"Ngoại giao vắc xin" của Bắc Kinh: Hà Nội tách riêng đứng một mình
Khi nhắc đến chiến dịch ngoại giao vắc xin của Bắc Kinh gây tiếng vang lớn ở Đông Nam Á, thì hóa ra Hà Nội lại đứng tách ra. Nhưng câu hỏi “Việt Nam sẽ có thể "duy trì khả năng miễn dịch" đối với vắc-xin Trung Quốc trong bao lâu” khiến các nhà chức trách lo lắng hơn bao giờ hết, tác giả bài viết, ông Dien Nguyen An Luong, nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á mang tên Yusof Ishak ở Singapore cho biết.
Việt Nam chống dịch thành công, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trong việc tiêm chủng
Theo dữ liệu do tổ chức nghiên cứu YouGov của Anh tổng hợp, khoảng 83% người Việt Nam được khảo sát từ tháng 1 đến tháng 5 cho biết họ sẵn sàng tiêm vắc xin chống Covid-19. Tuy nhiên, theo dự án Our World in Data của Đại học Oxford, hiện nay chỉ mới có 1% trong số gần 100 triệu người Việt Nam đã được tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng ở nước này thấp nhất Đông Nam Á, sau Timor Leste.
Đến nay, Việt Nam đã mua ký thỏa thuận mua 110 triệu liều vắc xin của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca. Một số giao dịch được thực hiện theo cơ chế WHO Covax. Bốn loại vắc xin “made in Vietnam” đang được phát triển dự kiến sẽ ra mắt không sớm hơn quý 4 năm 2021.
Trong bối cảnh như vậy, một câu hỏi nghiêm túc nảy sinh: liệu tất cả các thỏa thuận đã ký kết có được thực hiện kịp thời hay không? Sẽ ra sao nếu có vấn đề về vận chuyển? Và, quan trọng nhất, nếu mọi việc diễn ra theo kịch bản xấu nhất, liệu Việt Nam có sẵn sàng chấp nhận vắc xin do Trung Quốc sản xuất hay không?
Tác giả bài báo cho rằng tất cả những điều này đang đặt các nhà chức trách Việt Nam vào thế khó xử. Nếu không cân nhắc để mua vắc-xin Trung Quốc thì có thể vô hiệu hóa các nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Theo tác giả bài viết, điều này có thể làm giảm sự ủng hộ cao của công chúng đối với các hành động của chính phủ trong vấn đề chống dịch. Mặt khác, triển vọng mua vắc xin của Trung Quốc đặt ra cho chính phủ Việt Nam một nhiệm vụ còn khó khăn hơn: làm thế nào để thuyết phục người dân ngày càng có tâm trạng chống Trung Quốc chấp nhận sự trợ giúp đó?
Ý thức bài Trung ở Việt Nam và tâm lý chống vắc xin Trung Quốc
Tâm lý chống Trung Quốc không chỉ là chủ đề tranh luận thường xuyên của công chúng mà nó đã ăn sâu vào tâm lý người Việt. Trong báo cáo “The State of Southeast Asia”, được ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore công bố hồi tháng 2, cho thấy trong số 1.032 học giả, quan chức chính phủ và doanh nhân được khảo sát tại 10 quốc gia Đông Nam Á, người Việt Nam ít có xu hướng chấp nhận sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc khắc phục khủng hoảng coronavirus. Theo cuộc thăm dò, người Việt Nam – cũng như người Philippines – thể hiện mức độ không tin tưởng Trung Quốc dễ nhận thấy nhất trong khu vực. Những người không tin tưởng Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để đe dọa lợi ích và chủ quyền của quê hương họ.
Trong bối cảnh đó, tâm lý ghét hàng Trung Quốc một cách sâu sắc, kể cả được phản ánh trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội có thể sẽ khiến người Việt càng bức xúc hơn với vắc xin Trung Quốc. Thậm chí việc WHO vừa cho phép sử dụng vắc xin Sinopharm của Trung Quốc cũng khó có thể tác động đến dư luận Việt Nam về vấn đề này trong thời gian tới.
Viện trợ vắc xin của Trung Quốc: Sự giúp đỡ chân thành hay có động cơ chính trị?
Là một trong những nước chỉ trích gay gắt nhất hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển, Việt Nam cũng lưu ý Trung Quốc phải đối mặt với nhiều cáo buộc rằng vắc xin của họ có liên quan chính trị. Ví dụ:
- Đài Loan cáo buộc Bắc Kinh cung cấp vắc xin cho Paraguay để đổi lấy việc cắt đứt quan hệ với Đài Loan;
- Brazil bất ngờ thay đổi quyết định về lệnh cấm đối với Huawei Technologies Co. tại nước này và cho phép gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tham gia thị trường cơ sở hạ tầng viễn thông 5G trong nước để đổi lấy quyền tiếp cận vắc-xin Sinovac;
- Trung Quốc cam kết ưu tiên cho Malaysia tiếp cận vắc xin với điều kiện nước này trả tự do cho các ngư dân Trung Quốc bị bắt vì vi phạm lãnh hải Malaysia;
Tác giả bài báo cho rằng nếu Việt Nam chấp nhận vắc xin của Trung Quốc thì động thái như vậy có thể củng cố uy tín cho "chính sách ngoại giao vắc xin" của Bắc Kinh ở Đông Nam Á. Nhiều cuộc thăm dò xác nhận rằng đối với người dân trong khu vực, khi phải lựa chọn giữa hai gã khổng lồ thì họ chọn Washington thay vì Bắc Kinh. Trong bối cảnh đó, Mỹ có thể thể hiện cam kết khôi phục quyền lực mềm ở Đông Nam Á và chứng minh rằng họ nghiêm túc trong việc cạnh tranh với Trung Quốc.
Chính quyền Biden được ghi công vì ủng hộ việc từ bỏ bằng sáng chế sở hữu trí tuệ đối với vắc xin chống coronavirus. Nhà Trắng cũng đã cam kết gửi ra nước ngoài tổng cộng 80 triệu liều vắc xin. Tuy nhiên, các nhà hoạt động y tế quốc tế cho rằng con số này là không đủ, khi người Mỹ đang trong tình trạng thừa vắc xin.
Chấp nhận vắc xin Nga và Ấn Độ, nhưng vắc xin Trung Quốc thì “Tuyệt đối không!”
Cuối tháng 3, nhiều cơ quan truyền thông Việt Nam đăng tin Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc, Nga và Ấn Độ trong việc tiếp cận các nguồn vắc xin thay thế. Ngay sau đó, trong các bình luận dưới bản tin, đại đa số độc giả lưu ý rằng họ sẽ không tiêm vắc-xin của Trung Quốc.
Sau khi VnExpress đăng tải thông tin về phát biểu của Bộ trưởng Y tế, bên dưới có những bình luận lộ liễu gây tranh luận sôi nổi: “Vắc xin của Nga hay Ấn Độ vẫn chấp nhận được. Nhưng vắc-xin của Trung Quốc thì tuyệt đối không!"