Cũng theo lãnh đạo Vingroup, thành công bước đầu của VinFast góp phần đưa Việt Nam lên vị thế mới trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới.
Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố Báo cáo thường niên năm 2020 đề cập đến kế hoạch phát triển VinFast, VinSmart, duy trì lợi thế của Vinhomes, Vinmec, VinSchool, Vin Retail…
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Vingroup muốn tạo ra những gì tốt nhất
Điểm nhấn năm 2020 của tập đoàn Vingroup chính là 110,500 tỷ đồng doanh thu thuần, 4,500 tỷ đồng lợi nhuận sau thế, 366.000 tỷ đồng vốn hóa thị trường, 31,5 nghìn xe ô tô, 45,4 nghìn xe máy điện, 2,0 triệu smartphones được bán ra thị trường và hơn 44,1 nghìn nhân viên phục vụ cho sự phát triển của tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam này.
Như thường niên, Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định trong lời mở đầu Báo cáo thường niên của Vingroup rằng, đẩy mạnh hợp tác và phát triển, ứng dụng kho học công nghệ trên mọi lĩnh vực luôn là định hướng xuyên suốt và ưu tiên hàng đầu của Vingroup.
Nêu rõ sứ mệnh tập đoàn Vingroup trong bản báo cáo thường niên hơn 150 trang rằng “tất cả vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”, theo ông Phạm Nhật Vượng, đây là “chìa khóa” then chốt để thúc đẩy sự phát triển, tối ưu trí tuệ, khai phóng tiềm năng.
Lãnh đạo Vingroup muốn tập đoàn này phải không ngừng sáng tạo, hợp tác và kết nối trí tuệ, chia sẻ tinh hoa công nghệ trên phạm vi toàn cầu để cùng tạo ra những đột phá thực sự trong việc ứng dụng công nghệ vì cuộc sống của con người. Để làm được như vậy, theo Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề, thay đổi tư duy, không chỉ làm theo thông lệ hiện có.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn Vingroup phải giữ vững tinh thần tiên phong, bứt phá để vượt mọi giới hạn, không chỉ vì sự phát triển của Vingroup, mà còn đóng góp cho Việt Nam và hơn thế nữa.
“Tất cả nhằm mang lại những sản phẩm, dịch vụ giá trị, góp phần tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”, lãnh đạo Vingroup nêu rõ.
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, năm 2021, Vingroup đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố ba trụ cột chính bao gồm công nghiệp – thương mại - dịch vụ, tạo thế “kiềng ba chân” vững chắc cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Vingroup cũng khẳng định, doanh nghiệp tăng cường yêu cầu về hiệu quả và minh bạch và tiếp tục thúc đẩy triển khai nguyên tắc “5 Hóa” nhằm xây dựng bộ máy quản trị tinh gọn, đa năng và linh hoạt trong giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới.
Theo đó, về hoạt động kinh doanh sẽ đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ của mỗi ngành dọc, đặt mục tiêu luôn đưa ra sản phẩm hấp dẫn và chất lượng nhất cho người tiêu dùng. Nhờ đó, đa dạng hóa các nguồn thu và khuyến khích khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ, sản phẩm trong hệ sinh thái, áp dụng công nghệ vào mọi hoạt động nhằm bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, mở rộng hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp ra nước ngoài.
Về nguồn vốn và đầu tư, triển khai nhiều hình thức huy động vốn trong và ngoài nước thông qua nhiều công cụ tài chính, kiểm soát hiệu quả việc đầu tư mở mới và tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nguồn vốn để phục vụ chiến lược kinh doanh ngắn, trung và dài hạn của Vingroup.
Về quản trị nguồn lực và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, báo cáo nhấn mạnh, cần phát huy vai trò của cán bộ lao động, tận dụng tối đa nguồn lãnh đạo từ cán bộ xuất sắc tại cơ sở, xây dựng môi trường làm việc hiệu quả, công bằng và văn minh và tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ nhân viên.
Vingroup muốn bán ô tô điện VinFast ở Mỹ từ năm 2022
Trong báo cáo thường niên 2020, Vingroup cũng đặt mục tiêu cho từng mảng lĩnh vực kinh doanh. Theo đó, đối với mảng công nghệ – công nghiệp, năm 2021, VinFast dự kiến ra mắt năm mẫu xe máy điện và ba mẫu ô tô tự lái thông minh VF e34, VF35 và VF36.
