hiệp sĩ chống Trung Quốc” cũng sẽ trở nên cô độc trong khi sức mạnh của Mỹ đang rải ra trên khắp toàn cầu. Đó là một trong các lý do để tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông Joseph Biden khôi phục lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương với các đồng minh EU, khởi động lại “Bộ tứ kim cương”, cài đặt lại các quan hệ với Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và với ASEAN.
Nhưng đó chỉ là một trong những nguyên nhân khiến các nước EU làm một việc hiếm hoi là phái các tàu chiến của mình đến Biển Đông sau khi Mỹ, lần đầu tiên sau nhiều năm đưa tới 2 cụm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông và Biển Hoa Đông.
“Lý do chủ yếu vẫn là vấn đề kinh tế. Trong giai đoạn “vỗ béo Trung Quốc” của Mỹ và phương Tây từ năm 1978 đến năm 2008, hàng chục nghìn tỷ Dollar từ Mỹ và phương Tây đã được đổ vào Trung Quốc dưới nhiều hình thức khác nhau, từ đầu tư trực tiếp FDI đến cho vay tín dụng có ân hạn. Mục tiêu chính của các hành động này là nhằm tối ưu hóa lợi nhuận của các nhà tư bản tài phiệt Mỹ và phương Tây khi khai thác tài nguyên và sức lao động giá rẻ của Trung Quốc. Tuy nhiên, những hệ quả bất lợi không mong muốn đã diễn ra như việc Trung Quốc được chia sẻ những công nghệ cao, như việc Trung Quốc vươn lên thành “công xưởng 4.0 của thế giới”, như việc Trung Quốc gia tăng sự cạnh tranh với Mỹ và phương Tây để rồi vươn lên thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới,v.v…”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.
Trong khi đó thì hàng loạt các tập đoàn tư bản lớn ở Mỹ và Châu Âu như IBM, Dell, Intel, Compaq, Simen, Phillip và Apple (điện tử), Boeing, Douglas, General Dynamics, Airbus, Microsoft, AT&T, Qualcomm,… đều có các cơ sở sản xuất và kinh doanh tại Trung Quốc. Điều này giải thích vì sao việc vội vã phát động thương chiến với Trung Quốc của Donald Trump gây ra sự bất bình lớn trong giới tư bản tài phiệt Mỹ và đó là một trong những nguyên nhân kiến ông ta thất cử vào cuối năm 2020. Và điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc “nổi giận” rồi quốc hữu hóa tất cả các tài sản của Mỹ và phương Tây sau khi họ đã “no nê” hưởng thụ những thành quả công nghệ hiện đại nhất từ Mỹ và phương Tây đầu tư vào Trung Quốc ?
“Dù có chỉ trích gay gắt, nhưng khi Châu Âu về cơ bản chưa chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc thì khó có thể đưa ra các biện pháp hạn chế quy mô lớn chống lại Trung Quốc”, - PGS-TS Hoàng Giang nói với Sputnik.
“Mỹ và các nước phương Tây cần có thời gian để “rút quân” của mình khỏi Trung Quốc trước khi có những động thái mạnh mẽ để kiềm chế Trung Quốc. Đó là logic tất yếu của “trò chơi nước lớn” đối với Trung Quốc trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Khi mà sự ràng buộc lẫn nhau giữa các đối thủ đã trở nên chặt chẽ hơn thì việc thoát khỏi những cuộc “hôn nhân lợi ích” ngày càng khó khăn hơn. Và giờ đây, khi “đồng vốn” của Mỹ và phương Tây đã cơ bản “tháo chạy” thành công khỏi Trung Quốc sang các quốc gia khác, họ mới có thể thể hiện lập trường và những động thái cứng rắn của mình. Đó mới là vấn đề cơ bản nhất khiến các nước phương Tây có thể “chơi rắn” với Trung Quốc”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Tâm phân tích với Sputnik .