Những sáp nhập trước đây của các Bộ, Ban, Ngành
Sau khi Trung ương cho ý kiến, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ hoàn thiện đề án để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/7. Liên quan đến cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới, Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đưa ra chủ trương nghiên cứu sắp xếp một số bộ ngành.
Cụ thể, Nghị quyết 18 nêu rõ việc tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới (2021 – 2026). Cụ thể như ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo.
Câu chuyện hợp nhất, sáp nhập những bộ ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp không phải bây giờ mới được đặt ra mà tùy thuộc vào mỗi giai đoạn lịch sử, bộ máy Chính phủ được sắp xếp cho phù hợp.
Trước đây đã từng có thời kỳ Chính phủ có 36 bộ ngành (giai đoạn 1992- 1997), sau đó qua nhiều cuộc sắp xếp, sáp nhập, bộ máy Chính phủ giữ ổn định 22 bộ ngành từ khóa XII (2007-2011) đến nay. Trong quá trình đó, bộ máy Chính phủ có 26 bộ, ngành. Giữa năm 2007, một số bộ ngành được sắp xếp, sáp nhập theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, giúp cho bộ máy Chính phủ giảm còn 22 bộ ngành.
Trong đó, Chính phủ từng sáp nhập Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương, Bộ Thủy sản nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Bộ Văn hóa – Thông tin tách ra thành 2 ngành, trong đó ngành văn hóa sáp nhập với Ủy ban Thể dục thể thao và Tổng cục Du lịch hình thành nên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; còn Cục Báo chí, Cục Xuất bản được sáp nhập vào Bộ Bưu chính Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, Chính phủ cũng giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và chuyển các chức năng của Ủy ban này sang các bộ có liên quan. Cụ thể, quản lý nhà nước về dân số được chuyển sang Bộ Y tế; quản lý nhà nước về gia đình chuyển sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quản lý nhà nước về trẻ em sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Khắc phục tình trạng "Bộ trong Bộ"
Sau cuộc sắp xếp được nêu trên, bộ máy Chính phủ còn 18 bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công Thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường. Cùng với 4 cơ quan ngang bộ: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc.
Đồng thời, hiện Chính phủ có 28 thành viên gồm: Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng 5 Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình (thường trực), Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành và 22 bộ trưởng, trưởng ngành.
Theo đánh giá của Chính phủ, mặc dù bộ máy hiện nay đã tinh gọn hơn tuy nhiên, bộ máy bên trong bộ, ngành còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân, làm cho tình trạng “bộ trong bộ” vốn là hạn chế chưa khắc phục được của việc sáp nhập các bộ, cơ quan từ giai đoạn trước càng nặng nề thêm. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất.
Điều này thể hiện qua số liệu thống kê của Bộ Nội vụ so sánh giai đoạn 2001 - 2010 và 2011 - 2020 cho thấy, số lượng tổng cục tăng từ 27 lên 31, số vụ thuộc tổng cục cũng tăng lên 40 đơn vị, số cục thuộc tổng cục tăng 89, số cục và tương đương thuộc bộ tăng 28 đơn vị.
Một số bộ ngành sẽ được sắp xếp lại như thế nào?
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động; chưa khắc phục được một cách triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải phối hợp, họp nhiều, quy trình xử lý công việc chậm.
Chính vì vậy việc sắp xếp bộ máy Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả tiếp tục là câu chuyện được đặt ra trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 như Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa XII đã nêu. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ.
Theo đó, bộ máy Chính phủ cần tiếp tục thực hiện nhất quán và nâng cao hiệu quả mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, điều chỉnh hợp lý ngành, lĩnh vực quản lý giữa các bộ; nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
Vấn đề này đã được các chuyên gia về tổ chức bộ máy nghiên cứu trong năm 2020 theo hướng rút gọn 22 bộ ngành xuống còn 20 bộ ngành bằng việc hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Tài chính – Kế hoạch đầu tư; Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.
Giải thích công tác sắp xếp lại các bộ máy
Lý do hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là vì hai bộ này có nhiều liên quan cả về chức năng, nhiệm vụ, trong lĩnh vực vốn tài chính, việc cấp vốn đầu tư công và quản lý vốn đầu tư công; cả về lĩnh vực hoạt động liên quan đến các dự án đầu tư, cấp vốn đầu tư và quản lý vốn đầu tư… Việc hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tuân thủ nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, vừa khắc phục được các chồng chéo về chức năng và hoạt động, đảm bảo sự liên thông giữa các yếu tố: tài chính và đầu tư, vừa tinh gọn được bộ máy.
Đối với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng đều là những bộ liên quan trực tiếp đến cơ sở hạ tầng, đều gắn liền với quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật của kinh tế xã hội. Hơn nữa nhu cầu hoạt động của hai bộ máy đều phụ thuộc lẫn nhau đòi hỏi một sự quản lý thống nhất và đồng bộ, giữa quản lý phát triển giao thông và phát triển xây dựng.
Tính chất liên ngành của giao thông và xây dựng đòi hỏi phải đồng bộ trong chính sách đầu tư và phát triển cả về giao thông và xây dựng do vậy cần thống nhất đầu mối trong xây dựng và đề xuất chính sách phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo thực hiện thành công một trong 3 đột phá chiến lược là phát triển hạ tầng kỹ thuật như các nghị quyết của Đảng đã xác định.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển đào tạo về Bộ Khoa học công nghệ và đổi tên Bộ Khoa học công nghệ thành Bộ Khoa học công nghệ và Đào tạo. Đồng thời, điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học – công nghệ và đào tạo.
Đồng thời, tách phần du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhập vào Bộ Công thương thành Bộ Công Thương và Du lịch. Chuyển quản lý nhà nước về công tác thanh niên từ Bộ Nội vụ sang Bộ Văn hóa thể thao thành Bộ Bộ Văn hóa – Thể thao và Thanh niên.