Đáng chú ý, trong ba mẫu xe tự hành thông minh, mẫu VF e34 chỉ có phiên bản xe điện. Riêng mẫu VF35 và VF36 VinFast sẽ tung ra cả hai phiên bản xăng và điện.
Nhận định về việc “VinFast khẳng định tầm nhìn trở thành hãng xe điện thông minh được ưa chuộng toàn cầu”, báo cáo thường niên 2020 cho biết cụ thể, đầu năm 2021, VinFast lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường 3 mẫu xe tự hành gồm VF 31 (tức VF e34), VF 32 (nay là VF 35) là xe SUV cỡ trung (phân khúc D) và VF33 (VF36) là xe SUV phân cỡ lớn (phân khúc E).
“Đây là cột mốc quan trọng, khẳng định tầm nhìn trở thành hãng xe điện thông minh được ưa chuộng toàn cầu của VinFast, đồng thời góp phần đưa Việt Nam lên vị thế mới trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới”, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết.
Tập đoàn Vingroup cũng khẳng định, các mẫu xe mới giúp VinFast tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, đồng thời đưa VinFast bước ra thị trường quốc tế khi hai mẫu xe VF35 và VF36 sẽ được mở bán tại thị trường nước ngoài gồm Mỹ, Canada và châu Âu từ cuối năm 2021 và bàn giao từ năm 2022.
Bên cạnh đó, các tuyến xe buýt điện VinBus sẽ bắt đầu được vận hành chính thức từ giữa năm 2021.
“VinFast cũng sẽ mở rộng mạng lưới phân phối, tăng nhận diện thương hiệu VinFast tại tất cả các tỉnh thành phố, hoàn thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng đẳng cấp nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và đặc biệt, bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống trạm sạc cho xe máy và ô tô điện trên toàn quốc”, lãnh đạo Vingroup nhấn mạnh.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, lãnh đạo Vingroup cũng đang xem xét IPO chào bán cổ phiếu lần đầu VinFast tại Mỹ thông qua việc sáp nhật với một công ty séc trắng (SPAC) cùng kỳ vọng huy động được khoảng 3 tỷ USD.
Một điểm nhấn đáng chú ý nữa đó là trong năm 2020 vừa qua, vào tháng 9, VinFast chính thức công bố mẫu SUV VinFast President phiên bản giới hạn với số lượng chỉ 500 sản phẩm. Vingroup khẳng định đây là một trong những mẫu xe thương mại mạnh nhất trên thị trường, SUV VinFast President sở hữu thiết kế ngoại thất sang trọng mạnh mẽ, không gian nội thất lịch lãm, tinh tế, khối động cơ V8 6,2L đạt 420 mã lực, trang bị các công nghệ an toàn tiên tiến với tốc độ tối đa lên tới 300km/h.
“VinFast President là một trong những minh chứng rõ nét cho năng lực sản xuất, nghiên cứu và phát triển, làm chủ công nghệ của VinFast”, Vingroup khẳng định.
Vingroup và VinSmart tiếp tục nhắm đến thị trường Mỹ
Theo Báo cáo thường niên năm 2020, đối với mảng thiết bị thông minh, năm qua, Vsmart đạt doanh số bán lên tới 2 triệu sản phẩm, chiếm 12,7% thị phần điện thoại thông minh tại Việt Nam.
Cùng với những thành công bước đầu, VinSmart tiếp tục ra mắt thêm các mẫu điện thoại mới thuộc nhiều phân khúc nhằm duy trì vị thế nằm trong top ba thị phần tại thị trường nội địa.
Sự kiện nổi bật của Vingroup và VinSmart trong năm qua chính là việc công bố phát triển thành công mẫu Vsmart Aris 5G – trở thành công ty Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ 5G (hợp tác cùng Viettel).
“Mẫu điện thoại này là thành quả của quá trình hợp tác giữa Qualcomm và VinSmart. Sự kiện khẳng định năng lực thiết kế, sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và mở ra cơ hội tiếp cận sớm các sản phẩm công nghệ đẳng cấp thế giới cho người dùng Việt Nam”, báo cáo của tập đoàn Vingroup khẳng định.
Từ những thành công đã đạt được, theo Báo cáo thường niên 2020, thị trường Mỹ trở thành thị trường mục tiêu trong năm 2021, là cơ sở để VinSmart tiến tới chiến dịch toàn cầu hóa cả ở mảng điện thoại và gia công xuất khẩu.
