Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV (tên thật là Lhamo Dhondrub, tiếp đó là Tenzin Gyatso) sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935 tại làng Taktser vùng đông-bắc Tây Tạng. Năm 1937, ông được công nhận là hóa thân của vị tiền nhiệm Đạt Lai Lạt Ma thứ XIII, và năm 1940 ông lên ngôi. Tây Tạng sáp nhập vào Trung Quốc từ năm 1959, trong tương quan đó Đạt Lai Lạt Ma XIV trở thành người tị nạn và định cư ở Ấn Độ.
Nhân dịp chuẩn bị đón sinh nhật lần thứ 86 của mình, Đạt Lai Lạt Ma đã có thông điệp hướng đến bằng hữu, kêu gọi tất cả mọi người hãy bất bạo động và từ bi bác ái, ông hứa hẹn sẽ đích thân tuân thủ những nguyên tắc này, phục vụ nhân loại và chăm sóc môi trường sinh thái cho đến khi lìa trần thế.
Các tín đồ mong được Đạt Lai Lạt Ma cho lời dạy về tâm linh và đức tin, còn người thế tục chờ nghe những ám chỉ về số phận của hành tinh và các cư dân trên địa cầu. Nhân dịp đón sinh nhật nhà lãnh đạo tinh thần của các Phật tử Tây Tạng, Sputnik đăng tải những phát biểu đặc sắc nhất của ông nói về triển vọng tương lai của thế giới.
Về đại dịch
Đại dịch coronavirus nói chung là kết quả của nghiệp xấu mà chúng ta đã tích lũy trong những kiếp trước. Điều này hoàn toàn rõ ràng, và trong Phật thuyết về trật tự thế giới Abhidharma nói rằng sẽ có kiếp nạn (thời gian dài) của vũ khí, kiếp nạn của bệnh tật và kiếp nạn đói. Kiếp nạn vũ khí là những gì đã xảy ra trong những năm trước với Thế chiến I, Thế chiến II, và bây giờ, khi người ta vẫn sử dụng vũ khí dù chúng mang lại rất nhiều tai hoạ. Kiếp nạn tiếp theo - nạn đói - là khi mọi người gặp khó khăn về tài chính. Còn đại dịch coronavirus, theo tôi nghĩ, là khởi đầu của kiếp nạn bệnh tật.
Về vấn đề chính của giáo dục hiện đại
Việc là ở chỗ nền giáo dục hiện đại quá rõ ràng thiên về hướng vật chất. Những người đã trải qua hệ thống đào tạo như vậy đang xây dựng cuộc sống của họ xung quanh những giá trị vật chất và tiếp tục tạo ra nền văn hóa vật chất. Vì vậy, do tác động của thực tế vật chất này, khi gặp khó khăn trong đời sống nội tâm, vướng khúc mắc về tình cảm, người ta không biết phải làm sao.
Cũng giống như chúng ta dạy trẻ em về vệ sinh thân thể, cần phải dạy cả về giữ vệ sinh tâm trí và cảm giác nữa.
Về hòa bình trên toàn thế giới
Đối với toàn thể nhân loại, điều cực kỳ cần thiết là các quốc gia phương Đông và phương Tây phải sống trong sự tôn trọng lẫn nhau. Nước Nga có vị trí địa lý độc đáo, do vậy đóng vai trò rất ý nghĩa như là cây cầu nối giữa Đông và Tây
Nếu chúng ta muốn xây dựng cuộc sống hạnh phúc trên Trái đất, thì mọi khác biệt về dân tộc, tôn giáo và những dấu hiệu khác cần phải lui xuống hàng thứ yếu. Trong thế kỷ 21, chúng ta nhất thiết phải hiểu rằng toàn thể 7 tỷ người trên hành tinh đều là thành viên trong một gia đình lớn.
Về mối đe dọa đối với cư dân trên Trái đất
Chúng ta cần ngộ ra rằng thế giới hôm nay thuộc về bảy tỷ người, mỗi quốc gia thuộc về nhân dân nước đó chứ không phải của riêng một nhúm các nhà lãnh đạo. Vì vậy, tôi cho rằng bản thân khái niệm chiến tranh cũng đã lỗi thời.
Không hiện hữu biên giới quốc gia cho những vấn đề như nóng lên toàn cầu; chúng động chạm đến mọi người thuộc tất cả các tín ngưỡng. Tương lai chỉ có một dành cho toàn bộ 7 tỷ người. Năm này qua năm khác, thập kỷ này qua thập kỷ khác, nhiệt độ môi trường sẽ tăng lên. Ngay hôm nay chúng ta đang vấp phải tình trạng thiếu nước uống. Trong nửa sau của thế kỷ này và tương lai tiếp theo, vấn đề khí hậu sẽ là quan tâm hàng đầu.
Trước những mối đe dọa nghiêm trọng như vậy đối với toàn thể nhân loại, liệu ta có đủ khả năng cho phép mình để ý đến những khác biệt không đáng kể giữa chúng ta nữa hay chăng? Liệu chúng ta có giết nhau vì những bất đồng vụn vặt nữa hay không? Tôi cho rằng cách tiếp cận như vậy đã lỗi thời một cách vô vọng và không đáp ứng với thực tế.
Về Thế chiến III
Vài năm trước tại Roma, trong Hội nghị thượng đỉnh thế giới của những người được trao giải Nobel Hòa bình, chúng tôi đã thảo luận về các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả nguy cơ nổ ra cuộc chiến tranh hạt nhân. Một thành viên dự thảo luận đã nói về tiềm năng huỷ diệt của số hạt nhân mà loài người đã tích lũy, hiện nay chúng ta có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân, trong đó nhiều đầu đạn có sức công phá mạnh gấp hàng trăm lần so với quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Nếu sử dụng chỉ một phần nhỏ của tiềm năng này, cả thế giới sẽ phải gánh chịu tổn thất. Điều đó sẽ mang đến không chỉ cái chết và sự hủy diệt ngay tại thời điểm vụ nổ, mà còn kéo theo khởi đầu của mùa đông hạt nhân, mở đầu một Kỷ Băng hà mới.
Trước khi bắt đầu Thế chiến II, nhiều nhà khoa học đã rất nỗ lực để chế tạo ra loại vũ khí này. Nhưng gần đây, người ta ngày càng hay nói nhiều hơn về cách cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. Tôi không nghĩ đang hiện hữu nguy cơ thực sự của Thế chiến III. Hẳn là không ai dám sử dụng vũ khí hạt nhân. Chẳng lẽ nào lại có kẻ điên dùng quyền tiếp cận cái nút đỏ khủng khiếp.