Chi tiết - trong tài liệu của Sputnik.
Xâm nhập giấc mơ khám phá tiềm thức con người
Mỗi người chúng ta dành khoảng một phần ba cuộc đời cho những giấc ngủ. Nhưng, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết hoạt động của bộ não ở người đang ngủ và người thức khác nhau như thế nào - liệu con người vẫn giữ được mối liên hệ với thực tế trong khi ngủ hay tiến vào thế giới ảo giác của các giấc mơ.
Theo khái niệm khoa học phổ biến nhất hiện nay, giấc ngủ là một trạng thái vô thức, trong đó bộ não bận rộn phân tích và sắp xếp các ấn tượng và ký ức. Theo khái niệm này, không thể thiết lập liên hệ hai chiều với người đang ngủ - những tác động bên ngoài sẽ khiến người đó mất ngủ, hoặc chỉ được phản ánh dưới dạng hình ảnh bị biến dạng ở cấp độ tiềm thức.
Để tìm hiểu xem người ta có thể xâm nhập vào giấc mơ sâu như thế nào, các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm với những người ở trạng thái được gọi là giấc mơ sáng suốt. Người đang ngủ hiểu rằng anh ta đang mơ, và theo đó nhận thức được những gì đang xảy ra trong anh ta. Hiện tượng này lần đầu tiên được mô tả bởi nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại Aristotle vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên.
Theo các cuộc khảo sát, hơn 1/2 trong chúng ta ít nhất một lần trong đời có giấc mơ sáng suốt, và khoảng 10% có giấc mơ sáng suốt một lần mỗi tháng hoặc thường xuyên hơn. Theo các nhà khoa học, khả năng của người mơ kiểm soát vai trò của mình bên trong giấc mơ ở một mức độ nào đó mở ra nhiều khả năng - từ học trong khi ngủ đến phân tâm học và các ảnh hưởng tâm lý trị liệu.
Giấc ngủ nhanh và giấc ngủ chậm sâu
Ở người đang ngủ có sự xen kẽ của hai giai đoạn chính: giấc ngủ chậm sâu và giấc ngủ nhanh. Ban đầu giai đoạn giấc ngủ chậm chiếm ưu thế, và trước khi thức giấc, thời gian giấc ngủ nhanh tăng lên. Giai đoạn giấc ngủ nhanh còn được gọi là REM - chuyển động mắt nhanh chóng. Cơ thể khi ở trạng thái ngủ REM có hơi thở nhẹ nhàng nhưng tim đập nhanh hơn.
Thông thường, giai đoạn chuyển động mắt nhanh chóng chiếm 20-25% tổng thời gian giấc ngủ đêm - tổng cộng khoảng 90-120 phút. Một chu kỳ kéo dài 10 - 20 phút và xen kẽ với các giai đoạn ngủ chậm. Đối với hầu hết mọi người, giấc ngủ bao gồm bốn đến sáu chu kỳ như vậy, mỗi chu kỳ kéo dài 80-100 phút. Ở trạng thái ngủ REM, hoạt động của não tăng lên, khi đó chúng ta có những giấc mơ với những trải nghiệm gây ra sự lo lắng, sự hối tiếc, ảo giác mơ.
Chính bởi vậy hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm đều dành để nghiên cứu hoạt động của não bộ trong giai đoạn REM. Và chúng được thực hiện với sự tham gia của những người có khả năng kiểm soát vai trò của mình bên trong giấc mơ, tức là đi vào trạng thái giấc mơ sáng suốt. Hơn nữa, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, khả năng này có thể được rèn luyện.
Những cuộc trò chuyện trong giấc mơ
Cho đến nay, các nghiên cứu chỉ giới hạn bởi việc theo dõi các tín hiệu phản ứng với các tác động bên ngoài trên điện não đồ. Nhưng, mới đây các nhà khoa học đã chứng minh rằng, mối liên lạc hai chiều khá phức tạp với con người đang trong trạng thái mơ sáng suốt có thể được xây dựng bằng cách “nhập” vào giấc mơ của người này.
Để nâng cao độ tin cậy của kết quả, các nhà khoa học đã thực hiện các cuộc thí nghiệm tại bốn phòng thí nghiệm độc lập ở Pháp, Đức, Hoa Kỳ và Hà Lan. Các nhà khoa học đã tuyển 36 tình nguyện viên, trong đó có cả những người sở hữu khả năng mơ sáng suốt và những người có giấc mơ bình thường. Khi những tình nguyện viên chìm vào giấc ngủ, các chuyên gia theo dõi các chỉ số của giấc ngủ REM - chuyển động mắt và co cơ mặt, và hoạt động của não được ghi lại bằng cách sử dụng mũ gắn điện cực để ghi điện não đồ.
Đây là lần đầu tiên khi các nhà khoa học không chỉ gửi những tín hiệu ánh sáng, âm thanh và xúc giác cho người đang ngủ mà còn trò chuyện với họ, đặt ra những bài toán đơn giản nhất như cộng hoặc trừ. Đồng thời, những người tham gia chưa nghe thấy bất kỳ câu hỏi nào trước đó trong quá trình tập luyện.
Để trả lời, những người đang mơ sử dụng các tín hiệu mà họ đã được dạy trước khi đi ngủ - họ mỉm cười hoặc cau mày, và để chỉ ra con số, họ di chuyển mắt nhiều lần từ bên này sang bên kia. Trong phòng thí nghiệm của Đức, các tình nguyện viên đã sử dụng mã Morse.
Các nhà nghiên cứu đã đặt ra 158 câu hỏi với những người tham gia. Kết quả là, có 18,6% câu trả lời đúng, 3,2% câu trả lời không chính xác, 17,7% - câu trả lời mơ hồ. 60,8% câu hỏi không được trả lời. Theo các tác giả, những kết quả này khác biệt đáng kể so với phân phối ngẫu nhiên và chỉ ra rằng, trong khi ngủ, con người có thể tiếp nhận và xử lý thông tin phức tạp từ bên ngoài.
"Thế giới bên kia"
Các nhà khoa học rất muốn làm sáng tỏ những tín hiệu từ bên ngoài đến ý thức của những người đang ngủ dưới hình thức nào. Do đó, sau khi trả lời thành công, những người tham gia được đánh thức và yêu cầu nói về giấc mơ của họ.
Đôi khi những tác động từ bên ngoài chồng chất lên giấc mơ, đôi khi chúng được coi là một phần của giấc mơ. Ví dụ, một tình nguyện viên thừa nhận rằng, trong giấc mơ của anh, câu hỏi "Tám trừ sáu là bao nhiêu?" đã vang lên từ máy radio trên xe hơi. Một người khác nói rằng, anh ta đang ở một bữa tiệc thì đột nhiên nghe câu hỏi "Bạn có nói tiếng Tây Ban Nha không?" qua loa ngoài, và anh ta trả lời: "Không".
Các tác giả hy vọng rằng, phương pháp này sẽ được sử dụng cho mục đích điều trị để chống lại rối loạn giấc ngủ, ám ảnh, chấn thương tâm lý, lo lắng và trầm cảm, cũng như cho mục đích giáo dục. Nhưng, điều quan trọng là, ở đây nói về giấc mơ sáng suốt là một giấc mơ mà trong đó người mơ biết rằng mình đang mơ, nếu không sẽ có nguy cơ bị nhầm lẫn đâu là mơ và đâu là thật. Bởi vì phương pháp này có thể gây ra những rối loạn nghiêm trọng như tâm thần phân liệt ở những người có tâm lý không ổn định.