Sputnik sẽ tập hợp những nét chính của thông tin đó trong tổng quan truyền thống «Việt Nam trên báo chí nước ngoài».
Cần tăng tốc tiêm chủng vaccine
Nhiều hãng truyền thông nước ngoài viết về đợt bùng phát Covid-19 lớn ở Việt Nam kể từ đầu đại dịch và những biện pháp mà chính quyền thực hiện: phong tỏa cả khối phố, đóng cửa nhà máy xí nghiệp, các thẩm mỹ viện, chợ đêm và công viên, siết chặt kiểm soát biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia, ngừng đón các chuyến bay từ nước ngoài, hạn chế tụ họp công cộng. Các doanh nhân châu Âu và Mỹ tại Việt Nam đang kêu gọi Chính phủ Hà Nội cho phép công ty tư nhân mua vắc xin COVID-19 và tiêm chủng cho nhân viên của họ, đồng thời cảnh báo về tác động tiêu cực của đợt cách ly kéo dài 3 tuần lễ đối với dòng đầu tư và hoạt động của các công ty phụ thuộc vào các chuyên viên kỹ thuật chủ chốt. Tại thời điểm này, tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam thua kém các nước láng giềng trong khu vực: mới chỉ dùng hơn 1 triệu liều vaccine trong tổng số 2,9 triệu liều nhận về, mà số dân của đất nước là 98 triệu người, - như Reuters phản ánh.
Bloomberg cho biết về đề xuất của Bộ Tài chính Việt Nam – lập Quỹ vaccine, người dân có thể đóng góp công khai minh bạch để đẩy nhanh việc mua vaccine. Nếu mua 150 triệu liều dùng cho 75 triệu người sẽ tiêu tốn khoảng 25,2 nghìn tỷ VND (1,1 tỷ USD). Chính phủ Việt Nam đã phân bổ 16 nghìn tỷ VND và dự kiến thu hút 9,2 nghìn tỷ VND khác từ cấp chính quyền địa phương và các doanh nghiệp.
Báo Nga Ezhenevhye novosti Vladivostok viết về diễn biến đàm phán giữa Bộ Y tế Việt Nam với Nga về việc mua vaccine Sputnik V thành phẩm, cũng như về khả năng sản xuất loại vaccine này ở lãnh thổ Việt Nam. Xin nhắc rằng hiệu quả của Sputnik V đạt 91,6%, là một trong ba loại vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới với mức hiệu suất hơn 90%.
Những vấn đề về quản lý và thành công trong kinh doanh
Tờ báo East Asia Forum dành hẳn bài viết lớn nói về những vấn đề quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam. Cần cập nhật và đổi mới, các quy tắc quản trị kinh doanh hiện chưa tương xứng với chuẩn mực quốc tế và phải được thay đổi để đất nước có thể thực hiện chương trình đầy kỳ vọng về phát triển các đô thị thông minh và tạo lập cơ sở hạ tầng bền vững đủ khả năng chống lại biến đổi khí hậu, - tác giả nêu nhận xét.
Còn Asean Briefing phân tích Nghị định 31, trong đó đưa ra danh sách các hướng kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài bị cấm thực hiện tại Việt Nam, và theo đó, các doanh nghiệp sa vào tình trạng bị hạn chế tiếp cận thị trường.
Báo chí nước ngoài tuần qua cũng viết về sự phát triển của năng lượng gió-phong điện ở Việt Nam và việc tạo lập quỹ mạo hiểm mới, dự kiến đầu tư vào 25 công ty trong nước; về sự kiện khánh thành trạm kiểm soát mới trên biên giới Việt Nam - Campuchia; về sự hợp tác của Việt Nam với Nhật Bản trong việc thúc đẩy CPTPP và ủng hộ Vương quốc Anh gia nhập liên minh này.
Cổng thông tin RZD có bài viết kể về hành lang hậu cần đang được xây dựng giữa cảng Azov của Nga và cảng Hải Phòng của Việt Nam, về tốc độ tăng trưởng sản xuất tàu ở Nga và đề xuất đóng tàu chở hàng khô, sà lan và tàu chuyên dụng dành cho Việt Nam.
Còn trang Finanz thông báo rằng Gazprom sẽ xây dựng trên địa bàn Việt Nam một nhà máy điện tuabin khí.
Vẻ đẹp và sự lãng mạn trong thiên nhiên-đời sống
Còn tờ South China Morning Post chú ý đến một khía cạnh khác của đời sống hiện đại, bài viết của báo này kể về những đám cưới xa hoa lộng lẫy của các sao Việt, đã trở thành một trong những sự kiện đáng nhớ nhất đối với toàn cộng đồng, - báo nhận xét.