Trước đó, những công ty này đã nhận được đơn khiếu nại từ các tổ chức phi chính phủ cho rằng họ đang sử dụng nguồn bông khai thác ở tỉnh Tân Cương Trung Quốc thông qua việc cưỡng bức lao động người dân tộc Duy Ngô Nhĩ.
Cáo buộc vi phạm quyền con người đối với người thiểu số Trung Quốc
Trong khi Bắc Kinh kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, hàng chục người đã tuần hành ở Paris để kêu gọi chính phủ Pháp công nhận và lên án những tội ác chống lại người dân tộc thiểu số ở Trung Quốc.
Tất cả những sự việc này diễn ra trong bối cảnh Cơ quan công tố Pháp nối lại cuộc điều tra đối với bốn thương hiệu thời trang toàn cầu bị tình nghi che đậy tội ác chống lại loài người. Chủ sở hữu của các công ty Uniqlo, Zara, Maje và Sandro, cũng như công ty giày Skechers, đã ở trong tầm ngắm.
Cuộc điều tra là phản ứng trước đơn khiếu nại của một hiệp hội các tổ chức phi chính phủ vào tháng 4 năm ngoái. Họ cáo buộc những thương hiệu nói trên tiếp tục bán hàng hóa sử dụng bông sản xuất ở Tân Cương, như vậy là đồng lõa với việc bóc lột lao động đang bị cáo buộc đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Inditex, công ty sở hữu Zara, phủ nhận các cáo buộc trên, lưu ý rằng công ty có chính sách không khoan nhượng đối với bất kỳ hình thức lao động cưỡng bức nào và đã thiết lập các biện pháp để đảm bảo rằng những hình thức lao động như vậy không xảy ra trong chuỗi cung ứng của họ.
Công ty SMCP của Pháp cũng cho biết họ sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để chứng minh các cáo buộc đó là sai sự thật. Chủ sở hữu của Uniqlo - công ty Fast Retailing - không phản hồi trước những tin tức nói trên, nhưng trước đây đã tuyên bố rằng nguồn bông của họ khai thác ở bên ngoài Trung Quốc.
Gần đây, các nước phương Tây áp dụng biện pháp cứng rắn đối với những cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ đã cấm nhập khẩu bông và cà chua trồng ở tỉnh này của Trung Quốc. EU, Mỹ, Anh và Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì cách đối xử của họ với người Duy Ngô Nhĩ.