Indonesia đang phải đối mặt với một thực tế cay đắng - sự phản kháng đối với những nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết vấn đề Myanmar xuất phát không chỉ từ chính quyền quân sự của quốc gia đó, mà còn từ bên trong khối ASEAN. Tờ Jakarta Post số ra hôm nay đăng một bài báo về nội dung này. Tác giả nhắc nhở rằng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo là một trong những người khởi xướng hoạt động hòa giải ngoại giao của ASEAN để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar.
Tờ báo chỉ trích sự hợp tác của Indonesia với một số đối tác ASEAN mà theo ý kiến của tác giả, các đối tác này không đáng tin cậy trong vấn đề Myanmar. Tờ báo không nói cụ thể về những quốc gia đó, nhưng thu hút sự chú ý đến việc Brunei, nước đang giữ vị trí Chủ tịch ASEAN, cũng như Thái Lan, Lào và Campuchia đã bỏ phiếu trắng khi thông qua nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về Myanmar vào ngày 18/6. Tài liệu lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar và kêu gọi cấm vận vũ khí đối với quốc gia đó. Indonesia cùng với Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam đã ủng hộ nghị quyết này. Jakarta Post nhấn mạnh rằng, chỉ có sự thống nhất và hành động đồng bộ của các thành viên ASEAN mới có thể giải quyết khủng hoảng ở Myanmar.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Alexey Drugov, nghiên cứu viên chính tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương thuộc Viện Phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) lưu ý rằng, rất có thể ấn phẩm này không phản ánh quan điểm chính thức về Myanmar:
“Tờ báo Jakarta Post luôn có quan điểm khá độc lập, có thể nói là lập trường phê phán, cứng rắn hơn đối với chính phủ. Do đó, tờ báo không phải lúc nào cũng phản ánh ý kiến của êkíp tổng thống và giới chính trị tinh hoa về tình hình Indonesia và quan hệ của nước này với ASEAN".
Chuyên gia Chen Xianmyo từ Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc) không chia sẻ ý kiến của tờ báo Indonesia. Ông cho rằng, ASEAN có lập trường thống nhất về Myanmar, và sự xuất hiện của một số khác biệt hoặc ý kiến bất đồng về các vấn đề cụ thể là hoàn toàn bình thường ở ASEAN.
Những nỗ lực ngoại giao của ASEAN tại Myanmar chưa mang lại kết quả như kỳ vọng
Rõ ràng là nỗ lực hòa giải của ASEAN ở Myanmar đang gặp những khó khăn rất lớn. Đề xuất cách thức, biện pháp thúc đẩy đối thoại, hòa giải đã được đưa ra cách đây hai tháng rưỡi, nhưng vẫn chưa có kết quả thiết thực. Và điều này có thể ảnh hưởng, trong số những thứ khác, đến tham vọng của Tổng thống Indonesia, người định vị bản thân là một trong những chính trị gia hàng đầu của ASEAN. Tuy nhiên, chuyên gia Alexey Drugov cho rằng, Joko Widodo sẽ không thực hiện bất kỳ bước đi triệt để nào trong quan hệ với các đối tác ASEAN để thúc đẩy sáng kiến của mình:
“Joko Widodo hành động rất thận trọng. Ông ấy có sự hỗ trợ trong những lĩnh vực khác nhau. Nếu Joko Widodo muốn duy trì vị trí hàng đầu trong ASEAN, mà ông có ý định làm như vậy, thì ông ta phải tìm kiếm một thỏa hiệp nào đó. Theo tôi, ông ấy không thể giữ lập trường cứng rắn về Myanmar và lên án chính quyền quân sự. Indonesia, cũng như Singapore và Malaysia, đang kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình trong vấn đề Myanmar. Tổng thống Indonesia sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm này. Đồng thời, những bất đồng về cách thức đạt được thỏa thuận này sẽ vẫn còn, bởi vì các thành viên ASEAN có những lợi ích rất khác nhau, kể cả những nước có biên giới với Myanmar. Đồng thời, mỗi nước xuất phát từ quan điểm rằng, nếu hôm nay ASEAN can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar, thì ngày mai hiệp hội có thể làm điều tương tự trong mối quan hệ với chính mình. Và điều này không có lợi cho bất kỳ quốc gia ASEAN nào. Ví dụ, Thái Lan giữ lập trường này, ở đó quân đội hành xử khá độc lập, bao gồm cả trong vấn đề Myanmar. Đồng thời, lòng dũng cảm của Joko Widodo trong vấn đề Myanmar đáng được trân trọng, vì ông ấy có một đội quân đồng cảm sâu sắc với quân đội Myanmar".
Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc và ASEAN có đủ khả năng thực hiện “Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar”. Sự đồng thuận cũng rất quan trọng đối với Myanmar, các điểm của nó có mối liên hệ với nhau, không mâu thuẫn nhau, được thiết kế cho hiện tại và lâu dài, và phải trở thành sự đồng thuận của cả hai bên. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố như vậy tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ở thành phố Trùng Khánh (Trung Qốc) vào đầu tháng Sáu. Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý rằng, lập trường và quan điểm của Trung Quốc và ASEAN về Myanmar nói chung là trùng hợp. Ông khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với ASEAN, và nhấn mạnh rằng, tình hình Myanmar liên quan trực tiếp đến lợi ích của Trung Quốc.
Rõ ràng, việc Trung Quốc tăng cường ngoại giao con thoi với các nước ASEAN về Myanmar sẽ giúp hiệp hội đối phó thành công hơn với những khó khăn trong việc thực hiện "đồng thuận 5 điểm". Đồng thời, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ lợi dụng tình hình này để tăng cường ảnh hưởng của mình ở Myanmar và phát huy vai trò của mình trong quá trình giải quyết vấn đề Myanmar.