Visa bị từ chối vì lý do người nộp đơn "không có khả năng học tập và làm việc". Phóng viên Sputnik đã liên lạc với Evgeny để tìm hiểu câu chuyện của anh ta.
Vào tháng 10 năm 2019, Evgeny Lyapin và vợ anh đã đến New Zealand để học đại học. Mọi thứ diễn ra tuyệt vời: vào tháng 3 năm 2020, anh bắt đầu học ngành quảng cáo tại Đại học Waikato, vợ anh học sinh học. Vào tháng 10 năm 2020, sau khi hoàn thành việc học, hai vợ chồng đã nộp đơn xin thị thực làm việc - cái gọi là "visa làm việc sau học tập". Bất kỳ ai đã học tập tại New Zealand trong ít nhất một năm đều có quyền nộp đơn xin thị thực như vậy. Sau đó, người nộp đơn sẽ nhận được thị thực làm việc loại mở trong một năm, hai hoặc ba năm, tùy thuộc vào trường đại học.
“Vợ tôi đã được cấp visa rất nhanh. Nhưng, các quan chức đã có những câu hỏi với tôi”, - Evgeny nói.
“Câu hỏi chính là sức khỏe của tôi. Tôi bị bệnh teo cơ tủy SMA (Spinal muscular atrophy). Tôi ngồi xe lăn từ khi còn nhỏ. Đây là đặc điểm của tôi. Tôi sử dụng xe lăn ngồi để di chuyển khắp thế giới. Tôi không gặp trở ngại và khó khăn nào khác: Tôi làm việc, học tập tốt, xây dựng mối quan hệ với cô gái, sang nước ngoài để học tập. Tình trạng sức khỏe của tôi rất ổn định”.
Tuy nhiên, các quan chức yêu cầu Evgeny nộp các tài liệu dự đoán diễn biến căn bệnh của anh trong thời gian 10 năm tới. Cần phải lưu ý rằng, yêu cầu này là không hợp lý bởi vì Evgeny đã nộp đơn xin visa với thời hạn chỉ hai năm.
Vì không còn sự lựa chọn nào khác, Evgeny đã liên hệ với các bác sĩ điều trị anh ở Nga. Họ đưa ra dự báo cho 5 năm tới: sức khỏe ổn định và sẽ không thay đổi. Họ giải thích thêm rằng, Evgeny Lyapin không cần phẫu thuật, thuốc hay điều trị đặc biệt, rằng anh ta có thể sống hoàn toàn độc lập, tự chủ. Và bác sĩ địa phương cũng đưa ra kết luận tương tự, ông không thấy lý do gì để từ chối visa.
“Tôi đã tải lên tất cả các tài liệu tham khảo, thư giới thiệu từ nhà tuyển dụng, lời chứng thực từ giáo viên và thư của một nghị sĩ Quốc hội New Zealand, trong đó ông nói rằng sẽ không công bằng nếu không cấp thị thực cho tôi”, - Evgeny nói tiếp.
Vào ngày 31 tháng 5, Sở Di Trú New Zealand đã đưa ra quyết định – hồ sơ của anh bị từ chối.
“Họ cho rằng, vì tôi bị SMA nên tôi không có khả năng học tập và làm việc. Nhưng, tôi đã học tập và đã làm việc!”
Theo các quy định về cung cấp thị thực cho phép người nước ngoài làm tại New Zealand được công bố trên trang web của sở di trú, người nộp đơn phải "khỏe mạnh" để xin thị thực làm việc. Quy định này của các nhà chức trách New Zealand có ý nghĩa như sau: "tình trạng của bạn không gây nguy hiểm cho người khác, chăm sóc y tế của bạn không phải tốn kém, bạn có khả năng làm việc và học tập".
“Quyết định này là vô lý và mang thói đạo đức giả, bởi vì trên trường quốc tế New Zealand liên tục nhấn mạnh các giá trị “hòa nhập”, sự bình đẳng là nền tảng của xã hội này”, - Evgeny chia sẻ với phóng viên Sputnik.
Gần đây, Evgeny được thông báo rằng, anh có 21 ngày để rời khỏi đất nước một cách hợp pháp, nếu không anh sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Bây giờ Evgeny, người dân Nga, đang chuẩn bị hồ sơ để xem xét lại vụ việc. Toàn bộ quá trình có thể mất đến vài tháng. Theo pháp luật, trong thời gian xem xét lại vụ việc, các nhà chức trách không có quyền trục xuất Evgeny, nhưng, trong thời gian này anh ta sẽ ở trong nước một cách bất hợp pháp.
“Tôi đã phát động phong trào xã hội để chứng tỏ rằng, các nhà chức trách New Zealand đang phớt lờ tình trạng thể chất của tôi, những thành tích và kỹ năng của tôi, chỉ vì tôi là người khuyết tật phải ngồi xe lăn. Tôi hy vọng rằng phản ứng của công chúng sẽ giúp ích cho tôi”, - Evgeny Lyapin kết luận.
Tình hình có vẻ kỳ lạ hơn bởi vì Evgeny đã tìm được một nhà tuyển dụng ở New Zealand, người sẵn sàng thuê anh ta và thậm chí đã viết một lá thư chứng tỏ điều đó.
Theo Cục Thống kê New Zealand, lượng di trú ròng trong năm đã giảm xuống còn 6.600 người sau khi có các hạn chế về biên giới để kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Để so sánh, một năm trước, số lượng nhập cư và di cư đã đạt mức đỉnh 91.900 người. Trước đó vài tuần, chính phủ New Zealand thông báo nước này có kế hoạch sửa đổi chính sách nhập cư, giảm tổng số người nhập cư sau khi mở cửa lại biên giới và trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch.