Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, loại hình du lịch vaccine chỉ phù hợp với một tầng lớp du khách có điều kiện nhất định. Ngoài ra, cộng thêm thời gian cách ly mà người tham gia phải trải qua cũng khá lâu, do đó, cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Việt Nam lần đầu tiên có tour du lịch đi Mỹ kiêm tiêm vaccine Covid-19
Trong khi xu hướng “du lịch vaccine” ngày càng phổ biến trên thế giới, trong khu vực, nhiều doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam hiện cũng đang xem xét nắm bắt cơ hội “bắt trend” để tận dụng nhu cầu vừa kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, vừa tiêm vaccine Covid-19 phòng bệnh của người dân Việt.
Mới đây, một đơn vị du lịch tại Việt Nam đã giới thiệu một tour đặc biệt, có một không hai từ trước đến nay - du khách đưa tổ chức tham gia tour đến Mỹ để tiêm vaccine Covid-19.
Có thể hiểu vì sao các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam hoặc một số nước khác lại lựa chọn Hoa Kỳ làm điểm đến lý tưởng.
Chính quyền Mỹ tại một số bang cho phép tiêm vaccine chống coronavirus cho công dân nước ngoài. Đáng chú ý, từ hồi đầu tháng 5/2021, chính quyền New York cũng cho biết xem xét tiêm vaccine cho du khách tại các địa điểm, danh lam thắng cảnh nổi tiếng “làm quà lưu niệm”.
Theo đó, một công ty du lịch tại TP. Hồ Chí Minh vừa trình làng tour du lịch đặc biệt đến Mỹ để tiêm vaccine Covid-19, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, thăm thân.
Được biết, chương trình tour đầu tiên đi du lịch Hoa Kỳ kết hợp tiêm chủng vaccine này là của Công ty Du lịch Hồng Ngọc Hà Travel.
Theo thông tin từ doanh nghiệp này, khách du lịch đăng ký tour có thể được tiếp cận các nguồn cung vaccine đến từ những hãng dược lớn và uy tín như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, vốn đã được phê chuẩn và được đông đảo cư dân Hoa Kỳ đi tiêm.
“Việc đa dạng hóa lựa chọn và cơ hội tiêm chủng, giúp du khách Việt Nam tiếp cận một cách chủ động đến nguồn cung vaccine uy tín hàng đầu thế giới như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson”, ông Lê Văn Trí, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Du lịch Hồng Ngọc Hà Travel nêu rõ.
Theo ông Trí, hiện tại, Việt Nam không có bất kỳ quy định pháp lý về việc không cho người Việt Nam xuất cảnh đi nước ngoài. Vấn đề này chỉ phụ thuộc vào quy định nhập cảnh ở các nước du khách đến.
Ngoài ra, trong giai đoạn này Mỹ có chính sách mở cửa, chấp nhận cho khách du lịch vào nước họ và việc đi du lịch để tiêm vaccine tại Mỹ là một cơ hội tốt cho những ai có nhu cầu tiêm chủng kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, thăm thân
Theo doanh nghiệp du lịch này, tour được thiết kế theo hình thức Free & Easy. Cụ thể, chỉ với mức giá 44,99 triệu đồng, du khách sẽ có một vé máy bay đến Mỹ và phòng khách sạn tiêu chuẩn 3 sao trở lên.
Mức giá trên cũng đã bao gồm phí xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh Mỹ, lệ phí visa đi Mỹ, bảo hiểm du lịch và hướng dẫn viên hỗ trợ đăng ký, thủ tục tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Mỹ. Toàn bộ thời gian của chuyến đi kéo dài trong 8 ngày 7 đêm.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện tour đi Mỹ tiêm vaccine phòng Covid-19. Hiện cũng có một số công ty, đơn vị khác đang cập nhật thông tin tình hình để tổ chức các tour tương tự, nắm bắt được tâm lý chung của khách hàng ở thời điểm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, đồng thời, ngành du lịch vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn.
Xu hướng du lịch vaccine thời Covid-19: Nhu cầu cao
Trên thế giới, xu hướng du lịch vaccine thời điểm này hiện đang dần trở nên phổ biến, nhu cầu của người dân toàn cầu vừa kết hợp nghỉ ngơi, du lịch, vừa được tiêm vaccine đang ngày càng tăng cao.
Hiện nay, rất nhiều du khách các nước đang đổ về Mỹ du lịch kết hợp tiêm vaccine. Đã có hàng chục nghìn du khách đến từ Mexico và một số nước khác bay sang Texas, Florida.
Trong số đó, có những người là chính trị gia, ngôi sao truyền hình, lãnh đạo các công ty, tập đoàn ở Mỹ Latinh cũng bay đến Mỹ để được tiêm chủng vaccine. Thậm chí, một số còn thuê hẳn chuyên cơ riêng để đến Mỹ.
Chính vì vậy, du lịch kết hợp tiêm vaccine đang là cơ hội làm ăn cho các công ty lữ hành trong thời điểm hiện nay.
Riêng trong khu vực Đông Nam Á đã có một số công ty du lịch Thái Lan giới thiệu tour tiêm vaccine tại Mỹ.
