Diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam chiều 27/5: Thêm 150 ca dương tính với SARS-CoV-2 lây trong nước, chủ yếu ở Bắc Giang và TP.HCM (liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng) và 2 ca nhập cành.
TP.HCM đang triển khai thực hiện truy vết nhanh, mở rộng bao vây để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, đồng thời điều tra, đánh giá nguồn lây nhiễm liên quan đến sinh hoạt tôn giáo ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
Việt Nam đang tận dụng mọi nguồn lực, nỗ lực đàm phán với AstraZeneca, Pfizer, COVAX để có đủ 150 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm nay.
Việt Nam đã ghi nhận bao nhiêu ca Covid-19?
Theo bản tin mới nhất từ Bộ Y tế chiều tối ngày 27/5, cả nước có thêm 152 ca mắc coronavirus mới, trong đó hai trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay (ở Sóc Trăng), còn lại 150 người mắc nCoV mới lây nhiễm trong nước.
Trong đó, tập trung chủ yếu ở Bắc Giang (84) và Hồ Chí Minh (36, chủ yếu liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng).
Như vậy, cả ngày 27/5, Việt Nam phát hiện 230 ca nhiễm, gồm 227 ca trong nước và ba ca cách ly ngay sau nhập cảnh. Tính đến thời điểm này, cả nước đã có 6316 bệnh nhân Covid-19.
Về 152 ca bệnh mới chiều nay (từ 6165 – 6316), Bộ Y tế cho hay, Bắc Giang 84 ca, TP.HCM 36 ca, Bắc Ninh 22 ca, Hà Nội 7 ca và Đà Nẵng một ca.
Tính đến chiều nay, tổng số ca nhiễm mới ở Bắc Giang là 1648, Bắc Ninh 676, Hà Nội 351 (trong đó có 90 ca, Bệnh viện K Tân Triều 49 người), Đà Nẵng 155 và TP.HCM 44.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng của Việt Nam từ 27/4 – chiều tối ngày 27/5 (tròn một tháng) là 3254, ở 30 tỉnh, thành.
Bộ Y tế thông báo cụ thể các ca nhiễm mới cho hay, các bệnh nhân ghi nhận tại TP.HCM 6279-6314 đều liên quan ổ dịch Hội Thánh Truyền giáo Phục hưng. Đây là ổ dịch mới xuất hiện.
Tại Bắc Giang 6194-6277, các ca bệnh đều trong vùng phong tỏa liên quan khu công nghiệp. Bắc Ninh có thêm 17 F1 dương tính với SARS-CoV-2, 4 ca liên quan dịch tễ khu công nghiệp Khắc Niệm. Người còn lại là ca sàng lọc trong khu phong tỏa.
Hà Nội có thêm các trường hợp 6165-6169, 6191, 6278 dương tính với coronavirus, đều là F1 đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính vào ngày hôm nay 27/5.
Nữ bệnh nhân 25 tuổi ở Đà Nẵng 6170 có địa chỉ tại quận Hải Châu, liên quan ổ dịch khu công nghiệp An Đồn, đã được cách ly. Kết quả dương tính ngày 26/5.
Về hai trường hợp nhập cảnh ở Sóc Trăng, Bộ Y tế nêu rõ, người đầu tiên 6181 là nam, 32 tuổi, địa chỉ tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ngày 28/4, anh từ Philippines nhập cảnh sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH9353, kết quả xét nghiệm lần 4 ngày 26/5 dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh 6182, nữ, 23 tuổi, địa chỉ tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ngày 12/5, cô từ Australia nhập cảnh về sân bay Cần Thơ, kết quả xét nghiệm lần 2 khẳng định dương tính với Covid-19 ngày 26/5.
Bộ Y tế thông báo về ca Covid-19 thứ 46 tử vong
Chiều 27/5, Bộ Y tế thông tin về ca tử vong thứ 46 ở Việt Nam – cụ ông 81 tuổi.
Theo Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ca tử vong 46 là bệnh nhân 3881, nam, tuổi 81, có tiền sử bị tai nạn giao thông gãy xương sườn, xương đòn 4 năm trước, áp xe gan 2 năm trước, sống trong vùng dịch Covid-19.
