Bộ Y tế gửi văn bản hướng dẫn cách ly F1 tại nhà
Các tỉnh, thành phố có thêm bệnh nhân mới là TP HCM (158), Tiền Giang (16), Phú Yên (8), Hưng Yên (6), Vĩnh Long (1).
TP.HCM: Những người này được phát hiện trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa.
Hưng Yên: Đây là các trường hợp F1, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 30/6 dương tính với SARS-CoV-2. Họ đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (Hà Nội).
Phú Yên: Đây là các trường hợp F1 trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 29/6 dương tính với SARS-CoV-2.
Vĩnh Long: Bệnh nhân nữ, 27 tuổi, địa chỉ tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long; có tiền sử đi về từ TP.HCM đã chủ động khai báo y tế. Kết quả xét nghiệm ngày 30/6 dương tính với SARS-CoV-2.
Tiền Giang: Đây là các trường hợp F1, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 29/6 dương tính với Covid-19.
Như vậy, tính đến 6h ngày 1/7, Việt Nam ghi nhận 13.684 ca nhiễm trong nước từ ngày 27/4, trong đó có 4.066 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Bộ Y tế đã gửi công văn tới TP HCM kèm hướng dẫn điều kiện cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 đối với các trường hợp F1. Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho hay thời gian tới, trên cơ sở đánh giá thí điểm tại TP.HCM, bộ sẽ xin ý kiến các cơ quan, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.
Cụ thể, Bộ Y tế và UBND TP.HCM sẽ tổng kết những điểm vướng mắc, thiếu sót, chưa phù hợp thực tế để sửa đổi, bổ sung hướng dẫn và áp dụng chính thức.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo chính quyền địa phương phải giám sát chặt chẽ F1 cách ly tại nhà. Trong bối cảnh biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, F1 không tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch có thể làm lây nhiễm nCoV cho gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, với những nơi có nhiều F1 và rải rác trên địa bàn, địa phương phải bố trí nhiều cán bộ y tế hơn để theo dõi, giám sát.
Hơn 450 bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM được phát hiện tại bệnh viện
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính từ ngày 18/5 (thời điểm Bệnh viện Vinmec Central Park phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên) đến nay, 459 bệnh nhân dương tính với nCoV được phát hiện tại nhiều bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố. Hiện nay, số ca mắc Covid-19 tại TP HCM đã vượt ngưỡng 4.000 trường hợp và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Do tính chất lây lan rất nhanh của biến chủng Delta, 55/130 bệnh viện trên địa bàn thành phố đã có trường hợp F0 đến khám bệnh, chữa bệnh. Đa số bệnh nhân được các cơ sở y tế phát hiện chủ động. Tuy nhiên, một số đơn vị phát hiện bị động, dẫn đến sự lây lan mầm bệnh trong bệnh viện.
Hậu quả là một số bệnh viện phải phong tỏa (Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Nam Sài Gòn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM). Mới đây, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đã bị phong tỏa.
Đối với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, một thân nhân ở quận Bình Tân TP.HCM (quận có nguy cơ lây nhiễm rất cao) là người chăm sóc một bệnh nhân đang điều trị tại khoa B4 (khoa lao kháng thuốc) được phát hiện mắc Covid-19 và đã lây lan sang 24 người khác (thân nhân và bệnh nhân của khoa B3 và B4 ở cùng một khối nhà).
Hiện bệnh viện phải tạm phong toả khu vực điều trị nội trú bệnh lao để rà soát lại toàn bộ các khoa, phòng khác. Tất cả đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1.
Đối với Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, việc tầm soát xét nghiệm đã phát hiện 10 trường hợp mắc Covid-19 là nhân viên, người lao động tại bệnh viện (nhân viên bảo vệ, phòng tài chính kế toán). Hiện bệnh viện đã tạm phong toả toàn bộ để rà soát, xét nghiệm lại toàn bộ nhân viên.
Trước tình hình này, Sở Y tế TP HCM yêu cầu tất cả cơ sở y tế tiếp tục triển khai các giải pháp theo tiêu chí bệnh viện an toàn của Bộ Y tế, hướng dẫn cụ thể của Sở Y tế đã ban hành. Đồng thời, những đơn vị này phải siết chặt hơn các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bệnh viện.