Theo luật sư, vụ việc của VinFast và chủ kênh GoGo TV Trần Văn Hoàng, đúng sai ra sao, sẽ có pháp luật trả lời. Việc mời công an, hay pháp luật can thiệp sẽ đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng. Không có chuyện doanh nghiệp ỷ mạnh mà “bắt nạt” khách hàng hay có chuyện dàn xếp sau lưng.
Rốt cuộc ông Trần Văn Hoàng đi sửa xe VinFast mấy lần?
Ngày 6/5, trao đổi với báo giới, ông Hoàng Chí Trung, Quyền Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh VinFast thông tin về quyết định gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng liên quan vụ việc ông Trần Văn Hoàng, chủ kênh Youtube GoGo TV đăng tải video về “lỗi xe VinFast Lux 2.0” cũng như chất lượng xe VinFast “không đúng sự thật”.
Nói đến việc “vì sao VinFast không lắng nghe và giải quyết vấn đề cho khách hàng mà lại kiên quyết đưa Youtuber Trần Văn Hoàng ra pháp luật”, trao đổi với Zing, ông Hoàng Chí Trung cho biết, công ty luôn xác định tinh thần “khách hàng là trung tâm”, do đó, rất cầu thị và tích cực giải quyết tất cả các lỗi được xác định là đúng ngay tại thời điểm vào xưởng cho khách hàng, như lỗi gạt mưa tự động, phím điều khiển trên vô lăng hay cảnh báo áp suất lốp.
“Các kết quả xử lý thành công tại thời điểm đó đều đã được khách hàng ký nhận”, ông Trung khẳng định.
Mặc dù vậy, theo Quyền Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh VinFast, ngày 20/4 và 28/4, khách hàng liên tiếp dựng và đăng tải các video với nội dung gây hiểu nhầm khiến người dùng hoang mang lên kênh YouTube GoGo TV.
Đại diện VinFast nhấn mạnh, những video không đúng sự thật của ông Trần Văn Hoàng lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, khiến nhiều khách hàng khác không rõ sự tình đã thật sự lo lắng, bất an và tổn hại đến uy tín, hình ảnh của VinFast.
“Mức độ lan truyền rộng, tốc độ nhanh của thông tin không đúng sự thật này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến VinFast, buộc chúng tôi phải trình báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ làm rõ sự việc”, lãnh đạo VinFast bày tỏ.
Ông Hoàng Chí Trung cũng khẳng định, thực tế, không hề có việc Trần Văn Hoàng phải “10 lần phải vào xưởng để sửa chữa” xe VinFast Lux 2.0. Đúng ra chỉ có 5 lần và cả năm lần cũng có một số hiện tượng khách nêu nhưng thực tế kiểm tra lại không có hoặc có nguyên nhân từ phía người dùng.
Tiết lộ công khai 5 lần “vào xưởng” của ông Trần Văn Hoàng, ông Hoàng Chí Trung cho biết, theo lệnh sửa chữa trên hệ thống, ngày 3/3, ông Hoàng vào xưởng VinFast Lê Văn Việt kiểm tra hiện tượng cần gạt mưa tự động gạt và các nút trên vô lăng không hoạt động. Xưởng Lê Văn Việt đã xử lý dứt điểm. Đến 11/3/2021, ông Hoàng vào xưởng VinFast Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM, phản ánh xe bị lọt tiếng gió, xe có tiếng kêu cạch cạch và báo áp suất lốp.
“Kết quả kiểm tra không xác định được rõ ràng có tiếng gió lọt vào trong xe, khách hàng đã đồng ý xác nhận. Về việc cảnh báo áp suất lốp xưởng đã khôi phục lại bình thường. Riêng tiếng kêu lạch cạch là từ lon nước ngọt va vào thành cốp sau”, đại diện VinFast nói.
Đến 5/4, ông Hoàng vào Đại lý VinFast Phú Mỹ Hưng bảo dưỡng xe và kiểm tra tiếng cửa kêu nhưng đại lý xử lý chưa hiệu quả. Ngày 8/4/2021vị khách này quay lại đại lý Phú Mỹ Hưng để xử lý tiếng kêu ở cửa, nhưng chưa được xử lý triệt để. Sang ngày 16/4, ông Trần Văn Hoàng tiếp tục tới xưởng Phú Mỹ Hưng để giải quyết tiếng kêu cửa.
“VinFast đã cử kỹ thuật viên xuống hỗ trợ nên đã xử lý dứt điểm. Khách hàng đã ký biên bản xác nhận cửa xe không còn kêu nữa”, ông Trung nhấn mạnh và cho biết, việc khách hàng phải đi lại 3 lần, doanh nghiệp đã siết lại trình độ kỹ thuật của các đại lý, chấn chỉnh tay nghề nhân viên, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Quyền Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh VinFast cũng nêu rõ, kết quả các lần làm việc khách hàng đều công nhận, có chữ ký xác nhận, VinFast đều tiếp nhận và xử lý, bao gồm cả các lỗi từ quá trình sử dụng.
