Doanh thu giảm hơn một nửa so với năm ngoái
Theo báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, doanh thu của ngành du lịch ước tính đạt 4.500 tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, cả nước có 18% doanh nghiệp du lịch đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc, theo Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia.
Có thể nói, các cơn “sóng thần Covid-19” đã gần như “nuốt gọn” ngành du lịch. Lao động hầu hết thất nghiệp, khó khăn chồng chất khó khăn qua các đợt bùng phát dịch.
Để hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ngày 1/7, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
Cụ thể, hướng dẫn viên du lịch (có thẻ hành nghề) bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong khoảng thời gian từ 1/5 đến 31/12 năm nay sẽ được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.
Đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, phải dừng hoạt động 15 ngày liên tục trong khoảng thời gian từ 1/5 đến 31/12 năm nay, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch, được hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.
Đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch trong thời gian từ ngày 1/5/2021-31/3/2022 và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian trên, được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Vay vốn 0% để trả lương cho người lao động
Các đối tượng này sẽ được vay với lãi suất 0% và không cần thực hiện biện pháp bảo đảm vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng. Song doanh nghiệp hoặc người sử dụng lao động sẽ không nhận được hỗ trợ nếu có nợ xấu tại thời điểm vay vốn.
Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP lần này có tổng giá trị 26.000 tỷ đồng, nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động.
“Chính phủ sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Trong bối cảnh ngành du lịch đang gặp vô vàn khó khăn, đa phần người lao động là hướng dẫn viên du lịch đã mất việc và phải chuyển sang nhiều nghề khác để mưu sinh, giải pháp kịp thời này của Chính phủ là tín hiệu đáng mừng, tiếp thêm động lực ngành du lịch trong thế “nước sôi lửa bỏng”.