Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt kế hoạch bán các máy bay chiến đấu F-16, cũng như các tên lửa Sidewinder và Harpoon cho Philippines. Lầu Năm Góc đã thông báo về điều đó vào ngày 24 tháng 6. Tuy nhiên, hai bên vẫn cần đàm phán để đi đến ký thỏa thuận.
Philippines hoãn hủy bỏ thỏa thuận quan trọng với quân đội Mỹ
Cử chỉ "thiện chí" này đã được thực hiện ngay sau khi Tổng thống Philippines vào tuần trước cho biết rằng, việc đình chỉ sẽ kéo dài thêm 6 tháng. Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) được ký kết vào năm 1998 vẫn là chìa khóa để thực hiện Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau năm 1951. Vào tháng 2 năm 2020, Manila đã thông báo với phía Mỹ về việc sẽ chấm dứt Thỏa thuận VFA. Văn kiện dự kiến sẽ hết hạn hiệu lực vào tháng 8 năm nay. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ủng hộ quyết định của Tổng thống Rodrigo Duterte về việc đình chỉ sẽ kéo dài thêm 6 tháng. Ông nói thêm rằng, một khoảng thời gian bổ sung sẽ giúp Tổng thống Rodrigo Duterte xem xét các tình tiết của thỏa thuận này và “đi đến một quyết định sáng suốt về vấn đề này”.
Rõ ràng là thời gian gần đây Lầu Năm Góc không chỉ giám sát thụ động. Việc chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng cung cấp các quy định cho việc luân chuyển hàng nghìn binh sĩ Mỹ tại Philippines có thể làm giảm đáng kể ảnh hưởng mạnh mẽ của quân đội Mỹ tại quốc gia này. Hoa Kỳ không thể cho phép điều này xảy ra vì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược quân sự của họ, trong bối cảnh đối đầu quân sự-chính trị với Trung Quốc ngày càng gia tăng trong khu vực. Do đó quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt kế hoạch bán các máy bay chiến đấu đa năng và tên lửa hành trình cho Philippines trong khi chưa có báo cáo chính thức về việc hoàn tất đàm phán mua bán vũ khí rất giống một biện pháp ngăn chặn. Bước đi này của Mỹ có thể được giải thích bởi việc họ muốn duy trì vị thế đối tác ưu tiên hàng đầu của Manila trong lĩnh vực an ninh, đồng thời muốn tạo điều kiện để duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực và gây áp lực lên Trung Quốc.
Hoa Kỳ dự định cung cấp cho Philippines 12 máy bay chiến đấu F-16 Block 70/72 hai phiên bản cải tiến, đi kèm phụ tùng và huấn luyện trị giá 2,43 tỷ USD. Ngoài ra, có kế hoạch bán hai gói hệ thống tên lửa cho nước đồng minh. Gói thứ nhất là 12 tên lửa phóng từ trên không Harpoon Block II, 2 tên lửa huấn luyện, phụ tùng và thiết bị do Boeing sản xuất có giá trị 120 triệu USD. Một gói khác là 24 tên lửa chiến thuật AIM-9X Sidewinder Block II, 24 tên lửa huấn luyện, phụ tùng do Raytheon sản xuất và có giá trị đến 42,4 triệu USD.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Daria Panarina, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương, Viện Nghiên cứu Phương Đông, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lưu ý rằng, Hoa Kỳ và Philippines đã sẵn sàng hợp tác, nhưng hai bên có thể không thực hiện các hợp đồng mua bán vũ khí:
"Philippines và Mỹ phát ra tín hiệu cho thấy cả hai bên đều sẵn sàng hợp tác. Ông Duterte đã đình chỉ quyết định hủy bỏ một thỏa thuận quan trọng về sự hiện diện của quân đội Mỹ. Về phần mình Mỹ tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ vũ khí cho Philippines. Liệu những thỏa thuận này cuối cùng có thành hiện thực hay không, chúng ta phải chờ xem, vì Hoa Kỳ có thể thay đổi kế hoạch của mình. Nhưng, có một điều rõ ràng - bất kỳ hành động nào của Mỹ trong lĩnh vực này không phải là một chính sách trong quan hệ với Philippines với tư cách là một đồng minh trong khu vực, mà là một cơ hội để kiềm chế Trung Quốc. Hoa Kỳ hỗ trợ Philippines về mặt quốc phòng chủ yếu để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong năm qua, có nhiều báo cáo về việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự trong khu vực, kể cả ở Biển Đông, vi phạm chủ quyền của Philippines. Đây không phải là một mối đe dọa quân sự trực tiếp, nhưng, hành động này thể hiện khả năng của Trung Quốc. Hoa Kỳ không muốn để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng, bao gồm cả ảnh hưởng quân sự ở Đông Nam Á. Điều này thật nguy hiểm cho chiến lược của họ".
