Điều động nhân sự cấp cao chống dịch tại TP HCM
Tính đến ngày hôm nay 18/05, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 tại TP HCM đã bước sang ngày thứ 19 và cũng là ngày thứ 4 của đợt giãn cách thứ 2. Như vậy, chính quyền TP lớn nhất cả nước chỉ còn 10 ngày nữa để thực hiện quyết tâm khống chế dịch Covid-19, khi diễn biến vẫn còn rất phức tạp.
Theo ghi nhận sáng nay, TP HCM hiện có 1.257 ca Covid-19 phủ khắp 22/22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Những ngày trước đó đều ghi nhận, mỗi ngày TP có thêm khoảng 100 ca, thường xuyên cao nhất, nhì cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Trước diễn biến đó, chiều 16/6, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cắt cử Phó chủ tịch Dương Anh Đức tạm thời không làm những việc khác, chỉ tập trung công tác phòng, chống dịch. Trở về từ tâm dịch Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng tiếp tục vào TP.HCM làm Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ để hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết hiện nay, 7 doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN) ở TP có ca mắc Covid-19. Các UBND cấp phường và cấp quận có ca nhiễm đã tạm ngừng dịch vụ không cấp bách, ngừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, chỉ nhận hồ sơ trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM, cho biết TP sẽ thành lập khoảng 100 đoàn để kiểm tra tất cả nhà máy, DN hoạt động trong KCN. Đồng thời, TP HCM đã chuẩn bị phương án điều trị cho 5.000 bệnh nhân nhưng phải sẵn sàng trang thiết bị điều trị bệnh nhân thở máy, có diễn biến nặng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh TP HCM là đô thị lớn; chính quyền, người dân đã trải qua quá trình thực tiễn chống dịch. Vì vậy, các quyết định giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa phải trên tinh thần cố gắng gọn nhất có thể. Mục đích của việc giãn cách xã hội là để làm chậm tốc độ lây lan của dịch, xác định các ổ dịch, các nguồn lây, quy mô nhằm khoanh thật gọn, thật chặt, phấn đấu không để tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng.
TP HCM mở 1.000 điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19
Điều đặc biệt là ngày hôm qua, ngay khi 1 triệu liều vaccine do Chính phủ Nhật Bản trao tặng về đến Việt Nam đã khẩn cấp được chuyển vào TP HCM, hỗ trợ chống dịch và tiêm chủng diện rộng cho người dân. Liên quan đến việc TP vừa tiếp nhận 836.000 liều vắc xin của AstraZeneca, Phó chủ tịch TP Dương Anh Đức cho biết:
“TP.HCM đã họp, lên phương án xác định các đối tượng ưu tiên, kế hoạch tiêm; phấn đấu mục tiêu năng suất tiêm cho 200.000 người/ngày, dự kiến từ ngày 19/6; đồng thời tăng cường năng lực xét nghiệm lên 30.000 mẫu đơn/ngày”.
Tại buổi kiểm tra công tác bảo quản 836.000 liều vắc-xin Covid-19 vừa được vận chuyển đến kho lạnh của Viện Pasteur TP HCM vào chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết dự kiến trong 2 ngày tới, TP HCM sẽ mở 1.000 điểm tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói:
"Được sự phân phối của Chính phủ và Ban Chỉ đạo tiêm chủng Covid-19 quốc gia, trong đợt này Việt Nam nhập về 966.300 liều vắc-xin cho toàn quốc, trong đó 836.000 liều được vận chuyển cho TP HCM".
Bộ Y tế đã xây dựng hoàn tất kịch bản và trong 2 ngày tới sẽ hoàn thiện lại kịch bản để bàn bạc với lãnh đạo TP HCM cùng Ban Chỉ đạo TP để chuẩn bị sẵn sàng triển khai ở các điểm tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng lần này sẽ diễn ra trong khoảng 5-7 ngày. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết:
"Để thực hiện chiến dịch tiêm chủng này, không chỉ huy động lực lượng y tế ở TP HCM mà chúng tôi còn huy động cả lực lượng tuyến trung ương, bộ - ngành trên địa bàn TP. Một số bệnh viện quân đội, bệnh viện lực lượng công an, viện y học dự phòng quân đội cũng sẽ tham gia chiến dịch này".
