Đáng chú ý, tại Việt Nam cũng phát hiện thêm hai biến chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) là B.1.222 và B.1.619, tổng cộng, Bộ Y tế đã ghi nhận 7 biến thể mới của nCoV trong nước.
Chuyên gia y tế Việt Nam lý giải vì sao người trẻ, khỏe cũng không nên chủ quan với Covid-19.
Số ca nhiễm Covid-19 mới của Việt Nam tiếp tục tăng cao
Bản tin tối 19/5 của Bộ Y tế, cho biết có 111 ca mắc mới Covid-19, trong đó 2 ca nhập cảnh đã cách ly ngay.
Đáng chú ý, theo Bộ Y tế, chiều tối nay, 109 ca mắc còn lại ghi nhận trong nước tại các khu vực đã phong toả, cách ly. Đặc biệt, riêng Bắc Ninh và Bắc Giang chiếm đến 99 ca.
Tổng cộng, cả ngày 19/5, Việt Nam phát hiện 175 ca mắc coronavirus mới, phá ‘kỷ lục’ về số lượng ca nhiễm mới tăng cao ngày 15/5 trước đó với 169 trường hợp dương tính với nCoV.
Theo Bộ Y tế, 111 ca mắc mới được ghi nhận từ số 4580-4690, trong đó 109 ca mắc trong nước đều ở khu cách ly hoặc phong toả, gồm Bắc Giang 78, Bắc Ninh 21, Điện Biên 6, Đà Nẵng 2, TP.HCM và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đều một trường hợp nhiễm.
Như vậy, tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 1647, tại 28 tỉnh thành. Trong đó, Bắc Giang với 605 tiếp tục là “tâm dịch” Covid-19 của cả nước.
Các tỉnh kế tiếp là Bắc Ninh 353, địa bàn Hà Nội 257 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, 29 ca ở Bệnh viện K), Đà Nẵng 146, Vĩnh Phúc 88, Điện Biên 38, Hà Nam 34, Hưng Yên 30, Lạng Sơn 21, và 18 tỉnh, thành khác.
Cụ thể về 109 ca mắc coronavirus ghi nhận trong nước chiều nay gồm: Ca 4580 ghi nhận tại Thành phố Đà Nẵng, nữ, 31 tuổi, địa chỉ tại quận Sơn Trà, đang được tiếp tục điều tra thông tin dịch tễ.
Ca 4581 ghi nhận tại Thành phố Đà Nẵng, nữ, 37 tuổi, địa chỉ tại Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam; là F1 của ca 3545, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 18/5 của các bệnh nhân dương tính với coronavirus.
Ca 4583 ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh, nữ, 34 tuổi, địa chỉ tại quận 7, là F1 của ca 4514, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 18/5 dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân 4584 ghi nhận tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, là F1 đã được cách ly trong bệnh viện từ trước. Ca 4585-4590 ghi nhận tại tỉnh Điện Biên, trong đó 4 ca là F1, 2 ca là F2 đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 18/5 dương tính với nCoV.
Ca 4591-4605, 4607-4612 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh, là các trường hợp F1 đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 18-19/5 dương tính với nCoV.
Ca 4613-4690 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang, liên quan Khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Nội Hoàng, Song Khê, chủ yếu là F1 công nhân công ty Hosiden, 2 ca ở cộng đồng trong huyện phong tỏa (Việt Yên). Kết quả xét nghiệm ngày 17-18/5 dương tính với SARS-CoV-2
Có hai ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Bệnh nhân 4582 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa, nữ, 55 tuổi, địa chỉ tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 24/4, bà từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ7837 và được cách ly ngay. Kết quả xét nghiệm ngày 18/5/2021 dương tính với coronavirus. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.
Trường hợp nhập cảnh kế tiếp là bệnh nhân 4606 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Hà Tĩnh, nam, 30 tuổi, địa chỉ tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ngày 28/4, anh từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu Cầu Treo và được cách ly ngay.
Kết quả xét nghiệm ngày 18/5 dương tính với nCoV Hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Bộ Y tế thống kê cho thấy, tính đến 19/5, Việt Nam có tổng cộng 3.217 ca ghi nhận trong nước và 1.473 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay 1.648.
