Trả lời phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia bình luận về cuộc tập trận chung của Nhật Bản, Mỹ, Pháp và Australia.
Cuộc tập trận chung diễn ra ở phía Tây Nam Nhật Bản và trên Biển Hoa Đông từ ngày 11 đến 17-5. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tham gia cuộc tập trận cùng với Hoa Kỳ và Pháp trên lãnh thổ của mình.
Một trong những địa điểm tổ chức cuộc tập trận là tỉnh Nagasaki, doanh trại Ainoura của Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF). Nơi đây có trụ sở của Lữ đoàn triển khai nhanh của Lực lượng Hải quân Nhật Bản. Đơn vị này được tạo ra đặc biệt theo mô hình của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ để bảo vệ các đảo xa. Căn cứ này nằm cách quần đảo Điếu Ngư chưa đầy 1000 km.
Các địa điểm khác để tổ chức diễn tập chung là khu huấn luyện Kirishima của GSDF trên đảo Kyushu, cũng như vùng biển và vùng trời của Biển Hoa Đông.
Có tới 300 quân nhân Nhật Bản, Hoa Kỳ và Pháp diễn tập các cuộc tấn công đường không từ trực thăng, đổ bộ, kể cả trên các đảo xa, tham gia diễn tập tác chiến đô thị, đánh chặn tàu bè. Tham gia cuộc tập trận có các chiến đấu cơ, các trực thăng lưỡng thể MV-22 Osprey, một tàu ngầm của Nhật Bản và 10 tàu nổi, trong đó có sáu tàu chiến của Nhật Bản và hai tàu chiến của Pháp.
Xét theo nơi tổ chức các cuộc diễn tập chung và thành phần các lực lượng có thể rút ra kết luận rằng, trong khu vực đã xuất hiện các mối đe dọa mới đối với an ninh của Trung Quốc. Nếu trước đây Nhật Bản chủ yếu dựa vào Mỹ để kiềm chế Trung Quốc, thì giờ đây, hai đồng minh quân sự này thu hút được một đối tác châu Âu – Pháp. Ông Da Zhigang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
“Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói rằng, cuộc tập trận chung góp phần củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực, nhưng, trên thực tế, hoạt động này có nghĩa là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đưa các lực lượng vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đây là một biểu hiện mới của các biện pháp kiềm chế Trung Quốc. Nhật Bản không chỉ tăng cường liên minh quân sự với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc, mà còn thu hút lực lượng của các cường quốc châu Âu, và thậm chí không loại trừ khả năng Ấn Độ cũng sẽ tham gia vào hoạt động này. Ngoài ra, trong cuộc tập trận này Nhật Bản thể hiện những lợi ích ích kỷ một cách bí mật hoặc công khai. Ví dụ, rõ ràng là các cuộc diễn tập được gọi là "đánh chiếm đảo" gắn liền với quần đảo Điếu Ngư và đảo Đài Loan, cũng như các đảo khác có thể được coi là gây tranh cãi ở Biển Đông. Hành vi này có thể được gọi là hệ quả của tâm lý Chiến tranh Lạnh. Điều này không chỉ gây tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực mà còn gây tổn hại đến cả thương mại đa phương, hợp tác kinh tế và quá trình hội nhập ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Rõ ràng là cuộc tập trận nhằm vào Trung Quốc. Nếu trước đây Mỹ và Nhật Bản đứng đầu các “hành vi hăm dọa” Trung Quốc, thì giờ đây, châu Âu và các lực lượng khác cũng tham gia cùng họ. Đây là một mối đe dọa mới đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mối đe dọa đối với chủ quyền lãnh thổ, an ninh hàng hải và hợp tác hàng hải của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường. Do đó, trong quá trình hiện đại hóa hệ thống phòng thủ quốc gia, bảo vệ quyền hàng hải cũng như lợi ích quốc gia, Trung Quốc nên phát triển lực lượng phản ứng của mình để có được không gian hoạt động có lợi hơn, đồng thời có những con át chủ bài của riêng mình trong cuộc chơi này”.
“Chiến dịch Jeanne d'Arc 2021”
Bộ Quốc phòng Pháp gọi hoạt động của các tàu chiến ở Thái Bình Dương là “Chiến dịch Jeanne d'Arc 2021”, đây không chỉ là một chiến dịch huấn luyện, mà là một cuộc triển khai lực lượng. Báo cáo cho biết, đây là một phần trong chiến lược quốc phòng của Pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược này nhằm tái khẳng định mối quan tâm của Pháp đối với khu vực bằng cách tăng cường sự hiện diện và mở rộng hợp tác đa dạng.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Yuri Rubinsky, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Pháp tại Viện Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết rằng, Pháp tham gia cuộc tập trận cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc để thể hiện thái độ tích cực của mình đến "bộ tứ" Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương:
“Cuộc đối đầu Mỹ-Trung đặt ra một câu hỏi quan trọng với các quốc gia EU, cũng như Vương quốc Anh sau khi nước này rời khỏi EU. Các quốc gia này ở vị trí nào trong cuộc đối đầu này. Họ cần phải quyết định. Vấn đề này trở nên đặc biệt quan trọng dưới thời chính quyền Biden, người đã tuyên bố rằng, Hoa Kỳ muốn khôi phục mối quan hệ đối tác chặt chẽ xuyên Đại Tây Dương. Ngày nay, người Mỹ đang ép buộc người châu Âu cùng hành động để áp đặt các quy tắc của họ lên Trung Quốc. Đồng thời, hầu hết các nước châu Âu, chủ yếu là Đức và Pháp, có mối quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế và thương mại với Trung Quốc".
Pháp cần phải tìm chỗ đứng của mình trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bao gồm cả việc dựa vào "bộ tứ" Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì theo truyền thống nước này hiện diện ở khu vực này. Đương nhiên, Paris không chỉ muốn thể hiện mối quan tâm đối với "bộ tứ", mà còn muốn để các quốc gia này, trước hết là Mỹ, coi Pháp như một tài sản quý giá. Pháp không muốn chỉ là một lá bài tốt trong tay của Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, nước này đánh giá cao sự hợp tác với Trung Quốc.
Nhóm tác chiến của Pháp sẽ hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong sáu tháng. Nhóm này bao gồm khinh hạm lớp La Fayette mang tên Surcouf được trang bị vũ khí tên lửa và tàu sân bay trực thăng tấn công đổ bộ Tonnere. Hai tàu chiến này sẽ ghé thăm Việt Nam, Singapore, Malaysia, Sri Lanka và Indonesia.