Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) hiện đang cung cấp dịch vụ vận chuyển container bằng đường sắt giữa Việt Nam – Trung Quốc, quá cảnh đi Nga, châu Âu, các quốc gia Đông Nam Á và Trung Á.
Khai trương tàu container đầu tiên Việt Nam – châu Âu
Ngày 20/7, thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, từ hôm nay sẽ tổ chức chạy chuyến tàu chuyên container đầu tiên sang Bỉ.
Theo VNR, đây là đoàn tàu container đầu tiên do Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco) kết hợp với các doanh nghiệp vận chuyển, giao nhận các nước cung cấp chuỗi dịch vụ logistics cho khách hàng từ Việt Nam đến điểm đích ở châu Âu.
Có thể nói, việc khai trương đoàn tàu container đầu tiên vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam đi châu Âu là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo VNR, việc tổ chức thành công đoàn tàu từ Việt Nam sang Bỉ sẽ tiếp tục mở ra những tuyến vận tải đường sắt đi sâu nội địa châu Âu ngoài các tuyến đã khai thác sang Đức, Ba Lan. Ratraco và đối tác châu Âu đang bắt đầu xây dựng kế hoạch và tổ chức vận chuyển 8 chuyến/tháng xuất phát tại Việt Nam.
Được biết, tàu xuất phát từ ga Yên Viên (Hà Nội, Việt Nam), điểm đến trạm cuối là thành phố Liege (Vương quốc Bỉ), sau đó tiếp chuyển container bằng đường bộ đến điểm đích là thành phố Rotterdam (Hà Lan).
Đoàn tàu từ Việt Nam đi châu Âu gồm 23 container 40 feet. Hành trình đoàn tàu sẽ đến Trịnh Châu (Trung Quốc) và kết nối vào đoàn tàu Á - Âu để đến điểm đích. Tàu container này vận chuyển chủ yếu là hàng dệt may, da giày xuất khẩu. Tổng thời gian vận chuyển dự kiến cho toàn bộ hành trình là 25 - 27 ngày.
Hiện nay, đường sắt Việt Nam đang cung cấp dịch vụ vận chuyển container bằng đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc, quá cảnh đi Liên bang Nga, châu Âu, các nước ASEAN và các nước Trung Á. Đáng chú ý, đường sắt cung cấp dịch vụ logistics trọn gói cho các khách hàng.
Cũng theo thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đoàn thứ hai xuất phát tại Yên Viên ngày 27/7 với các sản phẩm điện tử, đoàn thứ 3 xuất phát ngày 3/8.
Vận tải đường sắt Việt Nam đi châu Âu còn nhiều cơ hội
Cần nhắc lại rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 bùng phát trên thế giới, vận tải đường biển quốc tế đang đối mặt với thời kỳ khó khăn, vận tải đường sắt đang được nhiều khách hàng tìm đến để vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế từ Việt Nam sang Trung Quốc và từ đó đi tiếp châu Âu.
Cụ thể, trước đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, do ách tắc vận chuyển hàng hóa giữa các nước vì diễn biến của dịch bệnh, nhất là sau sự cố tàu Ever Given đang bị mắc cạn ngang kênh đào Suez (vốn chiếm khoảng 30% lưu lượng tàu container trên thế giới mỗi ngày), nhiều chủ hàng, doanh nghiệp đã tìm đến vận tải đường sắt.
Vận tải đường sắt có ưu thế ổn định, chuyên chở khối lượng lớn, đi xa, thời gian ngắn và ít rủi ro hơn đường biển.
VNR nhấn mạnh, với ưu thế hệ thống kết nối đường sắt liên vận quốc tế hiệu quả, các đoàn tàu đi đến ga đích đúng giờ, chi phí vận tải phù hợp, vận tải đường sắt liên vận đang ngày càng phát triển, tăng trưởng và tính cạnh tranh với các hình thức vận chuyển bằng đường hàng không, đường biển ngày càng tăng lên.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Ratraco trao đổi với TTXVN cho biết ý nghĩa của việc khai trương và tổ chức đoàn tàu từ Việt Nam đi châu Âu.
“Việc tổ chức thành công đoàn tàu từ Việt Nam sang Bỉ sẽ tiếp tục mở ra những tuyến vận tải đường sắt đi sâu nội địa châu Âu, ngoài các tuyến đã khai thác sang Đức, Ba Lan”, ông Thanh nói.
Theo vị lãnh đạo, hiện Ratraco và các đối tác châu Âu cũng đang làm việc rất nghiêm túc về tiến trình hợp tác tiếp theo.
“Hiện nay, Ratraco và đối tác châu Âu đang bắt đầu xây dựng kế hoạch và tổ chức vận chuyển 8 chuyến mỗi tháng xuất phát tại Việt Nam. Tổng thời gian vận chuyển dự kiến cho toàn bộ hành trình từ 25-27 ngày”, ông Nguyễn Hoàng Thanh nhấn mạnh.
Theo báo cáo của VNR, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu vận tải của Tổng công ty đạt 1.249 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ 2020 và bằng 53,9% so với năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19.
Đáng chú ý, do dịch bệnh, VNR đã phải dừng chạy 2.300 đoàn tàu khách trong 6 tháng và lỗ hơn 400 tỷ đồng, mức lỗ dự tính sẽ lên đến 940 tỷ đồng trong năm nay. Hiện, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có khoảng 1.637 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không hưởng lương.
“Cứu cánh” cho vận tải đường sắt Việt Nam?
Thống kê của VNR cũng nêu rõ, do vận tải hành khách giảm mạnh nên đơn vị phải chuyển sang tập trung vào vận tải hàng hóa.
Báo cáo cho thấy, 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải hàng hóa đã tăng hơn 22% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng các mặt hàng truyền thống như quặng Apatit tăng 31%, than tăng 10%, phân bón tăng 8%...
Lãnh đạo VNR cũng cho hay, nhờ vận tải hàng hóa tăng trưởng tốt, doanh thu vận tải sáu tháng nói chung mới thực hiện được 1.249 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 53,9% so với năm 2019 khi chưa có dịch.
Theo Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh, vận tải hàng hóa tăng trưởng là kết quả từ các giải pháp chuyển dịch cơ cấu vận tải, tập trung thúc đẩy vận tải hàng hóa, xác định vận tải hàng hóa là trọng tâm từ năm 2019 nhờ các chính sách như điều chỉnh giá cước linh hoạt, hệ thống quản trị vận tải hàng hóa qua mạng, mở rộng nguồn hàng; đẩy mạnh vận tải hàng hóa liên vận tới các thị trường.
“VNR sẽ từng bước tăng tỷ lệ vận tải hàng hóa để bù đắp vào vận tải hành khách đồng thời dành quỹ đường vận tải hành khách sang quỹ đường vận tải hàng hóa, hoặc mở thêm các tuyến container mới chạy tuyến Bắc-Nam”, ông Vũ Anh Minh nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, có thể thấy, việc khai trương và vận hành thành công đoàn tàu container từ Việt Nam sang Bỉ sẽ tiếp tục mở ra những hướng đi triển vọng mới cho tuyến vận tải đường sắt Việt Nam đi châu Âu, góp phần tích cực vào dư địa tăng trưởng của ngành.