Ngoài ra, loạt ‘ông lớn’ ngành ngân hàng Việt như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, HDBank và Sovico Group của CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cùng đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho chương trình vaccine Covid-19 của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đồng ý sử dụng kinh phí do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng chống dịch để mua vaccine Covid-19.
Trưa hôm nay 21/5, Bộ Y tế vừa có thông báo chính thức về bệnh nhân tử vong thứ 40 có liên quan đến Covid-19 tại Việt Nam cùng 50 ca mắc coronavirus mới ghi nhận trong nước.
Vingroup, Sovico Group cùng các ngân hàng ủng hộ Việt Nam mua vaccine Covid-19
Bộ Y tế vừa tiếp nhận hỗ trợ 160 tỷ đồng cùng 4 triệu liều vaccine cho Quỹ mua vaccine Covid-19 của Việt Nam từ đại diện các ‘ông lớn’ ngành ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, HDBank và Tập đoàn Vingroup, Sovico Group.
Ngày 21/5, tại trụ sở Bộ Y tế, đại diện Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng, Sovico Group của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cùng loạt ngân hàng lớn nhất Việt Nam đã trao tặng hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ Chính phủ, Bộ Y tế nhanh chóng mua vaccine Covid-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tham dự sự kiện này có GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y tế thay mặt tiếp nhận các khoản tài trợ.
Về phía ngành ngân hàng có bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đại diện cho Tập đoàn Vingroup có ông Lê Khắc Hiệp – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Quốc Thanh – Tổng Giám đốc HDBank đại diện cho Tập đoàn Sovico Group.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã gửi lời cảm ơn ngành ngân hàng và các doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn đã có những hỗ trợ kịp thời cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, cùng sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Việt Nam đã khống chế, kiểm soát thành công 3 đợt dịch và từng bước kiểm soát đợt dịch thứ 4 này.
Bộ trưởng Long nhắc lại quan điểm chỉ đạo thống nhất chung của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 là làm sao tiếp cận vaccine Covid-19 sớm nhất, đảm bảo cung cấp rộng rãi cho người dân, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bộ Y tế nỗ lực đảm bảo Việt Nam có đủ vaccine Covid-19 cho 75% dân số
GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin, thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán, cố gắng tiếp cận nguồn vaccine, làm việc liên tục với các đơn vị, công ty cung ứng vaccine Covid-19.
Đến nay, tổng số liều vaccine Covid-19 có được thông qua đàm phán là hơn 110 triệu liều mà các bên cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021 này. Trong đó bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình Covax Facility, 30 triệu liều từ mua AstraZeneca, Pfizer/BioNTech cũng sẽ chuyển cho Việt Nam 31 triệu liều.
Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam cũng đăng ký với Covax để mua thêm khoảng 10 triệu liều theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Tuy nhiên, so với yêu cầu có đủ 150 triệu liều để tiêm cho 75% dân số, số lượng này vẫn chưa đáp ứng được.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, có đủ nguồn vaccine tiêm chủng cho người dân là điều rất quan trọng để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này.
“Để đảm bảo 150 triệu liều vaccine Covid-19 đủ để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục nỗ lực tối đa tìm kiếm, tiếp cận tiếp cận để có đủ nguồn vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân”, ông Long cho biết.
Vingroup là nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam
Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Y tế nhiều lần bày tỏ sự cảm ơn trân trọng tới sự hỗ trợ quý báu của ngành ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank, HD Bank, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Savico từ đầu mùa dịch đến nay.
“Sự hỗ trợ quý báu của ngành ngân hàng nói chung và các tập đoàn, doanh nghiệp thực sự hiệu quả, góp phần vào thành công của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta”, lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam khẳng định.
“Nguồn hỗ trợ của các đơn vị rất quan trọng để tiếp cận mua sắm vaccine, để mọi người dân được tiêm vaccine, bởi chỉ có vaccine mới có thể sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.
Riêng với Tập đoàn Vingroup, Bộ trưởng Y tế Việt Nam đánh giá rất cao sự hỗ trợ từ đơn vị này cho công cuộc phòng chống dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Tập đoàn Vingroup đã “đi tiên phong”, hiện đang là “nhà tài trợ lớn nhất” cho cuộc chiến phòng chống Covid-19 tại Việt Nam với các hoạt động thiết thực như: sản xuất máy thở, cung ứng sinh phẩm, chẩn đoán...