Nhiều khả năng, Hoa Kỳ sẽ sử dụng lời hứa bán máy bay chiến đấu đa năng và tên lửa hành trình để giới tinh hoa quân sự Philippines trung thành hơn với Mỹ. Cũng có thể để gây ra sự bất đồng về chính sách đối với Trung Quốc giữa Tổng thống và một phần quân đội. Mỹ đã có những nỗ lực như vậy. Ví dụ, vào tháng Tư, trên các mạng xã hội đã lan truyền tin đồn về sự tồn tại của một nhóm bao gồm các sĩ quan quân đội và sĩ quan đã nghỉ hưu, theo nhiều nguồn tin khác nhau, từ 300 đến 400 người được cho là từ chối ủng hộ Tổng thống. Cốt lõi của sự tranh chấp là chủ nghĩa thực dụng của ông Duterte trong tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông.
Ai tham gia chiến dịch chống tổng thống?
Theo tin đồn, trong số những người tổ chức chiến dịch chống Tổng thống thậm chí còn bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana và Tướng Cirilito Sobejana là Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines (AFP). Họ buộc phải bác bỏ những cáo buộc này là sai sự thật. Bộ trưởng gọi tin đồn này là "tuyên truyền vô trách nhiệm", một hành động kích động của những kẻ xấu”. Tướng Cirilito Sobejana nhấn mạnh, những tin đồn chỉ nhằm mục đích "kích động sự hoảng loạn". Vị tướng khuyên công chúng nên bình tĩnh và loại bỏ những tin đồn như vậy.
Tại sao Hoa Kỳ muốn thiết lập quan hệ chặt chẽ với quân đội Philippines?
Dù vậy, tin đồn đã gây ra tiếng vang lớn. Các chuyên gia có đủ cơ sở để rút ra kết luận rằng, có chú ý đến mối quan hệ chặt chẽ của Hoa Kỳ với quân đội Philippines, những sĩ quan đã đóng vai trò chính trong chiến dịch này. Chính Hoa Kỳ có thể đứng đằng sau “tối hậu thư” đối với Tổng thống - công khai lên án hoạt động của các tàu cá Trung Quốc gần lãnh hải của Philippines.
"Hoa Kỳ muốn đặt nền tảng cho mối quan hệ tốt đẹp với tổng thống tương lai. Báo chí Philippines đưa ra kịch bản: trên thực tế, ông Duterte sẽ không rời bỏ chính trường. Về mặt hình thức, theo Hiến pháp Philippines, ông ta không thể tái ứng cử Tổng thống Philippines. Trong khi đó, gần đây, báo chí địa phương ghi nhận khả năng cao là ông Duterte sẽ làm theo kịch bản mà ông đã từng thực hiện với con gái mình. Ông lên làm tổng thống từ chức thống đốc Davao, và để lại chức vụ cho con gái. Sarah Duterte-Carpio tuyên bố rằng, cô ấy không tranh cử tổng thống, nhưng khả năng cao là cô ấy sẽ tham gia vào chiến dịch tranh cử, vì trong trường hợp này cô ấy có cơ hội rất tốt để đảm nhiệm chức vụ tổng thống. Cha Duterte sẽ trở thành phó tổng thống, có nghĩa là trên thực tế sẽ giữ nguyên chức vụ tổng thống và sẽ tiếp tục chính sách của mình đối với Trung Quốc. Hoa Kỳ tính đến tất cả điều này. Nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực, thì Hoa Kỳ phải chấp nhận điều đó. Họ có thể không đồng ý với một số việc làm của tổng thống trong nội bộ Philippines, nhưng họ cần phải duy trì sự hiện diện của mình trong khu vực. Hoặc, nếu một nhân vật khác lên nắm quyền, thì cần phải xây dựng mối quan hệ với người đó. Trong trường hợp này thỏa thuận bán vũ khí sẽ rất hữu ích".