VinFast nói gì về việc tố cáo ông Trần Văn Hoàng của GoGo TV?
Đại diện VinFast nêu rõ, về cơ bản, chiếc xe VinFast Lux 2.0 của anh Trần Văn Hoàng hoàn toàn không có bất kỳ lỗi nghiêm trọng nào có thể ảnh hưởng tới xe và sự an toàn của người ngồi trên xe.
Theo ông Hoàng Chí Trung, sau khi có thông tin trên mạng xã hội, phía VinFast có mời khách hàng đưa xe đến xưởng kiểm tra. Tuy nhiên, khi kiểm tra, nhiều phản ánh khách nêu không thấy, ví dụ lỗi cảm biến áp suất lốp, sạc không dây, tính năng Cruise Control hay “lỗi” không đóng được nắp bình xăng.
“Tại thời điểm kiểm tra, các tính năng đều hoạt động bình thường và chính anh Hoàng cũng có ký xác nhận việc này”, ông Trung khẳng định.
Bàn về việc vì sao chủ kênh GoGo TV tiếp tục đăng tải video lên mạng xã hội, Quyền Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh của VinFast cho rằng, công ty không hiểu mục đích hành động của anh Trần Văn Hoàng.
Ông Trung nêu rõ, VinFast luôn cầu thị, lắng nghe những góp ý của khách hàng về sản phẩm, đồng thời luôn chủ động nhận trách nhiệm và sửa lỗi thuộc về mình nhưng cũng kiên quyết không thỏa hiệp với những hành vi sai trái, cố tình gây tổn hại tới thương hiệu và hoang mang cho người dùng.
Đại diện nhắc lại tôn chỉ của VinFast “luôn lấy khách hàng làm trung tâm” và mong muốn mang đến cho người dùng xe Việt trải nghiệm được chăm sóc số 1 trên thị trường.
Đối với trường hợp cụ thể của khách hàng Trần Văn Hoàng, VinFast cam kết luôn tận tuỵ và coi khách hàng là số một nhưng khách hàng cũng không được tuỳ tiện tung tin sai sự thật, gây tâm lý hoang mang cho những người dùng khác.
“VinFast buộc phải chọn cách làm rõ vấn đề thay vì chỉ giải quyết âm thầm với từng cá nhân. Đây là lần đầu tiên, VinFast phải viện đến pháp luật nhưng tôi tin là những khách hàng chân chính đều ủng hộ chúng tôi minh bạch”, ông Hoàng Chí Trung khẳng định.
Luật sư nhận định về vụ lùm xùm giữa VinFast và chủ kênh GoGo TV
Luật sư Nguyễn Huỳnh Bích Phương (Đoàn Luật sư TP.HCM) bình luận về vụ việc VinFast có nên đi kiện khách hàng của mình hay không, nêu quan điểm cho rằng, thực tế, đằng sau mỗi doanh nghiệp không chỉ là hàng nghìn, hàng vạn người lao động mà còn là một chuỗi cung ứng với rất nhiều doanh nghiệp liên quan.
“Thiệt hại này cực kỳ khủng khiếp”, luật sư Phương nói.
Theo vị luật sư, đối với sự việc giữa VinFast và chủ kênh GoGo TV Trần Văn Hoàng, nếu không hòa giải được, doanh nghiệp có thể dùng đến “pháp lý” để bảo vệ thương hiệu và đảm bảo hoạt động kinh doanh. Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Huỳnh Bích Phương nêu rõ, tự do ngôn luận là quyền công dân, nhưng theo luật, khi đưa thông tin lên mạng cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin đó, phải đảm bảo các thông tin đưa ra là đúng sự thật. Nếu không chính xác, xâm phạm lợi ích của cá nhân tổ chức thì bên bị hại (trong trường hợp này là VinFast – PV) có quyền nhờ đến pháp luật.
“Ai đúng, ai sai sẽ do cơ quan chức năng kết luận dựa trên chứng cứ các bên cung cấp. Điểm đúng đắn là vụ việc đã được yêu cầu giải quyết theo pháp luật, ở đây doanh nghiệp lựa chọn đưa tới cơ quan chức năng để yêu cầu điều tra, làm rõ”, luật sư Bích Phương khẳng định.
Theo thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, việc có bên thứ ba – làm trung gian – sẽ đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng. Không có chuyện doanh nghiệp ỷ mạnh mà “bắt nạt” khách hàng hay có chuyện dàn xếp sau lưng.
Theo luật sư Nguyễn Huỳnh Bích Phương, xét về khía cạnh pháp luật, việc VinFast đưa chủ kênh GoGo TV ra cơ quan chức năng là “hoàn toàn bình thường”. Thực tế, ở Việt Nam cũng có nhiều vụ việc tương tự nhưng doanh nghiệp không bị quan tâm quá mức bởi cộng đồng (như VinFast, Vingroup – PV) nên người dân không biết.
“Ở một xã hội thượng tôn pháp luật thì dùng pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh phải được coi là văn minh và cần được khuyến khích. Trên thế giới, việc doanh nghiệp khởi kiện khách hàng gây thiệt hại không còn là hiếm”, bà Phương nhấn mạnh.
Theo luật sư, việc yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp là cần thiết ngay từ đầu để đảm bảo tính khách quan và quyền lợi của cả hai bên. Bà Nguyễn Huỳnh Bích Phương cũng cho rằng, nên có những trường hợp điển hình về việc tuân thủ pháp luật để tăng tính răn đe.
“Cho dù phần thắng thuộc về bên nào thì trường hợp này vẫn có thể xem là một hành vi đúng đắn và tuân thủ pháp luật bởi phân xử các mâu thuẫn, tranh chấp theo pháp luật là xu hướng văn minh trong xã hội hiện nay”, luật sư Nguyễn Huỳnh Bích Phương nói và cho rằng, có cơ quan chức năng làm trọng tài sẽ giúp đảm bảo quyền lợi các bên chứ không có bên nào “một mình chịu thiệt” cả.
Từ vụ VinFast và chủ kênh GoGo TV: Xu hướng “ra tòa” sẽ sớm phổ biến ở Việt Nam?
Đồng quan điểm với luật sư Phương, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, việc giải quyết khúc mắc giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng là xu hướng tất yếu, sẽ sớm phổ biến ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường, thương mại điện tử phát triển, bùng nổ thông tin.
Nhận định việc VinFast quyết định tố cáo ông Trần Văn Hoàng lên cơ quan chức năng, dưới góc độ của người làm về pháp luật, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, điều này là “hoàn toàn đúng về mặt pháp lý”. Khi có khúc mắc giữa người bán hàng và khách hàng, cả hai bên đều có quyền khiếu kiện như nhau.
Tùy tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, mà theo luật sư, các bên có thể lựa chọn giải quyết bằng khiếu nại lẫn nhau, khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để giải quyết tranh chấp dân sự, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính. Chia sẻ với VTC News, luật sư Đức cho hay, đến cuối cùng cũng không loại trừ việc yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý hình sự nếu có dấu hiệu của tội phạm.
“Trong mối quan hệ này, câu “khách hàng luôn luôn đúng” là phương châm ứng xử, chứ đã có khúc mắc đôi bên thì đúng sai cần phải theo quy định của pháp luật”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Chuyên gia luật nêu rõ, cần phải hiểu, một doanh nghiệp nhỏ, chỉ với một thông tin sai có thể đi tới bờ vực phá sản. Với thương hiệu lớn, con số thiệt hại rất khó đo đếm, có thể là hàng triệu đô la từ những thông tin sai lệch.
Nói đến trường hợp VinFast phải tố cáo khách hàng, luật sư cho rằng, thông thường, ở Việt Nam, tâm lý doanh nghiệp sẽ ngại va chạm với khách hàng vì “khách hàng là thượng đế”, nhưng ở phương Tây, chuyện kiện tụng là rất phổ biến và hết sức bình thường.
Ông Đức lưu ý, vì tâm lý chung “khách hàng nuôi sống doanh nghiệp” hay “dĩ hòa vi quý” bảo vệ người tiêu dùng, quyền lợi khách hàng mà nhiều khi vì sợ bị quay lưng, thay vì ra tòa, nhiều doanh nghiệp lại chọn đi đường ngang, ngõ tắt, thậm chí là đi đêm để thỏa hiệp, nhưng điều này không tốt cho xu thế phát triển chung.
Luật sư nhấn mạnh, nguyên tắc của pháp luật là sòng phẳng, không bảo vệ cho bất cứ bên nào để chà đạp, làm ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng của bên kia, đặc biệt là lợi ích chung, lợi ích của số đông.
“Một số doanh nghiệp Việt hiện tại cũng dần nhận thức được điều đó và đã đi theo hướng này. Tôi đánh giá cao điều ấy để mọi thứ được công khai minh bạch, từ đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh và cho rằng, xu hướng “ra tòa” sẽ sớm trở nên phổ biến ở Việt Nam.
Luật sư Trương Thanh Đức nhận định, mặc dù cộng đồng người tiêu dùng có thể bị sốc hay không đồng tình trong phản ứng đầu tiên, nhưng cũng sẽ dần thay đổi suy nghĩ sau cách làm của VinFast.
“Dù cho kết quả vụ này ra sao, chỉ biết rằng, nếu mọi vấn đề pháp lý đều được xử lý bằng pháp luật một cách đúng luật thì đó mới thực sự là một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, chuyên gia đúc kết.