Ngày 5/5, ông sốt nhẹ, đau mỏi người, ho ít. Vào bệnh viện huyện điều trị 4 ngày với chẩn đoán viêm phổi. Xét nghiệm nCoV âm tính, được cho về nhà dùng thuốc theo đơn và cách ly tại nhà.
Đến ngày 11/5, bệnh nhân sốt cao, ho nhiều. Ngày 14/5, bệnh nhân xuất hiện biểu hiện khó thở, vào Trung tâm y tế huyện Thuận Thành làm test nhanh Covid-19 cho kết quả dương tính và được chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Sau đó, nam bệnh nhân này xuất hiện biểu hiện suy hô hấp, huyết áp giảm, được đặt ống nội khí quản thở máy, dùng thuốc vận mạch nâng huyết áp.
Ngày 15/5, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, chẩn đoán vào viện là sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2.
Bộ Y tế khẳng định, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực: an thần thở máy, thuốc vận mạch, lọc máu liên tục, phối hợp kháng sinh phổ rộng, corticoid, điều trị chống đông, nuôi dưỡng tĩnh mạch. Tuy nhiên tình trạng bệnh không cải thiện, chức năng phổi ngày càng xấu hơn.
Đến ngày 21/5, bệnh nhân được Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế hội chẩn xác định bệnh nhân tình trạng rất nặng, nhiễm trùng chủng vi khuẩn đa kháng thuốc. Tuy được điều trị hồi sức tích cực tối đa và chăm sóc toàn diện, nhưng tình trạng bệnh nhân không đáp ứng điều trị, diễn biến xấu dần.
Cụ ông 81 tuổi này đã qua đời vào hồi 22 giờ 31 phút ngày 26/5/2021. Bộ Y tế công bố chẩn đoán tử vong là sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển, nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân cao tuổi.
Chùm ca bệnh Covid-19 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở TP.HCM
Chiều nay 27/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, đã phát hiện 36 trường hợp nghi mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố. Các bệnh nhân này phân bố ở 8 quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, chiều 27/5, TP Hồ Chí Minh phát hiện thêm 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, có liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng ở quận Gò Vấp.
Trong ngày hôm nay, cơ quan chức năng đã xác định 38 trường hợp sinh hoạt tại nhà thờ Hội thánh truyền giáo Phục hưng (địa chỉ tại 415/8/4 Nguyễn Văn Công, Phường 3, quận Gò Vấp). Trong số đó, có 29 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, ngành y tế cũng phát hiện 7 trường hợp dương tính khác, là F1 của các ca dương tính đã được phát hiện. Trong đó, có4 trường hợp làm việc chung tòa nhà tại quận Phú Nhuận và 3 trường hợp là tiếp xúc gần nơi cư trú.
Tất cả 36 ca nghi nhiễm Covid-19 này phân bố ở 8 quận, huyện là Quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè và thành phố Thủ Đức. Trong đó, có 19 trường hợp ghi nhận triệu chứng, chiếm 53% số ca. Các triệu chứng khởi phát sớm nhất là từ ngày 13/5/2021. Có 4 trường hợp không xuất hiện triệu chứng, 13 ca còn lại triệu chứng không rõ ràng.
Theo đại diện HCDC, số ca mắc là thành viên Hội thánh truyền giáo Phục hưng chiếm 29/38 người, tức 3/4 số thành viên. Qua xét nghiệm, có thể thấy các bệnh nhân đang trong giai đoạn diễn tiến bệnh.
Theo HCDC, các trường hợp thành viên cho dù âm tính nhưng vẫn được xem là ca nghi ngờ vì có khả năng đang nhiễm bệnh hoặc đã khỏi bệnh.
“Hệ thống phòng chống dịch bệnh Thành phố đang triển khai thực hiện truy vết nhanh, mở rộng bao vây để cắt đứt chuỗi lây nhiễm này, đồng thời điều tra, đánh giá nguồn lây nhiễm”, đại diện HCDC cho hay.
Trước đó, vào cuối giờ sáng ngày 27/5, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 25 trường hợp nghi mắc Covid-19, tất cả đều liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng tại quận Gò Vấp.
Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng cho biết, mầm bệnh hiện có thể đã lây lan trong cộng đồng nên người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tự giác khai báo y tế, nhất là có sinh hoạt hoặc liên hệ với tổ chức giáo phái này mà chưa được cơ quan chức năng liên hệ.
HCDC khuyến cáo người dân, cơ quan cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện nay của chính quyền Thành phố và địa phương nhằm góp phần kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Bên cạnh đó, việc khai báo y tế cần trung thực để được phân luồng phù hợp, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các bệnh viện.
Đại diện HCDC kêu gọi, mỗi người dân là một chiến sỹ, chúng ta cần hy sinh những bất tiện của cá nhân vì lợi ích của chính mình và cộng đồng. Hãy hợp tác với chính quyền, ngành y tế khi triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Việt Nam tận dụng mọi nguồn lực để có đủ 150 triệu liều vaccine Covid-19
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, kể từ đầu dịch đến nay, Bộ đã rất tích cực, tìm nhiều cách khác nhau để tiếp cận với các nguồn vaccine trong và ngoài nước.
Hiện Quỹ COVAX Facility đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 39 triệu liều vaccine. Thông qua Hệ thống tiêm chủng VNVC, Bộ Y tế đã tiếp cận và mua của AstraZeneca 30 triệu liều vaccine.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã cho phép Bộ Y tế ký thỏa thuận khung với Pfizer để mua 30 triệu liều. Bộ đang đề nghị mua thêm 10 triệu liều AstraZeneca, 10 triệu liều Pfizer qua chương trình COVAX Facility.
Do đó, Bộ ước tính trong năm nay có thể đáp ứng số lượng 150 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Mặc dù vậy, vẫn có khả năng các nhà cung cấp vaccine không thực hiện được hoàn toàn theo lộ trình về mặt thời gian, do nguồn cung khan hiếm.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, hiện Chính phủ và các bộ, ban, ngành, đều đang hết sức tiết kiệm để huy động mọi nguồn lực ngân sách vào chống dịch, trong đó có kinh phí mua vaccine để tiêm cho người dân. Nghị định 21 của Chính phủ quy định, bên cạnh ngân sách nhà nước, Việt Nam có thế tận dụng mọi nguồn lực để mua vaccine.
Bộ Y tế cũng đã được giao nhiệm vụ sớm xây dựng Quỹ vaccine phòng Covid-19. Theo ông Tuyên, đây là nguồn động lực to lớn, từng bước đảm bảo tiến độ vaccine cho người dân.
"Quỹ vaccine phòng Covid-19 hình thành đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, thể hiện sự đồng sức, đồng lòng của các doanh nghiệp, cá nhân, người dân, chung tay cùng nhà nước có được nguồn vaccine nhanh nhất, nhiều nhất, đóng góp vào công tác phòng chống dịch", đại diện lãnh đạo ngành y tế cho hay.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, Việt Nam vẫn tuân thủ nguyên tắc "5K + vaccine". Những nhóm đối tượng thuộc tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao đã được tiêm phòng vaccine Covid-19.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình dịch bệnh đang có diễn biến căng thẳng, xuất hiện nhiều ca bệnh mới trong cộng đồng, nhất là ổ dịch tại các khu công nghiệp của Bắc Ninh, Bắc Giang.
Do đó, Chính phủ đã quyết định, ngoài nhóm lực lượng tuyến đầu, vaccine sẽ được ưu tiên tiêm cho các công nhân ở khu công nghiệp, trước mắt là Bắc Giang, Bắc Ninh. Dự kiến, mỗi tỉnh sẽ nhận 150.000 liều. Với sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, dự kiến sẽ hoàn tất tiêm chủng cho 2 địa phương trong vòng 1-2 tuần.
Trong ngày 27/5, 96 công nhân đầu tiên công ty Foxconn thuộc Tập đoàn KHKT Hồng Hải được tiêm thuộc khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh). Tiếp đến sẽ tiêm cho các trường hợp còn lại. Đối với Bắc Giang, số người được tiêm trước là 300 người.
Thư trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, việc phân bổ vaccine cho 2 địa phương còn phụ thuộc vào tốc độ cung ứng vaccine của nhà tài trợ và nhà cung cấp cho Việt Nam.