Với nguyên tắc và tinh thần tiêm chủng nhanh trong chiến dịch nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những người tham gia tiêm chủng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết vắc-xin được tiêm trong đợt này là của AstraZeneca, thời hạn sử dụng còn tương đối dài, bảo đảm an toàn cho chiến dịch tiêm chủng của TP HCM. Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ:
"Hy vọng trong đợt tới, những tỉnh đang rất khó khăn trong đợt dịch này như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Tiền Giang… sẽ tiếp nhận được vaccine để ưu tiên đối với cả lực lượng sản xuất là công nhân nhằm bảo đảm an toàn trong sản xuất".
Cơ chế mua vaccine được "nới lòng"
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng thông tin về việc giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 trên địa bàn TP.HCM, cho thấy chủng gây bệnh vẫn là B.1.617.2, có nguồn gốc ở Ấn Độ, hay còn gọi là biến chủng Delta. Ngoài ra, ông nhận định thành phố có rất nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Điều này chứng tỏ mức độ lan rộng không chỉ tập trung ở một nguồn duy nhất, mà có thể từ nhiều nguồn khác nhau.
Trước tình hình dịch căng thẳng của thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định giải pháp hiện nay là tăng cường kiểm soát, xét nghiệm diện rộng với các chuỗi chưa xác định nguồn lây. Hiện tại, Chính phủ cho phép TP HCM chủ động đàm phán tìm nguồn vaccine.
Ngoài ra, phát biểu tại cuộc họp về kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho người dân thành phố, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng:
"Thành phố cần tính toán hợp lý, có kế hoạch lộ trình để dân biết, dân bàn".
Đồng thời, Chính phủ và Bộ Y tế đã mở cơ chế thuận lợi nhất có thể để các tỉnh thành cùng tham gia vào việc mua vaccine. Qua đó, Bộ Y tế đã cấp phép cho 36 doanh nghiệp đủ điều kiện để nhập khẩu vaccine về Việt Nam. Các doanh nghiệp sau khi đàm phán được với nhà cung cấp có thể liên hệ với Bộ Y tế hoặc 36 công ty trên để đưa vaccine về Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường giải thích vaccine là một mặt hàng đặc biệt, là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Do đó, chỉ doanh nghiệp nào đủ điều kiện mới được cấp phép nhập khẩu vaccine. Ông giải thích doanh nghiệp nhập vaccine về phải có kho lưu trữ và bảo quản đủ tiêu chuẩn, có cán bộ chuyên môn về lĩnh vực vaccine, có xe và thiết bị chuyên dụng để vận chuyển vaccine.
Đặc biệt, khi tổ chức tiêm cũng phải có nhân viên y tế được đào tạo, để sẵn sàng xử lý các vấn đề nếu có rủi ro xảy ra như sốc phản vệ, ông Cường nhấn mạnh:
“Tổ chức tiêm là vấn đề rất quan trọng. Nếu khi gây ra phản ứng phụ, phải có cán bộ chuyên môn cấp cứu kịp thời”.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, nộp hồ sơ tới Bộ Y tế sẽ được xem xét cấp phép, chứ con số không dừng lại ở 36 doanh nghiệp như hiện tại.
Vượt 1.000 ca bệnh - ngưỡng để thay đổi kịch bản
Nói về ngưỡng ca bệnh vượt 1.000, đòi hỏi TP HCM phải chuyển đổi sang kịch bản chống dịch khác. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, khi ghi nhận mốc 1.000 ca nhiễm thì ngành y tế phải chuẩn bị kịch bản cho tình huống 5.000 ca. Khi gần đến 5.000 ca lại phải chuẩn bị cho phương án 10.000 ca.
Theo ông Sơn, mọi phương án đã có, nếu trên 1.000 ca bệnh nhưng vẫn nằm trong khống chế thì không phải tăng mức độ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tùy vào tình hình thực tiễn sẽ đưa ra quyết định phù hợp nhất, vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển được kinh tế - xã hội.
Đồng quan điểm với Thử trưởng Sơn, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho biết, chính quyền TP chấp nhận hy sinh những lợi ích ngắn hạn của kinh tế để tập trung, quyết tâm khống chế dịch Covid-19. Do đó, toàn bộ hệ thống chính trị TP phải đặt quyết tâm cao nhất, đề ra những giải pháp thiết thực nhất để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, sớm đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới.
Không chỉ lực lượng Y tế, Chính trị cùng vào cuộc mà nhiều nhóm thiện nguyện, cá nhân ở TP HCM cũng đã chủ động đứng ra đóng góp bằng nhiều cách để hỗ trợ người nghèo, người lao động tự do vượt qua giai đoạn khó khăn. Rất nhiều hành động với tinh thần “tương thân tương ái” trong những ngày Thành phố Hồ Chí Minh đang cùng cả nước vượt qua đại dịch đã được lan tỏa khắp nơi.