Việt Nam vẫn theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng Mác-Lênin
Tháng 5 này, Việt Nam sẽ có 2 mốc sự kiến lớn đó là kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5). Nhân dịp này, GS.TS Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Tổng bí thư đã nêu ra những đặc trưng cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, tiếp tục khẳng định lại đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư cho biết:
"Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh".
Vào những năm cuối thế kỷ XX, mặc dù trên thế giới chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị đổ vỡ một mảng lớn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào xã hội chủ nghĩa lâm vào giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ vững quan điểm về đường lối. Tuy nhiên đã hình thành một tổng quát rõ ràng như sau:
"Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo".
Tuổi thọ trung bình, chỉ số phát triển người Việt đang tăng dần
Tổng bí thư cũng cho hay, để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Người đứng đầu Đảng định nghĩa lại:
"Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối".
Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì Việt Nam còn đang trong thời kỳ quá độ). Theo Tổng bí thư, công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa "đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước trong 35 năm qua".
Tổng bí thư đưa dẫn chứng, nếu như trước Đổi mới (năm 1986), Việt Nam vốn là một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, để lại những hậu quả to lớn cả về người, về của và môi trường sinh thái, nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao.
Trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008.
Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD.
"Không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế".
Điều này thể hiện ở việc tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.