Các cuộc biểu tình ở Cuba
Người dân Cuba tổ chức biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua vào Chủ nhật. Những người biểu tình kêu gọi "tổ chức cuộc bầu cử tự do" và giải quyết các vấn đề xã hội.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Cuba xuống đường và đẩy lùi các hành động khiêu khích, trong nước đã tiến hành các cuộc tuần hành của những người ủng hộ chính phủ và những người cộng sản.
Hoa Kỳ không có ý định nới lỏng trừng phạt kinh tế chống Cuba
Hôm thứ Hai, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan tuyên bố rằng, Mỹ ủng hộ quyền tự do hội họp của người dân Cuba và sẽ lên án mạnh mẽ bạo lực chống lại những người biểu tình. Theo Tiến sĩ khoa học chính trị Ivan Timofeev, Giám đốc chương trình của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), đây là một tuyên bố tiêu chuẩn.
"Hoa Kỳ luôn đưa ra những lời kêu gọi như vậy, đặc biệt khi xảy ra những cuộc biểu tình chống lại một hệ thống chính trị hoặc chính phủ thù địch với Hoa Kỳ, vì vậy đây là một tuyên bố tiêu chuẩn. Mỹ đang theo dõi sát tình hình Cuba, bây giờ rất khó để dự đoán liệu Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này hay không. Nhưng, rõ ràng là Mỹ không có ý định nhượng bộ chính phủ Cuba và không có ý định nới lỏng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Cuba", - Giám đốc RIAC nói.
"Kinh tế Cuba đang đối mặt với khó khăn và thử thách, tất nhiên, điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đại dịch đã khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn và Cuba không thể đối phó với nó. Ngoài ra, bất chấp những lời hứa trước bầu cử về việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt, Tổng thống Biden không làm gì cả. Tình hình kinh tế khó khăn và các lệnh trừng phạt của Mỹ cùng với đại dịch đã ảnh hưởng chủ yếu đến số lượng khách du lịch nước ngoài trên đảo. Và tất cả những điều này đã gây ra thiệt hại kinh tế to lớn cho Cuba", - chuyên gia giải thích.
Dự đoán và sự tham gia của Hoa Kỳ
Theo các chuyên gia, bây giờ rất khó để đưa ra bất kỳ dự đoán nào.
“Chính phủ, Chủ tịch Cuba và lãnh đạo đảng Miguel Diaz-Canel ngay lập tức cáo buộc Hoa Kỳ đứng đằng sau sự bất ổn này. Mọi người đều biết rằng, Hoa Kỳ ủng hộ phe đối lập ở Cuba, kể cả về mặt vật chất. Ngoài ra, Hoa Kỳ tiếp tay cho phe đối lập bằng cách không thực hiện thỏa thuận đã được ký kết giữa Cuba và Hoa Kỳ, theo văn kiện này Mỹ nên cung cấp hàng năm hạn ngạch 20 nghìn người cho những người di cư Cuba. Hoa Kỳ đã đóng cửa lãnh sự quán ở Cuba , bằng cách này làm phức tạp thêm tình hình của những người Cuba muốn ra nước ngoài", - ông Kalashnikov cho biết.
"Bằng cách này, Hoa Kỳ đang khuấy động sự bất mãn của dân chúng. Đến lượt mình, Miguel Diaz-Canel kêu gọi những người cộng sản trong nước xuống đường chống lại những hành động khiêu khích. Điều này cho thấy rằng, giới lãnh đạo đất nước rất chú trọng cuộc biểu tình tại thành phố San Antonio de los Baños, và Chủ tịch Cuba ngay lập tức đến đó để giải quyết tình hình tại chỗ, tìm hiểu điều gì đã dẫn đến cuộc biểu tình phản đối. Rất có thể chúng tôi sẽ nhận được một số lời giải thích từ lãnh đạo đất nước", - chuyên gia nhận xét.