Mọi người sẽ đủ đồ nếu mua sắm công bằng
Ngày 14/7, nhiều người dân lại đổ xô đi mua tích trữ thực phẩm sau khi đọc được tin đồn phong tỏa thành phố ở TP HCM và có thể phải áp dụng giờ giới nghiêm kể cả với nhu cầu mua thực phẩm. Trước tình trạng khan hiếm hàng hóa mà người dân phản ánh cùng với tình trạng "mua một lần dùng cả tuần" những ngày qua, đại diện các hệ thống bán lẻ hy vọng, người dân bình tĩnh với các tin đồn, không tích trữ quá nhiều.
Các đại diện cho biết:
"Kệ trống không có nghĩa là thiếu thực phẩm và hàng hóa".
Đồng nghĩa với việc các siêu thị đang cần thời gian để cung ứng thêm sản phẩm lên kệ, bắt kịp với nhu cầu mua sắm gia tăng đột biến. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, để hạn chế thời gian phân loại hàng hóa, các siêu thị sẽ hướng tới chuẩn bị đơn hàng theo các combo khác nhau, tính toán theo nhu cầu của gia đình để tạo thuận lợi cho hệ thống phân phối.
Để đối phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng, chính quyền và các cửa hàng đang khuyến khích khách chỉ mua những gì cần bởi mọi người sẽ có đủ đồ nếu mua sắm công bằng.
Thủ tướng Chính phủ: 'Không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm'
Trước đó vào sáng 08/07, tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương phối hợp các bộ, ngành liên quan bám sát tình hình, kịp thời chỉ đạo hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa, không để đứt gãy, thiếu, nhất là hàng hóa thiết yếu, không để xáo trộn đời sống nhân dân.
Cố gắng không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng lao động. Cho phép các cơ sở sản xuất an toàn, đáp ứng yêu cầu, điều kiện phòng, chống dịch thì có thể tiếp tục cho hoạt động sản xuất, tinh thần là vừa sản xuất vừa “chiến đấu” chống dịch, khuyến khích phương án tạo thuận lợi cho công nhân ăn nghỉ trong khuôn viên cơ sở sản xuất nhưng phải bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, an toàn, hiệu quả.
Trên cơ sở thống nhất về quan điểm, tư tưởng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tiễn để quyết định theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cụ thể, phù hợp theo tinh thần Chỉ thị 16. Trường hợp phát sinh tình huống vượt thẩm quyền thì phải kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sau gần một tuần thực hiện chỉ thị Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã được đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá. Tuy nhiên, giá lương thực, thực phẩm tại mạng lưới chợ truyền thống vẫn có xu hướng tăng do 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm tạm đóng cửa.
Hiện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và lực lượng liên ngành đang thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện cung ứng từ 4.500 đến 5.000 tấn rau củ, quả mỗi ngày; các nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... trên địa bàn thành phố triển khai dự trữ và bán hàng lên 120.000 đến 150.000 tấn/tháng, đồng thời tập trung nguồn lực để giữ vững công tác bình ổn giá cả thị trường và đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng.