Các cơ quan lớn lần lượt có ca nhiễm Covid-19
Sáng 24/5, Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này đã yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, người lao động tạm thời ở lại trụ sở. Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan y tế vừa phát hiện một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang làm việc tại Văn phòng Tổng cục Thuế. Người này sinh năm 1989 có tiếp xúc thường xuyên với BN5242 tại Công ty SUNLED, quán Net, quán Café.
Theo lịch trình, từ 10/5 đến 22/5, công chức này làm việc tại trụ sở Tổng cục Thuế (123 Lò Đúc, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và không có biểu hiện bệnh. Tổng cục Thuế đã liên hệ với CDC Hà Nội để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu. Đồng thời, cơ quan này cũng được phun khử khuẩn toàn bộ trụ sở.
Trước đó vào ngày 22/5, lái xe N.V.N. của Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao được cũng xác định dương tính với Covid-19. Ngay sau khi nhận được thông tin, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã chỉ đạo khẩn về phòng, chống dịch COVID -19 tại trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Qua đó, tất cả những người tiếp xúc với lái xe N.V.N. trong thời gian từ 13/5 đến nay được xác định là F1 và phải thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Trong khi chờ thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, những người này phải tự cách ly tại nơi ở nhưng không được tiếp xúc người nhà.
Những người tiếp xúc với người này bị xác định có nguy cơ cao và cũng phải cách ly tại nhà. Theo thông báo của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cơ quan này sử dụng điều hòa trung tâm, khép kín nên tất cả những người làm việc bên trong tạm thời được coi là F2, phải tự cách ly.
Bắc Giang: Xét nghiệm 3 ngày/lần khu vực có nguy cơ cao
Về tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở Bắc Giang, 2 trong số 3 ổ dịch là KCN Quang Châu và Vân Trung vẫn có nhiều ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội) đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng.
Ngoài ra, đã xuất hiện một số trường hợp mắc bệnh không phải là công nhân, được phát hiện trong quá trình xét nghiệm sàng lọc. Các ca bệnh mới đều ở các xã, phường đã được phong tỏa. Lực lượng chức năng đã khẩn trương rà soát, khoanh vùng, cách ly các trường hợp có liên quan.
Dự báo những ngày tới, số lượng ca mắc COVID-19 ở tỉnh này vẫn tăng nhưng ít có khả năng tăng đột biến do các ổ dịch lớn đã được khoanh vùng, cách ly. Các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng chủ yếu trong các khu vực đã cách ly, phong tỏa. Với tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố chấn chỉnh việc rà soát, truy vết bảo đảm chặt chẽ, chính xác và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, trả kết quả.
Để bảo đảm an toàn, các khu cách ly trong tỉnh được phân khu vực theo nguy cơ từ thấp đến cao để giảm lây nhiễm chéo và lựa chọn ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm cho phù hợp. Trong đó, lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần đối với khu vực có nguy cơ cao; 5 ngày/lần với những đối tượng khác.
Cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân, đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng đã bố trí đủ giường bệnh, máy theo dõi chức năng sống, máy thở tuần suất cao, lắp đặt hệ thống oxy trung tâm và hoàn thiện lắp đặt hệ thống camera. Với bệnh viện dã chiến số 2 (tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh), đến 19h ngày 23/5, việc thi công lắp ghép phòng bệnh, hệ thống điện, nước đã hoàn thành; đang triển khai lắp đặt 620 giường bệnh dã chiến làm cơ sở dự phòng.
Bộ TTTT đề nghị không công bố danh tính bệnh nhân Covid-19
Trong sáng hôm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản số 1631/BTTT-CBC gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Nội dung văn bản nêu rõ, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, việc cung cấp thông tin tuyên truyền cho báo chí đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phòng tránh, tránh dịch bệnh và ý thức tự bảo vệ bản thân, cộng đồng ở mỗi người dân, tạo nên tâm thế bình tĩnh đối phó, chiến thắng dịch bệnh trong cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, một số phương thức và nội dung cung cấp thông tin và phòng chống dịch. Trong đó có việc công bố công khai danh tính và lịch trình di chuyển của nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 gần đây đã bộc lộ nhiều bất cập.
Cụ thể, những thông tin này được các Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) ở các địa phương có người nhiễm COVID-19 công bố (phần nhiều dựa trên nội dung khai báo của người bệnh) và sau đó được báo chí đăng tải, mạng xã hội phát triển, suy diễn thêm, khiến cho dư luận, cộng đồng bám theo bình luận, bàn tán, kỳ thị, xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người nhiễm bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ.
Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo ngành Y tế và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh các địa phương đảm bảo cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chuẩn xác về diễn biến của dịch bệnh COVID-19 để không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không gây hoang mang, nhất là khi dịch bệnh bùng phát đến nay đã là lần thứ tư.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân. Nghĩa là chỉ công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi đã từng có người dương tính với COVID-19 đến) để người dân đã từng di chuyển, tiếp xúc tại khu vực đó thực hiện ngay các biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh theo hướng dẫn của ngành y tế.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các bên liên quan hỗ trợ cơ quan báo chí có đầy đủ thông tin và có phương thức truyền thông rõ ràng, chuẩn xác về công tác triển khai tiêm vắcxin phòng chống dịch cho các tầng lớp nhân dân.