Ngoài ra, Tập đoàn Vingroup cũng mong muốn đầu tư đưa công nghệ sản xuất vaccine vào Việt Nam để có thể chủ động trong sản xuất chế phẩm ngừa coronavirus.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Trân trọng sự đóng góp, hy sinh của ngành y tế
Tại buổi lễ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đánh giá rất cao vai trò của Bộ Y tế, nỗ lực cống hiến vì cuộc chiến chống Covid-19 trong thành quả phòng chống dịch và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, trong đó Bộ Y tế với vai trò thường trực đã có nhiều đóng góp quan trọng, giúp thực hiện mục tiêu kép – vừa chống dịch vừa hồi phục, phát triển kinh tế, được dư luận thế giới, cộng đồng quốc tế ghi nhận, biểu dương.
“Chúng tôi cảm ơn, trân trọng sự đóng góp, hy sinh của ngành y tế trong công cuộc phòng chống dịch”, bà Hồng nhấn mạnh.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để chung tay phòng chống dịch Covid-19, từ đầu năm 2020, ngành ngân hàng vào cuộc sớm, với các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đồng thời, gắn kết bộ ngành, địa phương rà soát chính sách chỉnh sửa bổ sung phù hợp.
Bà Hồng nêu rõ, toàn bộ hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng hết sức trách nhiệm và ủng hộ chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.
“Thực hiện Nghị quyết 21 của Chính phủ, chúng tôi đã vận động các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đặc biệt là 4 ngân hàng cổ phần có mặt hôm nay đã thể hiện quyết tâm chung tay thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị, của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine vì đất nước và nhân dân”, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thông qua Bộ Y tế, 4 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank ủng hộ 100 tỷ đồng để mua vaccine (mỗi ngân hàng 25 tỷ đồng).
“Đây là món quà là tấm lòng thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của các ngân hàng”, bà Hồng bày tỏ.
“Dù là ngân hàng tư nhân nhưng ngay từ đầu cuộc chiến phòng chống dịch ở Việt Nam, đơn vị này đã tham gia ủng hộ, đồng hành, hỗ trợ cùng ngành y tế và toàn thể nhân dân phòng chống dịch”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo vị lãnh đạo, HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng vào quỹ mua vaccine để chung tay cùng cả nước tiếp thêm nguồn lực cho công cuộc phòng chống dịch ở Việt Nam.
“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế, các lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch”, Tổng Giám đốc HDBank nhấn mạnh.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Viettinbank), ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thay mặt 4 ngân hàng trao tặng 100 tỷ đồng vào quỹ mua vaccine chống Covid-19.
Đại diện Vingroup nói gì khi trao tặng Bộ Y tế 4 triệu liều vaccine Covid-19?
Đại diện Vingroup, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn, cho biết sự ủng hộ, sát cánh với ngành y tế là trách nhiệm của toàn tập đoàn. Nhân dịp này, đại diện Vingroup đã trao ủng hộ số tiền tương đương 4 triệu liều vaccine thông qua Bộ Y tế.
Ông Hiệp cho biết, với 4 triệu liều vaccine Covid-19, Vingroup đồng hành cùng Bộ Y tế, tham gia đóng góp chương trình tiêm vaccine cho toàn thể người dân Việt Nam chống lại dịch bệnh do coronavirus gây nên.
Trước đó, như Sputnik Việt Nam thông tin, Vingroup của người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam – tỷ phú Phạm Nhật Vượng - đã tài trợ 20 tỷ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 “Made in Vietnam” Covivac cho Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế sản xuất.
Đồng thời, Tập đoàn Vingroup cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong các hoạt động tài trợ phòng, chống dịch với nhiều hành động thiết thực như dự án sản xuất máy thở, hỗ trợ các gói trang thiết bị y tế, máy và hóa chất xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Vingroup cũng là đơn vị tài trợ cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19, tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch... với số tiền lên tới trên 1.277 tỷ đồng trong năm 2020.
Theo Phó Chủ tịch Vingroup Lê Khắc Hiệp, gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã để lại nhiều ảnh hưởng về kinh tế, xã hội toàn cầu.
“Với trách nhiệm vì cộng đồng, trong gần 2 năm qua, tập đoàn Vingroup đã luôn đồng hành cùng ngành y tế trong cuộc chiến phòng chống dịch. Tập đoàn sẽ luôn sát cánh cùng Bộ Y tế trong cuộc chiến phòng chống dịch và coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ”, ông Lê Khắc Hiệp nhấn mạnh.
Theo một số nguồn tin, Bộ Y tế Việt Nam nỗ lực đàm phán, lựa chọn loại vaccine, sau đó, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là bên thanh toán chi phí cho “4 triệu liều vaccine” theo phương án của Bộ Y tế.
Chính phủ Việt Nam đồng ý sử dụng kinh phí ủng hộ để mua vaccine Covid-19
Văn phòng Chính phủ Việt Nam vừa có văn bản hỏa tốc về việc sử dụng kinh phí do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý với phương án sử dụng nguồn kinh phí do Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng, chống dịch Covid-19 để mua vaccine.
Ông Lê Minh Khái nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, đồng thời hướng dẫn Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với sở tài chính địa phương thực hiện chuyển toàn bộ số kinh phí đã tiếp nhận ủng hộ (còn lại) vào ngân sách Nhà nước để mua vaccine Covid-19.
“Các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách Trung ương số kinh phí được phân bổ, chịu trách nhiệm rà soát việc thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, bảo đảm không trùng lặp về đối tượng hỗ trợ”, văn bản hỏa tốc nêu rõ.
Cũng theo văn bản này của Chính phủ Việt Nam, việc phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả.
Bộ Y tế chính thức công bố ca tử vong 40 có liên quan đến Covid-19 tại Việt Nam
Theo đó, bệnh nhân số 3028, là nữ, 70 tuổi, có tiền sử đái tháo đường đến nay đã 21 năm, di chứng tai biến mạch máu não yếu nửa người trái.
Trước đó vào ngày 03/5/2021, bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị. Tình trạng của bệnh nhân lúc đó được chẩn đoán như sau: bệnh nhân bị tăng huyết áp, sốt, đái tháo đường, di chứng tai biến mạch máu não.
Đến ngày 05/5, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu điều trị hồi sức tích cực cho bệnh nhân bằng các biện pháp: cho thở máy, lọc máu, phối hợp kháng sinh phổ rộng điều trị căn nguyên đa kháng, truyền dịch, albumin.
Ngày 18/5, các chuyên gia, giáo sư đầu ngành đã tiến hành hội chẩn quốc gia cho bệnh nhân để đưa ra phương án điều trị tốt nhất.
Tuy nhiên, dù đã được cấp cứu hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn không thuyên. Đến ngày 20/5, bệnh nhân tử vong.
Kết quả chẩn đoán tử vong của bệnh nhân là: sốc nhiễm khuẩn, nhiễm SARS-CoV-2 trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, di chứng tai biến mạch máu não.
Như vậy, đây là ca thứ 40 tử vong tại Việt Nam có liên quan tới Covid-19.
Trưa 21/5, Việt Nam phát hiện thêm 50 ca Covid-19
Theo bản tin trưa của Bộ Y tế, Việt Nam vừa ghi nhận thêm 50 ca Covid-19 mới, trong đó có 45 bệnh nhân ở Bắc Giang, Hưng Yên (2), Hải Dương (1), Điện Biên (1), Hà Nội (1).
Hai ca bệnh ở Hưng Yên (4834 và 4836) trú tại Mỹ Hào và Khoái Châu, là F1 đã được cách ly trước đó. Họ có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus vào ngày 20-21/5 và đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Hà Nội.
Tại Điện Biên, ca bệnh 4837 là nam giới, đây là trường hợp F1 của ca bệnh trước đó. Bệnh nhân tại Hà Nội (4838) là nam, ở Thạch Thất. Trường hợp này có yếu tố dịch tễ liên quan các ca mắc Covid-19 trước đó. Nữ bệnh nhân còn lại ở Hải Dương, đang được điều tra dịch tễ.
Ở Bắc Giang, 45 ca, từ 4839-4883 đều được phát hiện trong khu vực phong tỏa, có liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Như vậy, từ 6h – 12h trưa ngày 21/5, Việt Nam đã ghi nhận 74 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm của cả nước tính đến nay lên thành 4883 người.
Theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, ngày 20/5 thêm 4.897 người được tiêm vaccine Covid-19, nâng tổng số tiêm cả đợt 1 và 2 lên 1.021.085 liều cho các nhóm ưu tiên. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 28.821 người. Chính phủ và Bộ Y tế khẳng định, làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam đang từng bước được kiểm soát.