Mỗi đối tượng sẽ có đại diện QR riêng
Theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 vừa được phê duyệt, Việt Nam phấn đấu thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia, lọt vào nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử, chỉ số dữ liệu mở.
Trong đó, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, suốt cuộc đời, một cách dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có thể truy cập internet cáp quang băng rộng.
Đồng thời, người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Trạm y tế xã hoạt động trên môi trường số. Bệnh viện tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Bệnh viện công lập triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử. Giá thuốc, trang thiết bị y tế, khám chữa bệnh... được công khai.
Học sinh, sinh viên có hồ sơ số về học tập cá nhân. Cơ sở đào tạo quản lý dạy và học trên môi trường số; nộp học phí không dùng tiền mặt; dùng học liệu số. Nông dân có thể truy cập, khai thác hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp; truy xuất nguồn gốc; giảm phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng.
Người lao động có cơ hội tiếp cận việc làm và khóa học kỹ năng trực tuyến. Các tuyến đường bộ có hệ thống quản lý, điều hành thông minh. Toàn quốc triển khai thu phí điện tử không dừng; các làn thu phí bằng tiền mặt bị xóa bỏ. Việt Nam phấn đấu là nhóm ba nước có quy trình xuất nhập cảnh dễ dàng, nhanh chóng nhất Đông Nam Á.
Ngoài ra, các di sản cũng sẽ được số hóa. Tuy nhiên, để thực hiện những mục tiêu trên, chiến lược đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; phát triển dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.
Cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan các dịch vụ cơ bản, thiết yếu đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước sẽ được ưu tiên phát triển trước. Dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là trụ cột, cần hoàn thành, đưa vào khai thác sớm.
Các lĩnh vực quan trọng được ưu tiên xây dựng dữ liệu còn có: hạ tầng không gian địa lý; bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội; tài chính; căn cước; hộ tịch; giáo dục; đào tạo; cán bộ công chức, viên chức; nông nghiệp; lao động, việc làm; phương tiện giao thông, xây dựng, xuất nhập khẩu.
Người dân có đang được bảo vệ?
Có nhiều giả thiết đặt ra rằng nếu như tất cả thông tin về y tế, giấy tờ cá nhân đều được gói gọn trong một mã QR thì có gây nguy hiểm đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân hay không. Đồng thời, đối với những đối tượng người cao tuổi không sử dụng điện thoại thông minh thì phải truy cập thông tin hay mã QR này như thế nào?
Việt Nam phấn đấu vào nhóm 30 nước dẫn đầu về Chính phủ số, theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc vào năm 2030. Tuy nhiên thứ hạng này có quan trọng hơn so với dữ liệu cá nhân của mỗi người dân hay không?