Nhưng theo các nhà nhân khẩu học, trong 10 năm qua, số lượng công dân Việt Nam tới Nga ngày càng giảm, đặc biệt là ở vùng Viễn Đông của Nga, khu vực gần Việt Nam nhất. Vì sao có chuyện như vậy đang xảy ra?
Vùng Viễn Đông của Nga có tiềm năng to lớn
Các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã cố gắng lý giải câu hỏi này. Để làm điều đó, trong năm 2019 và đầu năm 2020, họ đã tiến hành một cuộc khảo sát nghiên cứu song phương. Về phía Nga, có sự tham gia của các nhà khoa học, giáo sư đại học, nhân viên các tổ chức nhà nước ở các vùng lãnh thổ và vùng Viễn Đông, cũng như các doanh nhân Việt Nam đã làm việc lâu năm tại khu vực này. Còn về phía Việt Nam, có các giáo sư, công chức, chuyên gia Việt Nam, những người học tập tại Nga.
Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Marina Khramova cho biết về điều này tại cuộc bàn tròn được tổ chức gần đây tại Viện Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga), về chủ đề kết quả Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò của Đảng Cộng sản trong xây dựng đất nước.
Tất cả các chuyên gia đều ghi nhận tiềm năng to lớn của vùng Viễn Đông Nga trong việc thu hút người nhập cư lao động và sinh viên từ Việt Nam. Sự gần gũi về mặt địa lý của vùng Viễn Đông với Việt Nam, truyền thống lịch sử hữu nghị giữa hai dân tộc, dân chúng vùng Viễn Đông có thái độ tốt đẹp đối với người Việt Nam là những lợi thế không thể chối cãi của khu vực này. Viễn Đông cần các dự án chung Nga-Việt và các khoản đầu tư trực tiếp từ Việt Nam. Và vẻ đẹp hùng vĩ của vùng này, bề dày truyền thống văn hóa lịch sử của Vladivostok và Khabarovsk, Ussuriisk và Nakhodka, Petropavlovsk-Kamchatsky và Yakutsk có thể hấp dẫn du khách Việt Nam. Cộng đồng người Việt ở các vùng và thành phố vùng Viễn Đông có thể giúp ích rất nhiều trong việc phát triển tương tác.
Ba trở ngại chính
Điều gì đang cản trở tiến độ hợp tác, tại sao người Việt Nam không sang làm việc tại vùng Viễn Đông của Nga? Bà Marina Khramova cho biết cuộc khảo sát chuyên gia đã xác định ba lý do chính.
“Nguyên nhân đầu tiên là mức lương không cạnh tranh. Theo các chuyên gia Việt Nam, khi đến Viễn Đông, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mong muốn nhận được mức lương trung bình 1.300 USD mà khu vực này không thể cung cấp cho họ. Vì vậy, người Việt Nam đi đến các vùng miền Trung Nga, đến Moskva và St. Petersburg. Nguyên nhân thứ hai là chính sách di cư cứng rắn của chính quyền Nga đối với người Việt Nam, vẫn thường coi di cư Việt Nam là mối đe dọa hơn là nguồn lực. Và trở ngại thứ ba là mức độ quan liêu hóa cao đối với việc doanh nghiệp Việt Nam gia nhập vào các khu vực của Nga”.
Đối với vấn đề di cư giáo dục, các chuyên gia lưu ý sự cần thiết phải tăng số lượng địa điểm được cấp ngân sách cho các chương trình đại học và sau đại học, tạo các chương trình bằng tiếng Anh, và quan trọng nhất là cải thiện việc quảng bá giáo dục Nga cho các thí sinh Việt Nam.
“Việc gia tăng lượng khách du lịch Việt Nam đến Nga bị cản trở bởi cơ sở hạ tầng kém phát triển, khó khăn trong việc xin thị thực, thiếu các chuyến bay thẳng thường xuyên tới các thành phố lớn của Nga, kể cả tới Viễn Đông, giá vé cao”, – bà Marina Khramova nói tiếp.
Tất cả những trở ngại này có thể được loại bỏ. Trong bối cảnh Nga có vấn đề về nhân khẩu học, cần phải ký thỏa thuận giữa Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc mời lao động Việt Nam, nhưng cần phải tạo ra một môi trường văn hóa dân tộc thoải mái cho những người đến Nga, các nhà khoa học nhấn mạnh. Chúng ta phải sử dụng người di cư Việt Nam để phát triển quan hệ thương mại và kinh tế với Việt Nam, cũng như ở các nước khác.
Việt Nam là đối tác địa chính trị của Nga, và chính sách di cư của nhà nước nên tương ứng với điều này.