Hạn chế du lịch, tăng chi tiêu cho ăn uống
Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2020 vừa công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người một tháng của cả nước năm 2020 đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019 do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, mức tiêu thụ thịt, trứng và rượu bia lại gia tăng, trong khi tiêu thụ tinh bột giảm đi.
Khảo sát về tiêu thụ gạo bình quân đầu người trên cả nước đã giảm mạnh trong 10 năm từ 2010-2020. Cụ thể, lượng gạo tiêu thụ bình quân đầu người một tháng đã giảm dần qua các năm, từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 xuống còn 8,1 kg/người/tháng năm 2018 và chỉ còn 7,6 k/người/tháng năm 2020.
Các hộ gia đình sinh sống ở vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình ở thành thị (8,5 kg so với 6,1 kg/người/tháng). Trong khi những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có tiêu thụ gạo nhiều hơn so với những hộ thuộc nhóm khá giả nhất, tương đương 9,0 kg so với 6,6 kg/người/tháng). Lý giải về điều này, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Tuấn từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói với Sputnik:
“Theo tôi, muốn đánh giá chính xác thì đòi hỏi nhiều yếu tố và cần phải sử dụng mô hình toán học, còn thống kê riêng rẽ thì chưa thể khẳng định chắc chắn được. Lượng gạo tiêu thụ giảm có thể do thói quen ăn uống thay đổi, lượng thịt tăng lên cũng thế”.
Cụ thể, theo khảo sát, lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, từ 1,8 kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3 kg/người/tháng năm 2020. Tiêu thụ trứng cũng tăng trong năm 2020. Khi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội, trứng là mặt hàng tiêu dùng được các hộ gia đình ưa chuộng sử dụng để bổ sung dinh dưỡng thay vì các loại khác.
Về rượu bia, lượng tiêu thụ có dấu hiệu tăng nhẹ, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Báo cáo chỉ ra rằng, lượng tiêu thụ mặt hàng này của nhóm hộ gia đình khá giả nhất cũng cao hơn so với nhóm hộ gia đình nghèo nhất (2,4 so với 1,3 lít/người/tháng).
Giải thích về tình trạng trên, ông Phạm Tuấn cho biết:
“Theo tôi, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người ta không chi tiêu cho du lịch được thì có thể chi tiêu thêm cho các mặt khác như ăn uống. Ví dụ, chi tiêu cho rượu bia hay thịt thì cũng không quá lớn. Kết quả khảo sát trên cũng cho thấy số lượng tăng của các loại mặt hàng này không quá lớn. Trong khi đó, nhu cầu đi lại, vui chơi giải trí bị hạn chế rất nhiều, nên khoản chi tiêu này gần như không có, hoặc giảm đi rất nhiều trong mỗi hộ gia đình. Hơn nữa, với quan niệm của người Việt, dịch bệnh thì cần tẩm bổ, nên ăn uống về thịt với trứng tăng là hợp lý”.
Cùng với đó, khảo sát cũng chỉ ra thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt trên 5,5 triệu đồng, cao gấp 1,6 lần khu vực nông thôn, ở mức gần 3,5 triệu đồng. Vì vậy, đây là vấn đề đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách quan tâm giải quyết.
Khảo sát trên được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm gần 47.000 hộ gia đình đại diện cho cả nước, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.