Trở về đời thường, tình cảm ấy vẫn sống mãi với thời gian khi các hoạt động thiết thực vì đồng đội, vì nhân dân được thực hiện mang theo hơi ấm của sự đùm bọc, sẻ chia.
Tuổi thanh xuân nơi chiến tuyến
Tháng 1 năm 1966, đồng chí Nguyễn Viết Vân, nay là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (Hội CCB) Phường Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội, lúc đó mới chỉ là chàng thanh niên trẻ hăng hái lên đường nhập ngũ. Thuộc Trung đoàn 251 Công binh, do nhanh nhẹn nên ông Vân được đào tạo làm trinh sát đặc công và điều chuyển về Tàu Không Số. Từ đó, cả tuổi trẻ của ông gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
“Năm 1968, tôi được phân công đi trinh sát ở Huế và tham gia chiến dịch Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tôi được rút về hậu cứ. Năm 1969 - 1970 tiếp tục tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào - Khe Sanh. Năm 1971 được tham gia đánh Xiêng Khoảng - Phu Cụt. Năm 1972 tôi quay về chiến trường Quảng Trị. Năm 1973 tôi được đi Báo cáo điển hình ngoài Bắc, cuối năm đó tôi lại nhận được lệnh điều vào chiến trường để chuẩn bị cho chiến dịch mùa Xuân năm 1975. Năm 1974 - 1975, tôi tiếp tục tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh và sau đó được điều ra Bắc học và báo cáo điển hình. Năm 1979 tôi được điều đi tham gia chiến dịch Campuchia và lại quay ra Bắc, cứ như thế cho đến năm 1987 thì tôi nghỉ chế độ. Tới năm 1991 lĩnh sổ hưu” - Người cựu chiến binh tâm sự với Sputnik.
Là một người lính Cụ Hồ vào sinh ra tử, trên người ông chi chít những vết thương. Những lúc trở trời, căn bệnh do phơi nhiễm chất độc màu da cam lại tái phát. Lúc ấy, đồng chí Nguyễn Viết Vân lại hồi tưởng về kỷ niệm khó quên trong cuộc đời.
“Một kỷ niệm mà làm tôi day dứt cho tới bây giờ, đó là lúc đi trinh sát cùng năm anh em đồng đội tại Huế và bị lộ. Tất cả mọi người đều thống nhất phương án mỗi người chạy theo một hướng khác nhau. Cương quyết khi bị bắt không khai bất cứ điều gì, chỉ khai là “thợ cắt tóc”. Bị lộ, tôi chạy đến một miệt vườn, cởi phăng áo và dùng sức bật của lính đặc công bật tường rải thủy tinh nhảy vào trong. Vào được bên trong mới phát hiện ra bốn bề xung quanh là tường hết, không có lối thoát. Sau khi định thần, tôi quyết định trốn vào “chuồng hôi” (nhà vệ sinh) được làm bằng tàu lá lừa. Bên ngoài, địch vẫn lùng sục ráo riết. Đột nhiên có một bà má đi ra ném bộ quần áo và nói “Mặc vô đi con”, dặn thủ tiêu quần áo cũ vào chuồng hôi. Riêng khẩu súng vẫn phải dắt ở bên hông, tôi đi theo bà má vào trong một cái buồng, bên ngoài chó sủa và địch vẫn đi lùng gắt gao. Tôi xác định chiến đấu đến cùng, kể cả hy sinh để không bị bắt. Bà má liền đẩy cô con gái vào trong phòng nói hai người đóng giả vợ chồng. Mấy phút sau địch ập tới, đạp cửa xông vào. Chúng tra hỏi bà má, má một mực khẳng định không có ai. Địch liền đạp tung cửa phòng ngủ, nhìn thấy chúng tôi thì chửi thề và bỏ đi. Vì chúng nghĩ bắt gặp vợ chồng ngủ ban ngày là rất xui. Rất may mắn tôi thoát trận đó. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ấy như mới ngày hôm qua” - Đồng chí Vân hồi tưởng.
