Sẽ là rất khó khăn để xạ thủ Hoàng Xuân Vinh có thể bảo vệ huy chương ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam tại Olympic Tokyo, dù anh đang là đương kim vô địch bộ môn này. Nhưng áp lực với xạ thủ hàng đầu Việt Nam cũng là vô cùng lớn.
Đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, tại kỳ Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 này ở Nhật Bản, Việt Nam cử đi 43 thành viên, trong đó có 25 cán bộ đoàn, huấn luyện viên, chuyên gia, 18 vận động viên của 11 môn thể thao.
Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ tham dự Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản từ 18/7 – 13/8.
Hai vận động viên Quách Thị Lan (môn Điền kinh) và Nguyễn Huy Hoàng (môn Bơi lội) sẽ cầm cờ cho Đoàn Việt Nam tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 sắp tới.
Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thể dục Thể thao kiêm trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam cho biết, đoàn sẽ quyết tâm giành được huy chương tại Olympic Tokyo 2020 lần này.
Theo danh sách công bố, 18 vận động viên của 11 môn thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 lần này gồm Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng (môn Bơi lội), Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (Cử tạ), Hoàng Xuân Vinh (Bắn súng), Nguyễn Thị Thanh Thủy (Judo), Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh (Cầu lông), Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Đương (Boxing), Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (Bắn cung), Quách Thị Lan (Điền Kinh), Lường Thị Thảo/ Đinh Thị Hảo (Rowing), Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (Thể dục dụng cụ).
Khó khăn của Đoàn Thể thao Việt Nam ở Olympic Tokyo 2020
Ông Phấn cho hay, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không giao chỉ tiêu, nhưng đoàn đăng ký với Bộ sẽ cố gắng phấn đấu có được huy chương.
Tuy vậy, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn cũng thừa nhận, Olympic Tokyo 2021 là một đại hội với rất nhiều khó khăn.
Ông Phấn lý giải, các vận động viên phải có tâm lý thoải mái, hưng phấn mới có thể thi đấu và giành được kết quả tốt nhất. Vì vậy, không chỉ vận động viên Việt Nam mà cả thế giới có thể sẽ không đạt được kết quả cao nhất như kỳ vọng.
Trước đó, theo thông báo của Ban tổ chức Olympic Tokyo, Việt Nam nằm ở nhóm 2 - nhóm quốc gia có nguy cơ cao về Covid-19. Do lọt nhóm này, nên đoàn Việt Nam phải thực hiện quy định của ban tổ chức Olympic hết sức chặt chẽ về yêu cầu kiểm dịch.
Chẳng hạn như phải kiểm tra Covid-19 liên tục 3 lần trong ba ngày trước khi lên đường. Sau đó, khi đến sân bay Tokyo, đoàn phải test SARS-CoV-2 thêm một lần nữa và chờ có kết quả mới trở về làng vận động viên.
Sau khi đến làng Olympic dành cho vận động viên, đoàn cũng sẽ phải cách ly 3 ngày tại làng và tiếp tục kiểm tra nCoV trong thời gian này. Nói chung là rất nghiêm ngặt.
Nói về công tác chuẩn bị của Đoàn Thể thao Việt Nam cho Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 lần này, ông Phấn cho biết, thời gian qua tất cả các vận động viên của đoàn Việt Nam đều được tập trung tập huấn ở các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia.
Riêng chỉ có vận động viên Taekwondo Trương Thị Kim Tuyền đang tập huấn tại Kazakhstan. Kim Tuyền và chuyên gia Kim Kil Tae (Hàn Quốc) sẽ di chuyển thẳng từ Kazakhstan sang Tokyo.
Trong số 18 vận động viên, hiện chỉ có Lê Thanh Tùng (môn Thể dục dụng cụ) đang bị chấn thương nhẹ ở cổ chân. Tuy nhiên Tùng vẫn có thể tham dự Olympic.
“Các vận động viên còn lại đều có phong độ rất tốt. Theo kế hoạch, ngày 18/7, đoàn sẽ bay từ Hà Nội đến Tokyo để tham dự Olympic Tokyo 2020”, ông Trần Đức Phấn cho biết.
Khó lặp lại kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio 2016?
Tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh gây tiếng vang lớn khi giành 1 tấm huy chương vàng (HCV), 1 huy chương bạc (HCB) bộ môn Bắn súng. Đây được xem là kỳ tích lịch sử của Thể thao Việt Nam đến nay.
Tuy nhiên, sau 4 năm, Hoàng Xuân Vinh lại tham dự Thế vận hội lần này với tư cách khách mời theo suất phân bổ của Liên đoàn Bắn súng thế giới (ISSF) dành cho bắn súng Việt Nam ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam vì tại vòng loại Olympic Tokyo 2020 tuyển bắn súng Việt Nam không có vận động viên nào tranh được suất đến Thế vận hội sắp tới ở Nhật Bản.
Thực tế, rất khó khăn để thể thao Việt Nam tái lập được kỳ tích lịch sử của Hoàng Xuân Vinh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, hầu hết các vận động viên đều ít được đi tập huấn, thi đấu quốc tế đỉnh cao và kinh nghiệm cọ sát ở môi trường đa quốc gia.
Theo ông Phấn, Đoàn Thể thao Việt Nam hiện tại rất hy vọng các vận động viên của môn cử tạ là Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên có thể mang về huy chương cho đoàn Việt Nam.
“Dù sẽ rất khó khăn thi đấu ở hạng 61kg nhưng sự kỳ vọng với Thạch Kim Tuấn rất lớn”, ông Phấn nhấn mạnh.
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao, Trường Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 lần này khẳng định, dù trải qua nhiều khó khăn nhưng các vận động viên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ với hy vọng mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Thể thao Việt Nam cần những phép màu như Hoàng Xuân Vinh ở Olympic
Cho đến nay, Hoàng Xuân Vinh vẫn đang là vận động viên duy nhất của Việt Nam sở hữu một Huy chương vàng Olympic. Đó là vào năm 2016, tại Thế vận hội được tổ chưc tại Rio, khi anh hạ xạ thủ chủ nhà Felipe Almeida Wu ở loạt bắn quyết định với số điểm 10,7.
Sau 5 năm kể từ ngày đăng quang ngôi vô địch, Hoàng Xuân Vinh đã rơi từ số 1 xuống hạng 38 thế giới trước khi bước vào kỳ Olympic có thể là cuối cùng trong sự nghiệp của anh.
Không thể giành suất ở các vòng loại, xạ thủ 47 tuổi tới Olympic 2021 theo dạng vé mời. Anh cũng là đại diện duy nhất cho bộ môn bắn súng Việt Nam ở Tokyo, là 1 trong số 31 vận động viên tham dự nội dung 10m súng ngắn hơi nam.
Ở Olympic Rio 2016, dù không được đánh giá cao nhưng Xuân Vinh bất ngờ vươn lên vị trí thứ tư vòng loại với 581 điểm qua 60 lượt bắn, trong đó có 18 lần bắn trúng hồng tâm (581-18x).
Yêu cầu khi đó là xạ thủ nào bắn được 580 điểm sẽ lọt top 8 để vào chung kết. Tại chung kết, Xuân Vinh thẳng tiến đến chức vô địch. Ngoài ra, anh còn đoạt thêm Huy chương bạc ở bộ môn 50m súng ngắn bắn chậm.
Tuy nhiên, sau chiến tích ở Rio, thành tích của Hoàng Xuân Vinh dần đi xuống. Năm 2017, thành tích tốt nhất của anh là 581-24x ở Cup thế giới tại New Delhi - đứng đầu vòng loại. Tại vòng chung kết, Xuân Vinh về ở vị trí thứ hai và đoạt Huy chương bạc.
Tại ASIAD 2018, Hoàng Xuân Vinh đạt 579 điểm và phải dừng bước ngay từ vòng loại. Anh cũng bị loại sớm ở 3 chặng Cup thế giới, với vị trí cao nhất chỉ là thứ 15. Tại giải thế giới ở Changwon, Hàn Quốc diễn ra cuối năm, xạ thủ Quân đội cải thiện thành tích lên 580-17x, nhưng cũng chỉ xếp thứ 10 và không vào được chung kết.
Năm 2019 là một năm quan trọng khi các chặng cup thế giới hay giải châu Á đều mang ý nghĩa là vòng loại Olympic. Tuy nhiên, nam xạ thủ không lần này vào được đến chung kết. Thành tích cao nhất của anh là 581-21x ở Bắc Kinh, nhưng chỉ xếp thứ 12. Xạ thủ đứng thứ 8 để vào chung kết ở giải đó bắn được 582-23x điểm.
Điểm trung bình của Hoàng Xuân Vinh ở 13 giải quốc tế (SEA Games, châu Á, Asiad, thế giới và World Cup) kể từ sau năm 2016 chỉ đạt 575,69 - thấp hơn nhiều so với trình độ Olympic. Thậm chí, ở Cup Thế giới Rio 2019, Xuân Vinh chỉ kiếm được 564 điểm, đẩy anh xuống hạng thứ 74.
