'Âm thầm' sửa bài, CEO của BKAV bị phán ứng dữ dội hơn
Sáng 18/5, mạng xã hội lan truyền ảnh chụp một bài viết của ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav. Trong bài viết này, ông Quảng cho biết các chuyên gia an ninh mạng của Bkav khẳng định 10.000 thông tin bị rao bán là:
"Dữ liệu của ứng dụng tiền ảo Pi, không liên quan đến dữ liệu quốc gia dân cư".
Bài viết ngày của ông Quảng lập tức gây ra tranh cãi, phản đối từ các cộng đồng người đào Pi tại Việt Nam. Các cá nhân cho rằng CEO của BKAV đã có nhận định vội vã, thiếu kiểm chứng.
Trước đó vào ngày 13/5, một người dùng trên diễn đàn R**** đã rao bán khoảng 17 GB dữ liệu là thông tin cá nhân của người Việt Nam với giá 9.000 USD. Dữ liệu bao gồm ảnh chụp hai mặt chứng minh công dân, căn cước công dân, ảnh selfie xác thực, địa chỉ, số điện thoại và email.
Tuy nhiên ngay sau khi nhận được nhiều phản ứng từ cộng đồng mạng, CEO của BKAV đã "ầm thầm" sửa bài đăng, đáng chú ý chữ "ỨNG DỤNG TIỀN ẢO PI" đã được xóa khỏi bài:
Dưới bài viết (đã được sửa), một cộng đồng mạng "đá đểu" lại ông Quảng:
"Anh Quảng nên thuê đội biên tập bài viết chứ ai lại viết rồi sửa thế này".
Xác thực bằng số hộ chiếu, ứng dụng Pi không hề đơn giản
Sau 2 ngày rao bán dữ liệu, thành viên diễn đàn R**** đăng bài viết mới cho biết chưa có ai mua tập dữ liệu, do vậy người này vẫn đang rao bán. Đáng chú ý, trong bài viết này người bán cho biết "tất cả dữ liệu đều lấy từ mạng lưới Pi", sau đó chính người này đính chính đây chỉ là lời nói đùa.
Tới sáng 16/5, toàn bộ các bài viết của thành viên Ox1337xO trên diễn đàn R**** đã bị xóa tuy nhiên cộng đồng mạng đã nhanh tay chụp lại màn hình về bài đăng và lan truyền trong các nhóm về tiền mã hóa. Trước đó, Pi Network đã là chủ đề bàn luận, so sánh với các dự án tiền mã hóa có tên tuổi khác. Thông tin Pi Network lộ dữ liệu được bàn luận sôi nổi.
Tuy nhiên trên thực tế, câu nói dữ liệu lấy từ Pi Network được nhiều người tham gia "đào" Pi khẳng định là không chính xác. Bởi người dùng Việt Nam không thể xác thực thông tin trên Pi Network bằng chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân. Việc xác thực thông tin (KYC) trên Pi Network được thực hiện thông qua một dịch vụ bên thứ ba là Yoti.
Cụ thể, khi mới tải, app yêu cầu người dùng nhập tên, độ tuổi và quét khuôn mặt để tạo tài khoản ban đầu. Sau đó, người dùng có thể nhập giấy tờ cá nhân lên để xác thực. Tiếp đến, khi chọn quốc tịch Việt Nam, app sẽ chỉ có tùy chọn giấy tờ duy nhất là hộ chiếu (passport), không có những lựa chọn khác như giấy phép lái xe hay căn cước công dân. Theo Yoti, hiện tại chỉ người dùng tại 62 quốc gia có thể xác thực bằng giấy chứng minh công dân, trong đó không có Việt Nam.
'Không thể không đề phòng những mục đích xấu'
Sáng 17/5, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết Cục An ninh mạng cùng các đơn vị liên quan đã vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin hàng nghìn CMND được cho là của công dân Việt Nam bị rao bán trên mạng. Tướng Xô nói:
"Cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hàng nghìn CMND đó bị lộ ra từ đâu để xử lý".
Theo ông Xô, đối với giấy tờ tùy thân, rất nhiều nơi có thể yêu cầu người dân cung cấp như ngân hàng, hàng không hay một số lĩnh vực kinh doanh cũng đòi hỏi cung cấp CMND. Chánh văn phòng Bộ Công an nhận định thông tin cá nhân của hàng nghìn người có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, trong đó "không thể không đề phòng những mục đích xấu".
Do đó, ngay sau khi nắm bắt thông tin, các đơn vị liên quan của Bộ Công an đã vào cuộc để kiểm tra.