Các chuyên gia Trung Quốc và Mỹ năm 2015 ở tỉnh Cam Túc đã tìm thấy xương của một con tê giác lớn bằng 6 con voi. Dựa trên kết quả nghiên cứu và phân tích mẫu hóa thạch, các chuyên gia kết luận rằng bộ xương được tìm thấy là của một hậu duệ khổng lồ của loài tê giác sống trên Trái đất cách đây 26 triệu năm. Các nhà khoa học lưu ý rằng thông thường các hóa thạch bị vỡ thành nhiều mảnh, nhưng lần này họ tìm thấy một hộp sọ còn nguyên không bị hư hại.
Loài tê giác cổ đại khổng lồ
Như kênh truyền hình "360" cho biết, đại diện của loài Paraceratherium linxiaense nặng gần 24 tấn, con vật cao bảy mét, chiều dài cơ thể gần tám mét. Đặc điểm nổi bật của loài này là hộp sọ mỏng và rất dễ vỡ, mũi ngắn, cổ dài và to khỏe, hốc mũi sâu hơn. Theo các chuyên gia, bề ngoài con tê giác này giống như một con heo vòi khổng lồ nhiều lông. Con vật ăn các loại cây thân mềm, cây bụi và lá cây.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng loài này có họ hàng với loài tê giác khổng lồ từng sống ở Pakistan. Điều này cho thấy rằng loài động vật có vú đó đã đi qua khu vực Tây Tạng, từ đó nó có thể đã đến tiểu lục địa Ấn Độ-Pakistan, nơi phát hiện các mẫu tê giác khổng lồ khác.
Các chuyên gia cho rằng phát hiện này sẽ giúp xác định quá trình hình thành của cao nguyên Tây Tạng - cao nguyên lớn nhất về diện tích và là cao nguyên cao nhất trên thế giới.
Tê giác khổng lồ là một trong những loài động vật biểu tượng của Kỷ Băng hà. Động vật thuộc loài này đã tuyệt chủng do biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Nguồn gốc của những con tê giác nói trên vẫn chưa được xác định.