Việt Nam bỏ phiếu thuận ủng hộ Nghị quyết
Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23/6 đã thông qua Nghị quyết kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba với kết quả 184 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng.
Trong đó, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận và lên tiếng kêu gọi Chính phủ Mỹ đảo ngược xu hướng chính sách hiện nay đối với Cuba, không chỉ vì lợi ích của nhân dân hai nước mà còn vì hòa bình, ổn định và phát triển khu vực và thế giới. Nghị quyết (A/RES/75/290) được Cuba đề xuất từ năm 1992 và được Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu thông qua hàng năm với số phiếu thuận áp đảo.
Tại buổi họp ngày 23/6, có hơn 20 nước, trong đó có đại diện 6 nhóm nước gồm châu Phi, Cộng đồng Caribbe, ASEAN, Nhóm G77+Trung Quốc, Phong trào Không liên kết và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã phát biểu bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Nghị quyết. Các nước bày tỏ quan ngại trước những tác động bất lợi của các biện pháp cưỡng chế đơn phương đối với Cuba, gây khó khăn và thách thức đối với sự phát triển của Cuba trên toàn bộ các lĩnh vực.
Các nước nhấn mạnh Mỹ cần dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba và cam kết tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc, mục đích và tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
Mỹ đang hành động đi ngược với luật pháp quốc tế
Phát biểu trước Đại hội đồng, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý nhấn mạnh lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba đi ngược lại luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Đây là hệ thống trừng phạt đơn phương bất công và kéo dài nhất từng được áp dụng đối với một quốc gia trong lịch sử thế giới hiện đại.
Lệnh cấm vận đã gây ra những thiệt hại to lớn cho Cuba, khiến nhiều thế hệ người dân Cuba gặp muôn vàn khó khăn. Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận đơn phương đối với Cuba, để Cuba được tự do tham gia bình đẳng và công bằng vào các quan hệ kinh tế, thương mại, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đại sứ cũng đánh giá cao mong muốn của Cuba tiếp tục đối thoại và hợp tác với Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, cũng như đàm phán các vấn đề song phương còn tồn tại trên cơ sở bình đẳng, có đi có lại và tôn trọng chủ quyền quốc gia và độc lập của nhau. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc có ý nghĩa chính trị nhưng chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế vốn áp đặt đối với Cuba trong hơn 50 năm qua.