“Tình quân dân như cá với nước” đã giúp đồng chí Nguyễn Viết Vân thoát chết trong gang tấc. Và tình đồng đội cũng vậy, dù chưa kịp nhìn mặt người đồng chí ấy một lần. Ông Nguyễn Viết Vân cho biết:
“Tôi theo xe tăng hành quân được đến sông Thạch Hãn, Quảng Trị khát nước quá rồi. Trời tối, tôi mò xuống sông uống nước. Nước tanh tanh, nhầy nhầy, khó chịu lắm nhưng khát quá vẫn phải uống. Khi uống xong tỉnh tỉnh thì định đứng dậy thì có một tiếng hô lên từ đằng sau “Muốn chết à?” và tôi thấy mình bị đẩy ngã xuống. Khi ngã xuống còn nghe thấy một tiếng la rất to và tiếng ngã xuống sông Thạch Hãn. Quay lại thì không đấy đồng chí ấy còn nữa, quờ tìm nhưng nước sông lúc đó chảy xiết. Sáng hôm sau, trước mắt tôi là dòng Thạch Hãn la liệt xác của các đồng đội và cả của quân địch. Muốn tìm người cứu mình cũng không biết là ai, ở đâu giữa những thi thể này”.
Trong ánh mắt người lính ấy là những thước phim bi tráng, hào hùng về một cuộc chiến giành lại độc lập cho dân tộc. Ông Vân bộc bạch:
“Nói đến Cựu chiến binh là phải nói tới tình cảm hết sức sâu lắng. Người ta sống với nhau bằng nghĩa tình và đùm bọc lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Trên chiến trường, chúng tôi sẵn sàng lấy thân mình che đạn cho nhau thì trong thời bình này, chúng tôi sẵn sàng sẻ cơm, sẻ áo cho nhau”.
Chỗ dựa vững chắc cho chính quyền, nhân dân
Về nghỉ chế độ từ năm 1991, trải qua rất nhiều nghề nhưng do di chứng chiến tranh cựu chiến binh Nguyễn Viết Vân được các đồng chí tại địa phương, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và Hội đồng Nhân dân tin tưởng mời làm việc tại Phường Kim Mã, quận Ba Đình cho tới bây giờ. Phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, người cựu chiến binh năm nào là người đi đầu trong công tác phòng chống tệ nạn ma túy tại khu vực. Ông Nguyễn Viết Vân chia sẻ với Sputnik:
“Địa điểm nóng nhất lúc bấy giờ là phố Thanh Bảo. Con phố có 700m thôi nhưng có tới 21 đối tượng buôn bán, sử dụng và tàng trữ ma túy. Người dân có câu “Vào mua ma túy Thanh Bảo dễ như mua mớ rau”. Chính vì vậy, lực lượng công an rất vất vả trong việc truy bắt và đẩy đuổi các đối tượng trên. Tôi cùng Hội Cựu chiến binh và lực lượng công an đã lập ra chốt kiểm soát tại Thanh Bảo. Sự việc đáng nhớ nhất vào năm 2004, xuất hiện hai đối tượng từ Quốc Oai đi tìm “Đồng chí Vân” là tôi để “xử lý”. Hai tay hai con dao chọc tiết lợn tiến vào chợ. Người dân hô hoán “Bác Vân! Chúng có dao đấy!” thì tôi quay lại, cởi phăng áo và xoắn lại, nói “Vân đây cơ mà!”. Lúc nhìn thấy thế, hai đối tượng chỉ thốt lên một câu “Ôi, lại lão này à?!” rồi tháo chạy. Người dân cũng rất ủng hộ mình. Người giả vờ rơi đòn gánh, người giả vờ rơi cái quang để các đối tượng vấp phải, tạo điều kiện cho chúng tôi đuổi bắt và giải về phường”.
“Khi tệ nạn tại khu vực trong sạch rồi, tôi lại nghĩ đến việc triệt tận gốc là làm thế nào để con người ta từ bỏ ma túy. Cứ 4h chiều hàng ngày, tôi cùng các cháu ngồi uống trà tâm sự. Tôi kể cho các cháu nghe những câu chuyện chiến đấu, các cháu tâm sự với tôi về cuộc sống. Trong câu chuyện, tôi hỏi các cháu hôm nay có dùng “tép” nào không thì nhận được câu trả lời quyết liệt là không. Thậm chí, có đối tượng yêu cầu tôi tới nhà xích tay lại để cai nghiện tại nhà. Tôi cũng phải tham vấn với bác sĩ để biết được quá trình cai nghiện như thế nào, phòng bị ra sao vì người cai nghiện có thể tự sát bất cứ lúc nào. Sau gần một tháng thành công với đối tượng đầu tiên, dần dần tới đối tượng thứ hai và nhân rộng”.
