Ngoại hình tưởng như khác lạ của Ngô Thúy Quỳnh trở thành “thỏi nam châm” thu hút sự chú ý của các nhiếp ảnh gia và chuyên gia phát hiện người mẫu. Vượt qua mọi mặc cảm, Quỳnh ngày càng khẳng định mình, tạo nên chuẩn mực riêng của vẻ đẹp khác biệt trên con đường người mẫu.
Ngày Quốc tế nâng cao nhận thức về bệnh Bạch tạng (26/6), mời quý vị và các bạn cùng Sputnik trò chuyện với Ngô Thúy Quỳnh, người mẫu bạch tạng đầu tiên tại Việt Nam.
Sputnik: Chào Thúy Quỳnh, rất vui vì bạn nhận lời phỏng vấn của Sputnik. Là người mắc bệnh bạch tạng, khoảnh khắc bạn nhận ra mình khác với mọi người xung quanh là khi nào?
Ngô Thúy Quỳnh: Mình nghĩ đó là khi mình học lớp 7. Trước đây mình từng hay tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường nhưng đến năm đó mình bắt đầu không tham gia nữa. Mình bắt đầu để ý đến việc liệu rằng màu tóc, ngoại hình khác biệt của mình có ảnh hưởng gì đến đội hình chung hay không, liệu có phải mình đang làm ảnh hưởng đến mọi người nhưng vì sợ mình buồn nên không ai nói gì với mình hay không.
Sputnik: Liệu bạn có bao giờ cố gắng che giấu việc bạn bị bạch tạng? Mọi người có sợ bạn vì vẻ ngoài khác biệt không?
Ngô Thúy Quỳnh: Mình chưa từng cố gắng che dấu việc mình bị bệnh vì mình nghĩ nó không phải là một thứ xấu hổ hay một thứ cần phải che dấu. Mình chấp nhận nó và cố gắng sống vui vẻ cùng với nó. Mình cũng không biết có ai từng sợ hay e dè mình vì vẻ ngoài của mình không nhưng mình mong là không. Vì mình không đáng sợ tí nào đâu!
Sputnik: Vậy câu hỏi ngớ ngẩn nhất về bạch tạng mà bạn từng nhận được là gì?
Ngô Thúy Quỳnh: Mình sẽ nói về câu hỏi buồn cười nhất mà mình nhận được đó là “Bạch tạng có lây không?”.
Sputnik: Bạn có thể cho biết “điểm cộng” và “điểm trừ” của việc mắc bệnh bạch tạng là gì? Bạn đã tận dụng sự khác biệt của bạn như thế nào?
Ngô Thúy Quỳnh: Đối với mình nhược điểm lớn nhất của căn bệnh này có lẽ là đôi mắt, thường thì mắt của người bạch tạng sẽ khá yếu so với mắt của những người bình thường nên trong cuộc sống, học tập thường ngày sẽ gặp đôi chút khó khăn. Đặc biệt là khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì không chỉ mắt mà cảm giác bị rát da cũng khiến mình cực kì khó chịu.
Còn về “điểm cộng” của căn bệnh này với bản thân mình đó là mái tóc. Mình cực kì thích màu tóc tự nhiên của mình, đã từng có bạn hỏi mình cậu nhuộm kiểu gì mà ra được màu tóc như này vậy. Mình thực sự cảm thấy khá may mắn về việc không cần tẩy tóc mà vẫn có màu tóc bạch kim và có thể dễ dàng nhuộm sang những màu khác nữa chứ. Ngoài ra cũng nhờ ngoại hình khác biệt của mình nên thường đi đâu mình cũng sẽ hay được để ý đầu tiên. Mình nhớ có một giáo viên từng bảo với mình rằng “Em là một người đặc biệt. Cô nghĩ em cũng phần nào hiểu được sự đặc biệt của em với những người khác, là người mà trong 100 người chắc chắn người ta sẽ nhìn vào em đầu tiên. Đấy sẽ là một lợi thế nếu em biết tận dụng nó. Và việc để từ cái nhìn ấn tượng đầu tiên đấy cho đến 2 lựa chọn: hoặc người ta sẽ phải trầm trồ khi tiếp tục tiếp xúc và khám phá em, hoặc người ta sẽ bảo à hóa ra cô gái này cũng như những khác mà thôi - sẽ là do em quyết định hết”.
Hiện nay cũng phần nào nhờ sự khác biệt của bản thân mà mình đang làm công việc hiện tại, được quen nhiều người bạn mới hơn, biết thêm nhiều điều, trải nghiệm những thứ mà trước đây mình chưa từng làm.
Sputnik: Kể từ khi trở nên nổi tiếng bởi vẻ ngoài khác biệt, bạn cảm thấy như thế nào? Điều gì khiến bạn quyết định chụp bộ ảnh đầu tiên?
Ngô Thúy Quỳnh: Mình cũng không chắc mình có thể được coi là nổi tiếng không, chỉ là mình được quen với nhiều người hơn, được nhiều người biết đến hơn một chút. Mình thấy vui vì nhận được tin nhắn các bạn nói rằng sau khi biết đến câu chuyện của mình mọi người cảm thấy được truyền cảm hứng và phần nào cảm thấy tự tin hơn.
Sputnik: Vậy bạn có bao giờ bị thu hút bởi một người bạch tạng không?
Ngô Thúy Quỳnh: Mình chưa từng có cơ hội gặp người bạch tạng nào ở ngoài nhưng mình có xem Instagram của một số bạn người mẫu bạch tạng nước ngoài, thật sự rất xinh đẹp.
Sputnik: Tình trạng của bạn có ngăn cản bạn làm những việc mà người khác có thể làm không?
Ngô Thúy Quỳnh: Mình nghĩ là có. Nhưng mình vẫn cố gắng khắc phục những việc có thể khắc phục được, còn những việc không thể thì mình đành chịu thôi. Ví dụ có những công việc yêu cầu sức khỏe, thị lực tốt thì mình cũng không thể làm gì được. Nhưng nếu như đi ra ngoài mình nhìn xa không được chẳng hạn, mình có thể dùng điện thoại zoom gần, đi học mà không nhìn được trên bảng thì có thể mượn vở bạn chép lại bài sau. Nếu ra ngoài thì bôi kem chống nắng, mặc áo chống nắng đầy đủ và hạn chế ra ngoài nhất có thể khi trời nắng.
Sputnik: Bạch tạng là bệnh di truyền, bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu con cái của bạn thừa hưởng gen đó từ bạn?
Ngô Thúy Quỳnh: Nói thật lòng thì mình không mong muốn con của mình thừa hưởng gen này của mình đâu. Nhưng nếu con có thừa hưởng gen này từ mình thì mình sẽ bên cạnh giúp con khắc phục phần nào vì dù sao mình cũng là người từng trải qua rồi mà.
Sputnik: Bạn có nhắn nhủ gì đến những người giống như bạn không?
Ngô Thúy Quỳnh: Mình mong rằng tất cả mọi người sẽ thật khỏe mạnh và tự tin. Khác biệt không có nghĩa là xấu, mình tin chỉ cần tự tin vào bản thân có nghĩa là bạn đã thật sự xinh đẹp rồi. Hãy xinh đẹp và tự tin theo cách của riêng bạn nhé!
Sputnik: Cảm ơn Thúy Quỳnh đã chia sẻ! Chúc bạn có nhiều sức khỏe và thành công trong tương lai!