Tính đến nay, VinSmart đã cho ra mắt thị trường 18 mẫu điện thoại thông minh Vsmart nằm trong phân khúc từ phổ thông đến cao cấp. Bên cạnh đó, VinSmart cũng bắt đầu mở rộng danh mục sản phẩm sang các thiết bị điện tử khác, đặc biệt là giải pháp nhà thông minh, đô thị thông minh.
Cụ thể, theo báo cáo của tập đoàn Vingroup cho biết, với mục tiêu tập trung vào việc sử dụng các công nghệ lõi, công nghệ AI, VinSmart sẽ phát triển hệ sinh thái thông minh gồm ba mũi nhọn gồm thành phố thông minh, nhà thông minh và dịch vụ thông minh với việc ra mắt nhiều thiết bị liên quan.
Bất động sản Vinhomes vẫn là trụ cột của Vingroup
Bất động sản tiếp tục là trụ cột của Vingroup với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vinhomes đạt lần lượt 71.500 tỷ đồng và 28.200 tỷ đồng. Giá trị thương hiệu Vinhomes và Vincom Retail đều tăng so với năm 2019, đạt 413 và 168,8 triệu USD.
Với lĩnh vực bất động sản, cụ thể là trong lĩnh vực bất động sản nhà ở, Vinhomes duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành bất động sản, phát huy các thế mạnh cốt lõi về tiến độ bàn giao, chất lượng sản phẩm, và hệ sinh thái hoàn thiện. Báo cáo cho biết, năm 2021, Vinhomes tiếp tục triển khai và bàn giao các dự án Đại đô thị, đẩy mạnh triển khai mô hình O2O, đồng thời ra mắt hoạt động kinh doanh thứ cấp.
“Đối với các dự án đã đưa vào vận hành, Vinhomes sẽ không ngừng nâng cao chất lượng sống cho cư dân với môi trường sống, các tiện ích ứng dụng công nghệ cao”, Vingroup nhấn mạnh.
Một động thái đáng chú ý khác liên quan đến Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đó là đơn vị này vừa thông qua kế hoạch chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2020 để trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Dự kiến, Vinhomes sẽ chia cổ tức bằng cả cổ phiếu và tiền mặt với tổng tỷ lệ 45%.
Trong đó, tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là 30%, tương đương tổng số cổ phiếu phát hành thêm là hơn 986,8 triệu đơn vị. Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 15%, tức hơn 4.934 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong Quý 3 và Quý 4/2021, sau khi được Đại hội cổ đông thông qua. Sau khi hoàn tất việc chia cổ tức, vốn điều lệ Vinhomes sẽ tăng lên đạt gần 43.364 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Vingroup cho biết, 2021 sẽ là năm Vinhomes tăng tốc để sớm đưa những dự án khu công nghiệp đầu tiên tại Hải Phòng đi vào hoạt động.
Trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ, Vincom Retail tiếp tục cung cấp ra thị trường gần 100 nghìn m2 diện tích sàn bán lẻ, nâng tổng diện tích mặt sàn bán lẻ trên toàn hệ thống lên 1,8 triệu m2. Tập đoàn Vingroup cũng khẳng định, Vincom Retail giữ vững vị thế số một về số lượng trung tâm thương mại, thị phần và chất lượng.
Từ năm 2021, Vincom Retail sẽ tập trung dòng sản phẩm Vincom Mega Mall quy mô lớn tại Hà Nội, TP.HCM, và các tỉnh thành cấp một, có tốc độ phát triển kinh tế tốt, dân số đông và thu nhập bình quân đầu người cao, đáp ứng mọi nhu cầu và xu hướng mua sắm vui chơi giải trí của dân bản địa, chất lượng dịch vụ và trải nghiệm đẳng cấp quốc tế.
Ngoài ra, Vincom Retail cũng trở thành nhà quản lý vận hành mô hình du lịch bán lẻ 24/7 Grand World Phú Quốc tại Trung tâm giải trí nghỉ dưỡng Phú Quốc United Center – siêu quần thể “không ngủ” đầu tiên của Việt Nam tại phía Bắc, đảo ngọc Phú Quốc.
