Nhiều giáo viên nói bị ‘choáng váng’ khi đọc văn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc Bộ GD&ĐT lập ra Kế hoạch 455 với nhiều nội dung ‘kỳ lạ’, ‘khó hiểu’, ‘khó tin’, sau đó lại ra công văn diễn giải còn gây khó hiểu hơn khiến nhiều đơn vị triển khai gặp khó khăn.
Kế hoạch 455 Bộ GD&ĐT cho phối hợp thí điểm thử ma túy?
Ngày 10/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ngô Thị Minh đã ký ban hành kế hoạch số 455/KH-BGDĐT với nội dung “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021”.
Kế hoạch 455 của Bộ Giáo dục Việt Nam kèm Công văn 1898/BGDĐT-GDCTHSSV, chứa nhiều nội dung ‘kỳ lạ’, sau đó lại được Vụ chuyên môn của Bộ ra một văn bản khác “chỉnh sửa”.
Theo thông tin được công bố, Kế hoạch 455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành nhằm triển khai hiệu quả các nội dung giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.
Đồng thời từ đó phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm tệ nạn xã hội cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên trên khắp đất nước.
Trong văn bản do Bộ GD&ĐT ban hành, có 9 nhiệm vụ khác nhau được triển khai để tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm… trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên, dư luận hiện chỉ đang xôn xao về 2 nhiệm vụ ‘kỳ lạ’ được nêu trong Kế hoạch 455 ngày 10/5 này.
Theo đó, kế hoạch số 455/KH-BGDĐT nêu rõ, nhiệm vụ 4 yêu cầu “Phối hợp thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện giao thông”.
Tiếp đó là nhiệm vụ 8 có nội dung: “Xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh niên, thiếu niên và học sinh, sinh viên”.
Đây là 2 nội dung đang thu hút sự chú ý của dư luận thời gian này. Nhiều giáo viên, người dân chia sẻ rằng, họ cảm thấy “choáng váng” khi đọc những nội dung ‘kỳ lạ’ trong văn bản số 455 của Bộ GD&ĐT, nhất là trước yêu cầu “thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện giao thông”.
“Tôi không hiểu tại sao Bộ GD&ĐT lại thí điểm thử ma tuý cho học sinh? Không biết văn bản này có sai sót gì hay không nhưng điều này là quá bất ngờ và sốc”, một giáo viên bày tỏ sự ngỡ ngàng với NLĐ.
Nhiều người khác thì bức xúc thật “không thể tin nổi” với 2 nội dung được nêu ra trong văn bản của Bộ Giáo dục.
Vụ chuyên môn lại ra văn bản chỉnh sửa Kế hoạch 455
Trước các phản hồi của dư luận, ngày 19/5, Bộ GD&ĐT sau đó đã ban hành văn bản số 2043/BGDĐT-GDCTHSSV về việc hướng dẫn làm rõ hơn về nội hàm một số nhiệm vụ trong Kế hoạch 455.
Văn bản này được ký bởi Vụ trưởng Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bùi Văn Linh.
Theo đó, trong văn bản hướng dẫn, Bộ Giáo dục giải thích cụm từ “thử ma túy” trong nhiệm vụ số 4 nghĩa là “xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể”.
Trong khi đó, với cụm từ “dự phòng nghiện ma túy” trong nhiệm vụ 8, Bộ Giáo dục cho rằng cần hiểu là “hoạt động phòng ngừa nghiện ma túy”.
Có thể thấy, việc Bộ Giáo dục lập Kế hoạch 455 với nhiều nội dung nhiệm vụ kỳ lạ sau đó lại có công văn diễn giải một cách khó hiểu gây nên bức xúc ở một số đơn vị triển khai, theo báo Nhân Dân. Theo đó, Kế hoạch 455 do lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng sau đó, lãnh đạo một Vụ chuyên môn lại ký văn bản hướng dẫn mang tính “chỉnh sửa” cách hiểu một số nội dung của Kế hoạch 455 liệu có đúng quy trình về mặt ban hành văn bản để các đơn vị cấp dưới tiếp nhận triển khai thực hiện hay không. Về khía cạnh này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có lẽ, cần có giải thích rõ ràng.
“Bộ GD-ĐT hướng dẫn các địa phương hiểu “thử ma túy” là “xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể” hay “dự phòng nghiện ma túy” là “hoạt động phòng ngừa nghiện ma túy” rõ ràng là không thuyết phục. Văn bản của Bộ GD&ĐT phải rõ ràng, chính xác, chứ không thể để ai hiểu thế nào thì hiểu. Nếu văn bản sai thì phải thu hồi chứ không phải là ra một cái hướng dẫn tiếp tục gây phản ứng như vậy”, một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nhận xét.
Sản phẩm của giáo dục là con người
Ngoài ra, người dân cũng đặt câu hỏi về quy trình làm việc của Bộ GD&ĐT ở đây.
Theo đó, Kế hoạch 455 được ký bởi lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Sau đó, lãnh đạo một vụ chuyên môn lại ký văn bản hướng dẫn mang tính “chỉnh sửa” cách hiểu một số nội dung của Kế hoạch 455. Hiển nhiên, dư luận có quyền đặt câu hỏi về quy trình ban hành văn bản để các đơn vị cấp dưới tiếp nhận thực hiện.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cần giữ thái độ nghiêm túc, cầu thị, thu hồi và xây dựng ban hành văn bản mới, đúng đắn, hợp lý, tuân thủ quy định của pháp luật, như vậy mới góp phần thực hiện hiệu quả chương trình công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021 của Chính phủ.
Nói cách khác, theo nhiều người, đã là giáo dục thì phải chuẩn mực và chính xác, nhất là đối với chính thế hệ con em của mình – học sinh sinh viên, thanh niên trên cả nước –tương lai của cả đất nước.
Mọi sai lầm trong quá trình này hầu như đều phải trả giá đắt vì sản phẩm của giáo dục chính là con người và tương lai của xã hội.