Bằng hành động cụ thể từ chính tấm lòng của mình, cựu chiến binh Nguyễn Viết Vân đã chứng minh rằng, bỏ ma túy rất khó nhưng không phải là không bỏ được. Các đối tượng bây giờ đều có công ăn việc làm đầy đủ, là trụ cột của gia đình và không tái nghiện.
Điều quan trọng nhất là tình người
Là hội viên Hội cựu chiến binh phường Kim Mã, ông Lê Mạnh Thành hiện sở hữu một cửa hàng in ấn xinh xắn nằm trên phố Quần Ngựa. Nhớ lại chặng đường chiến đấu đã đi qua, người thanh niên Hà Nội năm ấy kể lại với Sputnik:
“Tôi nhập ngũ mùa xuân năm 1975, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi đó là một người lính trẻ, hừng hực khí thế làm thế nào để tham gia giải phóng miền Nam. Thế hệ của chúng tôi sợ nhất là “đào ngũ” và là “con rùa rút đầu”. Mặc dù cuộc chiến khốc liệt với bom rơi đạn trút nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm ra đi vì Tổ quốc, vì đồng bào”.
Cũng trong quãng thời gian này, ông Lê Mạnh Thành gặp người bạn thân, người đồng đội chí cốt của mình. Hơn 40 năm, tình bạn, tình đồng chí ngày càng khăng khít.
“Điều quan trọng nhất là tình người. Đối với một con người trong lúc khó khăn là sự chia sẻ, đồng cảm, hỗ trợ và nâng đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần. Còn về mặt vật chất, trong điều kiện khi chúng tôi chuyển ngành thì không có nhiều. Thứ nhất cũng chỉ là đồng lương, chỉ khi chúng ta chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường thì lúc bấy giờ mới là phát triển vượt bậc. Trong quá trình phát triển vượt lên thì đôi lúc gặp khó khăn về tài chính. Những lúc đó tôi lại chia sẻ với những người bạn, đồng đội của mình, nếu có thể giúp tôi một ít. Đấy là những điều để lại cho chính bản thân chúng tôi một tình bạn khăng khít” - Ông Lê Mạnh Thành chia sẻ.
Theo ông Thành, điều quan trọng nhất của một con người là sự tổng hợp những gì mình đã đi qua. Tất cả bước đường đi qua của mình là những cột cây số hay còn gọi là những tấm gương. Ông Thành muốn thế hệ trẻ học tập, noi theo những tấm gương ấy.
“Chúng tôi, những cựu chiến binh, sử dụng kinh nghiệm của bản thân để nhắc nhở con cháu trong nhà mình trước tiên, sau đó là các cháu bên ngoài. Những người lính khi ở trong quân đội giữ được bản chất của người lính trong 10 lời thề, nhưng khi ra bên ngoài rồi giữ được bản chất của người lính Cụ Hồ. Toàn bộ hội viên Hội Cựu chiến binh đều như thế cả. Đặc biệt là lòng nhân ái, tính tự tôn dân tộc, giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ, phát triển kinh tế hộ gia đình và đất nước” - Ông Lê Mạnh Thành nhấn mạnh.
Mặc dù đất nước đang phải gồng mình chiến đấu với đại dịch COVID-19, nhưng những người lính cụ Hồ năm xưa càng thêm rạng rỡ niềm vui bởi tình đồng đội ngày càng thêm ấm áp. Những điều mà cựu chiến binh trên địa bàn thực hiện đã minh chứng cho tinh thần vượt khó và càng làm sáng lên tinh thần đoàn kết, nghĩa tình của các cựu chiến binh trên mặt trận kinh tế, góp phần khẳng định vai trò, vị trí những người lính Cụ Hồ trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.