Riêng về mảng y tế, năm 2021, Vinmec đẩy mạnh phát triển mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe kết hợp y tế dự phòng, tư vấn sàng lọc sớm các bệnh lý di truyền để quản lý sức khỏe, phát triển y tế du lịch tại các cơ sở Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, và Hải Phòng. Bên cạnh đó, Vinmec cũng phát triển các sản phẩm mũi nhọn như tế bào gốc, công nghệ gen. Ngoài ra, Vinmec tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm/tính năng gia tăng lợi thế cạnh tranh, giữ chân khách hàng với trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Doanh thu trong lĩnh vực y tế của Vingroup năm qua đạt trên 2.675 tỷ đồng với hơn 638.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị nội, ngoại trú.
Với lĩnh vực giáo dục, Vinschool tiếp tục mở rộng hệ thống với một số cơ sở mầm non và phổ thông liên cấp trong các khu đô thị Vinhomes tại Hà Nội và Thanh Hóa, nâng tổng số học sinh trên toàn hệ thống lên 37,8 nghìn trong năm học 2020 – 2021.
Đáng chú ý, trong năm 2020 vừa qua, One Mount Group tiếp tục mở rộng quy mô của VinID và cho ra mắt hai nền tảng dịch vụ khác là VinShop và OneHousing, từ đó bước đầu hình thành hệ sinh thái số với các lĩnh vực chủ chốt như dịch vụ tài chính, bán lẻ và bất động sản có quy mô thị trường lên tới trên 75 tỷ USD.
Vingroup muốn chia gần hết lợi nhuận tích lũy cho cổ đông
Vừa qua, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup (VIC) đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2020. Dự kiến tỷ lệ chia cổ tức là 12,5% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu nhận thêm 125 cổ phiếu mới).
Tổng số cổ phiếu Vingroup dự kiến phát hành thêm để trả cổ tức là hơn 422,8 triệu cổ phiếu và vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng lên 38.676 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành cổ phiếu trả cổ tức là trong quý III và quý IV/2021 sau khi kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Cổ phần phát hành thêm này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Theo số liệu báo cáo tài chính đã kiểm toán, toàn bộ số lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối trên báo cáo riêng lẻ tính đến ngày 31/12/2020 là gần 6.189 tỷ đồng và trên báo cáo hợp nhất là gần 4.360 tỷ đồng. Lần gần nhất Vingroup chia cổ tức là năm 2017, cũng là trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 1.000: 210, tương ứng phát hành thêm gần 554 triệu cổ phiếu. Riêng hai 2018 và 2019, ngoài trích 5 tỷ đồng vào quỹ dự trữ theo điều lệ thì Vingroup đều dành hết số lợi nhuận tích luỹ trong năm để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của Vingroup, Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng) vẫn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 33,12% vốn doanh nghiệp. Cá nhân vị tỷ phú này cũng nắm giữ trực tiếp 25,9% vốn và cổ đông ngoại SK Investment Vina I nắm 6,08%. Đồng thời, phần lớn người thân và doanh nghiệp có liên quan tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đang nắm giữ lượng lớn vốn tại Vingroup.
Như đã thông tin, Vingroup mới đây cũng đã hoàn tất việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành và niêm yết trái phiếu ra thị trường quốc tế nhằm huy động vốn, đầu tư thêm cho sản xuất mảng công nghiệp, công nghệ. Theo đó, tập đoàn dự kiến phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế với kỳ hạn 5 năm (đáo hạn năm 2016) để huy động vốn bổ sung hoạt động kinh doanh.
Ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời cổ phiếu VIC đang nằm trong nhóm có mức tăng ấn tượng nhất từ đầu năm 2021 đến nay. Trong khoảng 3 tháng gần nhất, VIC đã tăng một mạch từ vùng dưới 100.000 đồng/cổ phiếu lên trên 143.000 đồng hiện tại, tương đương mức tăng 40% sau 3 tháng. Giá cổ phiếu tăng mạnh từ đầu năm cũng giúp vốn hóa của Vingroup đạt trên 484.000 tỷ đồng (tương đương gần 21 tỷ USD). Vốn hóa của Vingroup đã chiếm 10,11% tổng vốn hóa các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE.
Nếu VinFast IPO thành công tại Hoa Kỳ, hướng đến mức định giá 50 tỷ USD, sánh ngang với các thương hiệu nổi tiếng thế giới như BMW, Ferrari, Honda, Ford, Huyndai, đồng thời cạnh tranh trực tiếp với Tesla của Elon Musk ngay trên đất Mỹ, tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể sẽ vươn lên top 50 người giàu nhất hành tinh.