Tính đến ngày 18/5, cả nước đã thực hiện 3.324.043 xét nghiệm Realtime RT-PCR, tương đương 4.398.533 lượt người được xét nghiệm. Trong đó từ 29/4 đến nay đã thực hiện được 548.538 xét nghiệm, tương đương 871.594 lượt người.
Tính đến 16h ngày 18/5, Việt Nam đã tiêm vaccine Covid-19 cho tổng cộng 1.011.395 liều cho các cán bộ, nhân viên y tế tính trong cả 2 đợt.
Việt Nam điều trị khỏi cho 2687/4690 bệnh nhân. Trong số các ca bệnh đang điều trị, có 37 người đã âm tính lần một, 29 người âm tính lần hai và 23 người âm tính lần ba với coronavirus.
Việt Nam ghi nhận 37 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong và một trường hợp bị sốc phản vệ sau tiêm AstraZeneca không qua khỏi.
Việt Nam phát hiện thêm 2 biến chủng virus corona mới
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 19/5 cho biết, Việt Nam đã phát hiện 2 biến chủng mới của SARS-CoV-2 sau khi giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm mà Bệnh viện đã thực hiện, đó là biến chủng B.1.222 và B.1.619.
TS.BS. Văn Đình Tráng, Trưởng Khoa Vi sinh-sinh học phân tử (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, biến chủng B.1.222 xuất hiện ở 11 quốc gia, nhiều nhất là ở Anh, đặc biệt là ở vùng Scotland. Biến chủng này có rất nhiều đột biến trên protein gai (spike protein) khác với với chủng B.1.617.2 của Ấn Độ.
Biến chủng B.1.222 được phát hiện khi nhóm nghiên cứu Covid-19 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương giải trình trình tự gen SARS-CoV-2 từ mẫu bệnh phẩm hầu họng của ca bệnh 2701 (29 tuổi, chuyên gia Ukraina), được cách ly ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 13/4.
Còn biến chủng B.1.619 có spike protein gần giống với chủng B.1.617.2 của Ấn Độ. Tuy nhiên, biến chủng này không mang đột biến ở vị trí acid amin 681 (P681R) trên spike protein như biến chủng của Ấn Độ. B.1.619 xuất hiện ở nhiều nước, có thể có nguồn gốc từ Cameroon của châu Phi, sau lan ra châu Âu.
Biến chủng B.1.619 được phát hiện tại Việt Nam khi BV Bệnh nhiệt đới Trung ương giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2 của BN2902, chuyên gia Ấn Độ, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 27/4.
Hai biến chủng này chưa thấy xuất hiện trong gần 200 mẫu bệnh phẩm BV đã giải trình gene kể từ các đợt dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam cho tới nay.
Như vậy, với 2 biến chủng mới phát hiện này, Việt Nam đã ghi nhận 7 biến chủng của SARS-CoV-2.
Toàn bộ 5 biến chủng phát hiện trước đó, gồm: D614G từ châu Âu, gây dịch tại Đà Nẵng; B.1.1.7 từ Anh, gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi, trên bệnh nhân người Nam Phi (BN1422), nhập cảnh sân bay Nội Bài từ Nam Phi ngày 19/12; A.23.1 từ Rwanda, từ châu Phi, ghi nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM); B.1.617.2 được phát hiện gần đây từ các chuyên gia Ấn Độ nhập cảnh.
Ngành Y tế Việt Nam cho biết, B.1.617.2 là một trong 3 phân nhóm (subtype) của chủng B.1.617 và mang 3 đột biến quan trọng trên spike protein là L452R và P681R.
“Chủng B.1.617.2 hiện nay lây lan phổ biến ở nhiều quốc gia và đang là nguyên nhân gây dịch trong cộng đồng rất lớn tại Việt Nam. Ngày 11/5, WHO đã xếp B.1.617 vào nhóm biến chủng đáng quan tâm”, Bộ Y tế lưu ý.
Vì sao người trẻ cũng không được chủ quan với Covid-19?
Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người trẻ khỏe cũng không thể chủ quan với Covid-19.