Ngoài việc Xuân Vinh có thua sút về thành tích so với kỳ Olympic 2016, thì trình độ các xạ thủ khác cũng đã có nhiều cải thiện. Độ tuổi trung bình của 8 xạ thủ vào chung kết Olympic 2016 là 34,4 tuổi. Nhưng, các xạ thủ trong top 3 thế giới năm 2021 đều là từ 32 tuổi trở xuống.
Có 3 trên bốn chặng Cup Thế giới 2019 yêu cầu xạ thủ phải bắn được ít nhất 582 điểm mới vào chung kết. Đây là thành tích mà Hoàng Xuân Vinh chưa làm được trong các năm qua, kể cả ở kỳ Olympic 2016, nơi anh giành ngôi vô địch.
Sẽ là rất khó cho Hoàng Xuân Vinh để có thể tiến vào vòng chung kết ở Olympic Tokyo 2021. Thậm chí, có thể anh còn phải cố gắng hơn nhiều so với ngày anh đăng quang ngôi vô địch ở kỳ Thế vận hội trước. Tuy nhiên, nếu có thể lọt vào vòng chung kết và có những phút giây thăng hoa về mặt tinh thần, biết đâu nam xạ thủ Quân đội có thể một lần nữa làm ra bất ngờ.
Vòng loại và chung kết 10m súng ngắn hơi nam sẽ diễn ra ngay trong ngày 24/7, một ngày sau lễ khai mạc Olympic Tokyo 2021. Mỗi xạ thủ bắn 60 phát đạn đường kính 4,5mm, mỗi lần bắn nạp 1 viên. Các xạ thủ bắn trong một tiếng 15 phút, chọn ra 8 xạ thủ thành tích cao nhất vào chung kết. Trường hợp các xạ thủ bằng điểm, thứ hạng sẽ căn cứ trên số lần bắn trúng hồng tâm.
Hoàng Xuân Vinh: Cố gắng vượt bản thân ở đấu trường Olympic
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là thành viên có độ tuổi cao nahát trong đoàn VĐV Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020 lần này. Lần thứ ba tham dự đấu trường Olympic, đối với cá nhân vận động viên bắn súng hàng đầu của Việt Nam này mà nói, áp lực rất lớn, kỳ vọng rất nhiều từ chính bản thân anh và người hâm mộ thể thao nước nhà.
Xuân Vinh hy vọng anh có thể cùng những vận động viên trẻ kế cận của Việt Nam tiếp tục có cơ hội học hỏi, rút kinh nghiệm, cọ sát ở đấu trường quốc tế, chuẩn bị tốt nhất cho những kỳ Thế vận hội sau này.
Chia sẻ với báo chí, Hoàng Xuân Vinh cho biết, anh vẫn miệt mài tập luyện cho cả 3 khung giờ sáng, chiều và tối ngay trước thềm lên đường dự Olympic.
Anh coi việc tham dự Olympic Tokyo 2020 lần này vừa là nguồn động viên, vừa là động lực.
Việc có lặp lại được kỳ tích như đã làm ở Thế vận hội Rio 2016 hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tuy nhiên, đối với Hoàng Xuân Vinh, Olympic Tokyo 2020 lần này có ý nghĩa hết sức lớn.
“Bản thân tôi cũng xác định thi đấu thoải mái nhất, cố gắng tập trung cho Olympic lần này. Ở Tokyo, với tư cách là một suất mời của Liên đoàn Bắn súng và IOC, tôi coi đây là vinh dự”, Hoàng Xuân Vinh chia sẻ và khẳng định sẽ cố gắng vượt qua bản thân.
Xạ thủ cho biết, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, các vận động viên luyện tập ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội thường xuyên phải tập luyện tách biệt, đảm bảo khoảng cách, quy định phòng chống Covid-19. Nhưng ở góc độ tích cực thì điều này giúp ích lớn cho một xạ thủ bắn súng như Hoàng Xuân Vinh có thể tĩnh tâm, tập trung, chuyên vào rèn luyện cường độ cao hơn.
Cũng như các vận động viên khác của Đoàn Thể thao Việt Nam lên đường đến Nhật Bản dự Olympic Tokyo lần này, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ nỗ lực hết mình, quyết tâm thi đấu tập trung, giành kết quả tốt nhất, đem vinh quang về cho Tổ quốc và nền thể thao Việt Nam.