Ngoài Hoa Kỳ, được biết, du khách Thái Lan cũng có thể còn lựa chọn khác là đến Serbia để tiêm vaccine Sputnik V của Nga, Sinopharm Trung Quốc, Pfizer, BioNtech hay AstraZeneca.
Cụ thể, Công ty My Journey Travel tung ra thị trường gói “du lịch vaccine Covid-19”, với mức gia 2.400 USD/người (chưa bao gồm vé máy bay). Tham gia tour này, du khách sẽ có chuyến đi 10 ngày tới California (Mỹ), được tiêm 1 mũi vaccine của hãng Johnson & Johnson. Hiện đã có hơn 200 người đặt vé cho dịch vụ này.
Hay như công ty Unithai Trip ở Bangkok (Thái Lan) giới thiệu các gói tour từ 75.000 baht đến 200.000 baht (tức khoảng 2.400 USD đến 6.400 USD, tương đương 55 đến 147 triệu đồng), đưa du khách tới San Francisco, Los Angeles và New York.
UNITHAI TRIP จัดโปร vaccine tour หลายประเทศ pic.twitter.com/48bOrhm2Ny
— /// เบยองจุนป้อ ♪ (@joonpore) May 4, 2021
Tổng Cục Du lịch nói gì về “du lịch vaccine”?
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, hiện việc xuất cảnh ra nước ngoài của du khách Việt Nam vẫn được phép diễn ra bình thường, không cấm. Trao đổi với PLO, ông Khánh cũng nhấn mạnh, ở chiều ngược lại, du khách và người dân muốn nhập cảnh thì phải tuân theo các quy định cách ly do Nhà nước đặt ra.
Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, mức giá 44,99 triệu đồng mà công ty trên giới thiệu chỉ phù hợp với các đối tượng có điều kiện. Lý do là bởi mức chi phí này chưa bao gồm tiền ăn uống, đi lại, chi tiêu cá nhân tại Mỹ.
Đó là chưa nói đến việc, một số loại vaccine cần phải có thời gian chờ để tiêm mũi thứ hai. Vaccine của Johnson & Johnson thì chỉ cần tiêm một mũi, nhưng nếu tiêm vaccine Pfizer thì thời gian chờ yêu cầu là 20 ngày.
Sau khi tiêm xong và trở về Việt Nam, du khách vẫn bị cách ly 21 ngày tại cơ sở cách ly và tiếp đó là 7 ngày theo dõi tại nhà theo quy định hiện hành.
Như vậy, tổng thời gian mà một du khách phải bỏ ra, từ lúc bắt đầu chuyến đi đến khi hoàn tất cách ly khi trở về, đến khi tiếp xúc lại với cộng đồng sẽ mất từ một tháng rưỡi tới gần 2 tháng. Ngoài ra, du khách còn phải tự chi trả phí cách ly khi về nước.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, Việt Nam vẫn đang trong quá trình xem xét áp dụng hộ chiếu vaccine “có điều kiện và thận trọng”, cân nhắc tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước cùng nhiều yếu tố liên quan.
Ngày 16/4, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thông tin với báo chí cho hay, Việt Nam có thể thử nghiệm “hộ chiếu vaccine” tại khuôn viên khu nghỉ dưỡng nhỏ hoặc một số địa điểm khác (như sân golf). Tuy nhiên, những người có “hộ chiếu vaccine” vẫn phải được quản lý chặt chẽ.
Theo vị lãnh đạo, hiện nguyên các quốc gia còn nhiều ý kiến trái chiều về áp dụng “hộ chiếu vaccine” là do tính hiệu lực bảo vệ của các vaccine Covid-19 hiện nay rất khác nhau.
Trong khi tại Việt Nam, tính tới thời điểm này, vẫn đang kiểm soát tốt dịch nên được coi là quốc gia “sạch”.
“Tuy nhiên tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 ở nước ta chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, miễn dịch cộng đồng của người dân Việt Nam thời điểm hiện tại là gần như chưa có”, TS. Đặng Quang Tấn thừa nhận.
Do đó, theo vị chuyên gia khuyến nghị, nếu triển khai “hộ chiếu vaccine” mà không quản lý chặt những người nhập cảnh hiện nay thì nguy cơ lây bệnh trong cộng động hoàn toàn có thể xảy ra.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng khẳng định, Bộ Y tế cùng nhiều cơ quan đến nay vẫn đang tìm hiểu thêm thông tin và xây dựng các phương án, xem xét để thống nhất triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” với quốc gia nào, áp dụng với vaccine nào và cách đi lại ra sao, đảm bảo an toàn và tối ưu nhất.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 8/4 khẳng định, Việt Nam chưa có quy định riêng về thủ tục nhập cảnh đối với người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.
“Trong bối cảnh “hộ chiếu vaccine” đã bắt đầu được một số nước trên thế giới áp dụng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp, nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với vấn đề này”, bà Hằng nói.
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng tìm hiểu, tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn của các nước nhằm nghiên cứu, đề xuất chính sách xuất nhập cảnh phù hợp, hướng tới mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.