Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao tại Trung Quốc: Việt Nam đúc kết 7 điều

© Ảnh : TTXVN - Trịnh Thị Ngọc AnhBộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh chung cùng với Bộ trưởng ngoại giao các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Lan Thương lần thứ 6. Ảnh:
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh chung cùng với Bộ trưởng ngoại giao các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Lan Thương lần thứ 6. Ảnh:  - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.06.2021
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 6 là những dấu mốc quan trọng tạo động lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc và cơ chế MLC phát triển hiệu quả hơn nữa trong tương lai. Đặc biệt, với 3 kết quả nổi bật và 4 nội dung sau.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) Việt Nam, có thể khẳng định, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 6 đã thành công tốt đẹp. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có những chia sẻ về kết quả Hội nghị, bao gồm 3 kết quả nổi bật và 4 nội dung ưu tiên thời gian tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.06.2021
Có gì đặc biệt trong hội nghị tại Trung Quốc với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn?

Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc được tổ chức ngày 7/6 tại Trùng Khánh (Trung Quốc) để kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc (1991-2021). Cùng dịp này, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 6 (MLC-6) được tổ chức ngày 8/6, đánh dấu 5 năm hình thành và phát triển của cơ chế hợp tác MLC.

Đây là các hội nghị trực tiếp đầu tiên ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao (BTNG) trong khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc và hợp tác Mekong-Lan Thương sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Việc tổ chức thành công các hội nghị trực tiếp này thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Trung Quốc trong vai trò nước chủ nhà, đồng thời cho thấy cam kết mạnh mẽ của các nước đối với các cơ chế hợp tác này.

Bên cạnh ý nghĩa kỷ niệm và mang tính dấu mốc, các Hội nghị này cũng là dịp để các BTNG rà soát, đánh giá hợp tác và trao đổi, đề xuất những định hướng nhằm phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện ASEAN-Trung Quốc và cơ chế MLC trong thời gian tới, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực.

Đúc kết 3 kết quả từ Hội nghị

Kết quả đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là các nước đều đề cao và khẳng định tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN-Trung Quốc đối với khu vực cũng như sự đóng góp của quan hệ này đối với sự phát triển của từng nước.

Thứ hai, phát huy những tiến triển tích cực và thành quả quan trọng đạt được trong 30 năm qua, các Bộ trưởng chia sẻ nhiều định hướng phát triển quan trọng cho quan hệ hai bên trong thời gian tới.

Theo đó, hai bên nhất trí dành ưu tiên cao tăng cường hợp tác kiểm soát COVID-19 và thúc đẩy phục hồi. Trung Quốc khẳng định tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực y tế ứng phó dịch bệnh, nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine, đồng thời đẩy mạnh cung cấp vaccine cho các nước ASEAN.

Cờ ASEAN - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.06.2021
Trung Quốc sẽ giúp ASEAN “giữ gìn thể diện” ở Myanmar?

Thứ ba, các Bộ trưởng trao đổi về một số vấn đề khu vực, đặc biệt là về Biển Đông và Myanmar. Hội nghị khẳng định duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có ở Biển Đông, là quan tâm và lợi ích chung của cả ASEAN và Trung Quốc.

Theo đó, các Bộ trưởng hoan nghênh Cuộc họp các Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về triển khai Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 19 diễn ra ngay trước thềm Hội nghị, cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nối lại tiến trình đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Trao đổi về tình hình Myanmar, Trung Quốc hoan nghênh kết quả của Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN ngày 24/4/2021 và ủng hộ vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.

Kết thúc Hội nghị, nước điều phối Philippines và Trung Quốc đã ra Tuyên bố Đồng Chủ tịch thông báo kết quả Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc. Hội nghị là dịp quan trọng để các nước khẳng định cam kết cùng hợp tác trong giải quyết các vấn đề cấp bách của khu vực, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội bền vững và bao trùm trước những thách thức chưa từng có hiện nay.

Tổng kết 4 nội dung ưu tiên

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu phát triển của các nước thành viên, tiềm năng và thế mạnh của cơ chế hợp tác, Hội nghị đã đề ra 4 nội dung ưu tiên cho thời gian tới gồm:

Một là, hợp tác nguồn nước và môi trường nhằm giải quyết các vấn đề lớn của khu vực như môi trường sinh thái sông Mekong, lũ lụt và hạn hán, biến đổi khí hậu. Các nước sẽ tiếp tục hợp tác trong chia sẻ thông tin và số liệu thủy văn, triển khai các nghiên cứu chung, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; thành lập trung tâm tri thức MLC về hạ tầng xanh, phát thải thấp và bền vững.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn. - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.06.2021
ASEAN - Trung Quốc bàn về Biển Đông và chiến lược hợp tác tương lai

Hai là, tăng cường hợp tác ứng phó dịch COVID-19, đặc biệt là trong bảo đảm nguồn cung thiết bị và vật liệu y tế cần thiết; sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine; thúc đẩy hợp tác y học cổ truyền.

Ba là, phục hồi kinh tế sau đại dịch thông qua thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa 5 nước Tiểu vùng sông Mê Công và Trung Quốc, phát triển kinh tế số, hợp tác nông nghiệp, du lịch, giáo dục, tăng cường kết nối khu vực; phối hợp xây dựng Vành đai phát triển kinh tế Mekong-Lan Thương và gắn kết với các hành lang kinh tế đã có tại khu vực.

Bốn là, khuyến khích hợp tác giữa chính quyền địa phương 5 nước Tiểu vùng sông Mekong và Trung Quốc để phát huy tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của các địa phương và nâng cao hiệu quả chung của MLC.

Những định hướng này đặt cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch hành động MLC trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. Có thể khẳng định, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 6 đã thành công tốt đẹp và là những dấu mốc quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc và cơ chế MLC phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong những năm tới đây.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала