Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam
Tính từ 18h30 ngày 28/6 đến 6h ngày 29/6 có 95 ca mắc mới (BN16042-16136), bao gồm:
Tại TP. Hồ Chí Minh (58), Phú Yên (18), Long An (8), Bắc Giang (4), Hà Tĩnh (3), Nghệ An (2), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1); trong đó 89 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 6h ngày 29/6, số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 12.788 ca, trong đó có 3.745 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 13 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ.
Có 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, An Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đắk Lắk.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.998.885 xét nghiệm cho 7.044.133 lượt người.
TP HCM thí điểm cách ly F1 tại nhà
Sáng 27/6, Bộ Y tế đã gửi công văn tới TP.HCM kèm hướng dẫn điều kiện cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19. Theo hướng dẫn do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, F1 được cách ly tại nhà nhưng phải đảm bảo là nhà riêng lẻ (biệt thự, liền kề và nhà ở độc lập). Trước cửa nhà, chủ hộ phải treo biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng:
“Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19".
Hướng dẫn được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 rất phức tạp, xuất hiện các chủng SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng với số lượng người tiếp xúc gần (F1) lớn, gây quá tải cho cơ sở cách ly y tế tập trung.
Nơi cách ly phải đảm bảo là nhà riêng lẻ gồm biệt thự, liền kề và nhà ở độc lập. Điều này đồng nghĩa với việc các khu nhà chung cư sẽ không đủ điều kiện cho F1 cách ly.
Đồng thời, nơi cách ly F1 phải là nhà phải có phòng cách ly riêng, khép kín, đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu có nhiều tầng, F1 sử dụng một tầng riêng biệt để cách ly.
Theo Bộ Y tế, nơi cách ly F1 không được dùng điều hòa trung tâm, đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ.
Khi cách ly tại nhà, F1 phải chấp hành nghiêm các quy định, có cam kết với chính quyền địa phương, không ra khỏi phòng trong thời gian cách ly cũng như tiếp xúc với người khác, bao gồm gia đình.
Họ phải được bố trí suất ăn riêng, khai báo y tế hàng ngày, tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe. Đặc biệt, khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở, F1 cập nhật ngay trên ứng dụng và báo cho cán bộ y tế.
Tại nhà, F1 tuyệt đối không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân với người khác, đựng rác thải riêng và xử lý cẩn thận.
Họ cũng được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly. Sau khi hết thời gian cách ly, F1 tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.
Người ở cùng nhà với F1 phải ký cam kết
Bộ Y tế cũng có hướng dẫn cụ thể với người ở cùng nhà với F1. Họ cần ký cam kết với chính quyền địa phương, không tiếp xúc người xung quanh. Theo khuyến cáo, họ không nên đi ra ngoài khi không cần thiết và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà.
Trường hợp F1 là trẻ em hoặc người già yếu, có bệnh nền cần người chăm sóc, hỗ trợ, chính quyền có thể cho phép bố trí người chăm sóc, hỗ trợ cách ly cùng và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
Bộ Y tế đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND cấp xã, phường chỉ cho phép thực hiện cách ly tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn; tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm; giám sát y tế đối với người cách ly; thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố hoặc đơn vị được chỉ định tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 cho người cách ly.
Lý do F1 ở TP HCM không được cách ly tại chung cư
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng việc F1 cách ly tại chung cư có thể dẫn đến một số rủi ro lớn hơn so với nhà riêng biệt.
“Khác với các khu dân cư dưới mặt đất, người dân ở trong chung cư thường xuyên gặp gỡ và đi lại trong hành lang, thang máy. Nếu việc quản lý xảy ra sai sót, các F1 ra ngoài có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm virus cho cả tòa nhà”, ông Nga giải thích.
Cùng quan điểm, PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đồng ý rằng đặc thù của các tòa chung cư là sử dụng thang máy, hành lang, đường đi chung. Số lượng người đông đúc sống trong cùng tòa nhà sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan virus nghiêm trọng.
Trong khi đó, với biệt thự hay nhà độc lập, người dân sẽ đi lại bằng cửa, cổng riêng. Theo PGS Nga, một nguy cơ khác là nhiều người có thể thuê chung một căn hộ để cách ly. Việc làm này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý, kiểm soát cũng như theo dõi sức khỏe cho F1.
Ngoài ra, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng cho rằng lo ngại còn đến từ đặc tính của biến chủng virus cùng khoảng cách giữa các căn hộ chung cư.
"Tại chung cư, các căn hộ thường được thiết kế có cửa sổ, ban công thông với nhau. Trong khi đó biến chủng Delta của SARS-CoV-2 lại có tính chất lây lan trong không khí. Sự kết hợp của 2 yếu tố này có thể là lý do khiến việc cách ly F1 tại chung cư thiếu an toàn", ông Nhung nói.
Vị chuyên gia này cũng lo ngại khi một số chung cư hiện sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm. PGS Nhung giải thích:
"Khi virus tồn tại và lây lan qua đường không khí, việc sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm có thể khiến người dân ở những khu vực xung quanh căn hộ có F1 cách ly mắc bệnh".