Không có hướng dẫn cụ thể, thì "thầu" như thế nào?
Đây là vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến khi phát biểu kết luận phiên họp 56 của UB Thường vụ Quốc hội chiều 27/5/2021. Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, mỗi năm Việt Nam đều có cố gắng hơn trong công tác này.
Tuy nhiên, cần làm rõ thành tích nổi bật và những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là cần nêu rõ địa chỉ nơi nào làm chưa tốt, còn hạn chế, yếu kém, có tính phản biện cao, không ngại va chạm. Đặc biệt khi liên hệ về vấn đề đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội sốt ruột khi nhắc đến việc mua sắm công trong phòng chống Covid-19 năm 2020 mà theo ông là rất lúng túng.
Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội phân tích từ vụ sai phạm, tiêu cực trong việc mua máy xét nghiệm Covid-19 đã phải khởi tố tại nhiều địa phương, tiêu biểu như Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, nhà nước có trách nhiệm gì trong việc này khi không có hướng dẫn, không nói trường hợp nào cấp bách được chỉ định thầu?
Từ sự việc này, ông Huệ nhận xét, tới nay, tất cả các nơi đều sợ việc mua sắm, ngay cả vật tư thiết bị phòng chống dịch cũng rất sợ. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế:
"Người ta chỉ thích tiền, hiện vật Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ, vì đó không phải là tiền ngân sách. Bây giờ dịch giã thế này, năng lực xét nghiệm thấp, nhưng chỗ nào cũng sợ mua sắm, sợ sai. Đó là thực tế chúng ta cần nhìn thẳng. Đừng để "vừa mất tiền, vừa mất người". Mất người lúc này là mất toàn đội ngũ tinh hoa, toàn các GS, TS, thầy thuốc nhân dân…"
Nêu những nghịch lý trong thực tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bên cạnh sai phạm cá nhân thì phải xem xét cả trách nhiệm quản lý nhà nước nhưng trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng kịp thời khen sự sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiết kiệm công sức và nguồn lực. Nêu ví dụ, vừa qua Hà Nội có sáng kiến xét nghiệm mẫu gộp trong sàng lọc phòng, chống Covid-19 với những người không thuộc diện F1, nghĩa là lấy 5-10 mẫu làm xét nghiệm gộp, nếu âm tính thì loại luôn, nếu có dương tính thì mới tách bóc ra để xét nghiệm riêng.
Báo cáo từ Bộ tài chính
Cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước (khoảng 123.600 tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong các giải pháp, việc tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương (khoảng 2.900 tỷ đồng) được áp dụng triệt để. Trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (khoảng 1.000 tỷ đồng) và 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm (khoảng 6.400 tỷ đồng)...