Chuyên gia cho biết, khi nhiễm Covid-19, bất kỳ ai hay lứa tuổi nào đều có khả năng diễn biến nặng và đều có thể tử vong.
Theo ông Nguyễn Trung Cấp, trước đây Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng dịch Covid-19. Làn sóng đầu tiên từ với chủng virus nguyên phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) có một số bệnh nhân nặng nhưng chưa có tử vong.
Làn sóng thứ 2 ở Đà Nẵng vẫn với chủng virus đó nhưng bùng phát trong bênh viện gây ra 35 ca tử vong ở những bệnh nhân rất nặng và có nhiều bệnh nền.
Làn sóng thứ 3 ở Hải Dương với biến chủng Anh chủ là yếu, mặc dù số người mắc khá lớn nhưng hầu hết ở những người trẻ, số ca nặng không nhiều và không có ca tử vong.
Người quá lớn tuổi có thể tự nhiên mất mà không do bệnh lý gì (chết già). Nên khí nhiễm Covid-19 cộng thêm chết do bệnh lý (chết bệnh) thì tỷ lệ tử vong đương nhiên sẽ tăng cao hơn người trẻ. Hơn nữa diễn biến Covid-19 ở người già cũng phức tạp và điều trị khó khăn hơn người trẻ tuổi nhiều.
BS. Nguyễn Trung Cấp lưu ý, so sánh giữa nguy cơ tử vong của các nhóm bệnh nhân khác nhau, các nhà thống kê thường dùng khái niệm Tỷ xuất chênh (Odd Ratio - OR) để đo lường sự tác động của các yếu tố đến các nguy cơ mắc bệnh hay tử vong.
Thống kê trên 64.781 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại 592 bệnh viện tại Mỹ năm 2020 cho thấy: Tỷ lệ tử vong chung ở các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng khoảng 20,3%. So với nhóm 18-34 tuổi thì nguy cơ tử vong của nhóm bệnh nhân trên 80 tuổi tuổi có tỷ xuất chênh OR=16,2.
So với người khỏe mạnh thì nhóm bệnh nhân có bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong cao hơn với tỷ xuất chênh OR=1,9.
“Diễn giải thô sơ ra có nghĩa là: Nếu mỗi 100 bệnh nhân nặng trẻ khỏe có khoảng 20 người tử vong, thì nhóm 100 bệnh nhân trên 80 tuổi sẽ tử vong khoảng 66 người. Cùng lứa tuổi, nhóm bình thường tử vong 20 người thì nhóm có có bệnh tiểu đường sẽ tử vong cỡ độ 32 người”, chuyên gia phân tích.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng nêu rõ, nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc Covid-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trước hết là cơ địa, tuổi tác, các bệnh lý kèm theo và khả năng miễn dịch giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật. Sau nữa phụ thuộc vào diễn biến và độc lực của từng chủng virus.
“Nó cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng chẩn đoán, điều trị của các thầy thuốc, khả năng cung cấp về giường bệnh, nhân lực, oxy, thuốc men và trang bị hồi sức cấp cứu của hệ thống y tế. Thực tế tại Ấn Độ hiện nay cho thấy khi hệ thống y tế bị quá tải thì không thể đảm bảo được việc điều trị có hiệu quả”, BS. Nguyễn Trung Cấp cho hay.
Đặc điểm diễn biến bệnh do chủng virus mới này còn đang cần nghiên cứu tiếp. Nhưng để hạn chế tỷ lệ tử vong, theo BS. Cấp, tất cả chúng ta không chỉ lưu tâm đến nhóm bệnh nhân có tuổi, có bệnh nền mà còn phải đảm bảo việc điều trị tốt cho cả nhóm người trẻ khỏe.
Theo đại diện lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, điều đó đòi hỏi phải nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ở tất cả các tuyến, ưu tiên nguồn lực, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư hóa chất và trang thiết bị phục vụ công tác khám và điều trị.
“Hơn hết, mỗi người đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuân thủ các chỉ định cách ly giãn cách khi được yêu cầu để hạn chế số người mắc không vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị”, chuyên gia khuyến cáo.