«Có thể có ý kiến khác nhau, nhưng dù sao vẫn nên nói chuyện và gặp gỡ. Tôi đang giao tiếp như vậy với Tổng thống Nga. Hôm qua, tại cuộc thảo luận về Nga (tại hội nghị thượng đỉnh EU), tôi cũng đã kêu gọi để toàn bộ chúng ta trong EU nói chung cũng làm điều này. Bởi trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Nga chúng ta có thể đại diện cho lợi ích của châu Âu tốt hơn là điều mà Tổng thống Mỹ làm», - bà Merkel nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh.
«Tôi sẽ rất vui mừng nếu diễn ra cuộc gặp như vậy (giữa các Tổng thống của Hoa Kỳ và Nga)», - bà nói thêm.
Trừng phạt chống Nga không hiệu quả
Trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU ở Brussels, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng chính sách trừng phạt chống Nga về «đóng băng các cuộc xung đột» đã không có hiệu quả gì nữa.
«Về Nga thì chính sách trừng phạt với các «tình huống đóng băng» không còn hiệu quả nữa», - ông Macron nhận định.
«Chính vì thế chúng tôi đã yêu cầu xem xét lại vào tháng 6, mà theo tôi, điều này cần tiến hành với hiểu biết về chiến lược của Nga trong khu vực là gì và phản ứng của châu Âu đối với vấn đề này sẽ hiệu quả ra sao», - nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh.
Quan hệ xấu đi
Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đã xấu đi trong tương quan tình hình ở Ukraina và xung quanh Crưm, bán đảo đã sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại địa phương. Cáo buộc Nga can thiệp, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga. Matxcơva thi hành các biện pháp trả đũa, thực hiện đường lối thay thế nhập khẩu, và không chỉ một lần tuyên bố rằng nói chuyện với Nga bằng ngôn ngữ của lệnh trừng phạt thì chỉ phản tác dụng. Matxcơva cũng đã nhiều lần khẳng định Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraina, không phải là đối tượng của các thỏa thuận Minsk về giải quyết khủng hoảng.