Trưởng Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ USTR Katherine Tai khen ngợi Việt Nam đã cam kết giải quyết các cáo buộc thao túng tiền tệ và cho rằng, Hà Nội có thể là “hình mẫu, ví dụ” cho cả khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nếu điều hành minh bạch và linh hoạt chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.
Chuyên gia nhận định rằng, với việc đạt được thỏa thuận chung, khả năng cao Việt Nam sẽ tiếp tục không nằm trong danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ và nhờ đó sẽ tránh được các biện pháp trừng phạt không đáng có.
Việt Nam tiếp tục đối thoại với Mỹ về thao túng tiền tệ, tránh hiểu lầm
Liên quan đến các cáo buộc thao túng tiền tệ, phàn nàn của Mỹ về cách Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua (nhất là dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump), ngày 19/7, Hà Nội và Washington đã đạt được thỏa thuận chung.
Tối ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát đi thông cáo báo chí hoan nghênh việc Hà Nội và Washington đạt được các thỏa thuận chung sau quá trình dài Mỹ điều tra Việt Nam vì nghi ngờ thao túng tiền tệ.
Theo đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả của quá trình làm việc ngày 19/7/2021 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) và Bộ Tài chính Hoa Kỳ (hay còn gọi là Bộ Ngân khố Mỹ), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay, Hà Nội đánh giá cao kết quả thỏa thuận mà hai bên đạt được.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh kết quả tích cực của cuộc hội đàm trực tuyến ngày 19/7/2021 giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen, cũng như kết quả của quá trình làm việc đạt được cùng ngày giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính Hoa Kỳ liên quan đến chính sách tỷ giá.
“Kết quả trên đã tái khẳng định chính sách tỷ giá của Việt Nam nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, phù hợp với thực tế thị trường ngoại tệ tại Việt Nam và cam kết quốc tế của Việt Nam trong vấn đề này”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa nhắc lại mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ của chính quyền Hà Nội là ổn định kinh tế vĩ mô và không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định đây là kết quả của quá trình đối thoại và tham vấn hiệu quả trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau giữa các cơ quan liên quan của hai nước.
“Kết quả này cũng mở ra cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19”, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết.
Cũng trong thông cáo báo chí phát đi, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tiếp tục đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng để tránh những hiểu lầm, phát sinh loạt vấn đề không đáng có với Washington cả về kinh tế thương mại đầu tư lẫn chính sách tiền tệ.
“Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đối thoại xây dựng với phía Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ngày càng ổn định và bền vững, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố.
Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận về vấn đề thao túng tiền tệ
Như Sputnik đã thông tin trước đó, ngày 19/7, Bộ Tài chính Mỹ thông báo Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được các thỏa thuận về hoạt động tiền tệ, sau loạt cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ thời gian trước.
Trong thông cáo phát đi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cam kết với Bộ Tài chính Mỹ rằng sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế, đảm bảo hoạt động ổn điịnh, thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó, giải tỏa những lo ngại của Bộ Ngân khố Mỹ cũng như chính quyền Washington.
Cụ thể, theo thông cáo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tại Báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các nước đối tác thương mại lớn của Mỹ kỳ tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã đánh giá không có đủ bằng chứng để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ.
Tiếp đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trên tinh thần thiện chí, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, vẫn tiếp tục trao đổi, làm việc “ở cả cấp cao và cấp kỹ thuật”, về chính sách tiền tệ, tỷ giá và tình hình thị trường ngoại tệ của Việt Nam.
“Trong quá trình làm việc, Ngân hàng Nhà nước khẳng định chính sách tỷ giá của Việt Nam, trong khung khổ chính sách tiền tệ chung, hướng tới mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế”, thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ.
Cơ quan này cũng khẳng định, thời gian tới, cùng với tiến trình hiện đại hoá khung khổ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế.
“(Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó giải toả các quan ngại của Bộ Tài chính Mỹ”, thông báo từ cơ quan đảm trách việc phát hành tiền tệ, quản lý tiền tệ và tham mưu các chính sách liên quan đến tiền tệ cho Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định, các quan điểm trên của NHNN đã được Bộ Tài chính Mỹ chia sẻ và đồng thuận.
Trước đó, tại cuộc gặp trực tuyến song phương ngày 19/7/2021, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá cao sự phối hợp làm việc mang tính xây dựng của hai bên, cùng cam kết sẽ duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiện chí nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức chung như hỗ trợ phục hồi mạnh mẽ và toàn diện hậu Covid-19.
Mỹ khen ngợi Việt Nam cam kết giải quyết các vấn đề thao túng tiền tệ
Thông cáo báo chí của Bộ Ngân khố Mỹ cũng tái khẳng định việc đạt được thỏa thuận chung sau cuộc làm việc trực tuyến mang tính xây dựng giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jenet Yellen.
Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ trong thông cáo rằng, Việt Nam khẳng định cam kết tuân thủ các quy định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về “không thao túng tỷ giá nhằm ngăn ngừa sự điều chỉnh hiệu quả của cán cân thanh toán hoặc giành lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng và không phá giá Việt Nam Đồng (VNĐ)”.
Đồng thời, Bộ Tài chính Mỹ cũng cam kết sẽ thông báo cho các cơ quan khác trong chính phủ Mỹ về thỏa thuận đã đạt được với phía Việt Nam.
Thỏa thuận chung giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Ngân khố Mỹ cũng yêu cầu NHNN Việt Nam “cải thiện sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái theo thời gian”, cho phép nội tệ biến động đúng theo diễn biến trên các thị trường và yếu tố kinh tế cơ bản của Việt Nam (Mỹ không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ cơ quan của Chính phủ).
Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cam kết sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết để phía Mỹ tiến hành phân tích và có báo cáo rõ ràng về hoạt động điều hành tỷ giá, tiền tệ của NHNN Việt Nam trên thị trường ngoại hối trong Báo cáo định kỳ 6 tháng của Bộ Tài chính Hoa Kỳ trước Quốc hội.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hoan nghênh cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tiền tệ và sự hiểu biết lẫn nhau.
“Tôi hoan nghênh cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tiền tệ và sự hiểu biết lẫn nhau mà chúng ta đạt được”, Bộ trưởng Janet Yellen nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Ngân khố Mỹ cũng bày tỏ tin tưởng rằng sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với những vấn đề này, theo thời gian, không chỉ sẽ giải quyết các mối quan tâm của Bộ Tài chính Mỹ mà còn hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của thị trường tài chính Việt Nam và củng cố khả năng phục hồi tài chính cũng như kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Đáng chú ý, tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác tin cậy với tình hữu nghị dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Đại diện Thương mại Mỹ USTR bà Katherine Tai ngày 19/7 cho biết, hoan nghênh việc Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận chung giải quyết các cáo buộc thao túng tiền tệ.
Trưởng đại diện của Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ USTR cũng đặc biệt khen ngợi Việt Nam đã nỗ lực cam kết giải quyết các mối quan ngại của Mỹ, nhất là trong điều hành chính sách tiền tệ.
“Việt Nam có thể trở thành điển hình (ví dụ) nổi bật và quan trọng cho cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi điều hành tỷ giá linh hoạt, cho phép tỷ giá hối đoái được lưu thông phù hợp với những nguyên lý kinh tế cơ bản và biến động thực tế của thị trường”, bà Katherine Tai nêu rõ trong thông cáo của Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ.
Thời gian tới, USTR, Bộ Tài chính Mỹ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện quá trình giám sát việc Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện các cam kết và trao đổi với các cơ quan hữu quan của chính quyền Hà Nội nhằm giải quyết mọi cáo buộc liên quan đến việc định giá tiền tệ mà Washington tiến hành điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974.
Việt Nam sẽ thoát mác ‘thao túng tiền tệ’ và né được đòn trừng phạt của Mỹ?
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, lần đầu tiên chính thức gắn mác thao túng tiền tệ với Việt Nam và Thụy Sĩ.
Ngoài Việt Nam, Washington cũng đưa hàng loạt quốc gia khác vào tầm ngắm như Ấn Độ, Thái Lan và Đài Loan (trong danh sách giám sát). Cùng với đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore và Malaysia tiếp tục có tên trong danh sách này của Bộ Tài chính Hoa Kỳ vào thời điểm đó.
Quốc gia bị Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ nếu thỏa mãn các tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP, can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, ngoài những tiêu chí “định lượng” này, Mỹ còn một tiêu chí “định tính”, mang tính chất quyết định là “mục đích” can thiệp của Chính phủ lên thị trường tiền tệ.
Theo đó, nếu chính quyền Mỹ kết luận Chính phủ quốc gia đó can thiệp vào tỷ giá là để nhằm ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh thì sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt thao túng tiền tệ tương ứng.
Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiều lần lên tiếng phủ nhận cáo buộc thao túng tiền tệ. NHNN khẳng định Việt Nam không sử dụng tỷ giá nhằm giành lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế. Việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung – nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden được cho là có thái độ mềm mỏng hơn đối với Việt Nam về vấn đề chính sách tiền tệ. Điển hình, hồi 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại.
Sau đó Việt Nam cùng với Thụy Sĩ, Đài Loan cũng đã được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ bị cáo buộc thao túng tiền tệ.
Chuyên gia Nguyễn Đình Dương, Phòng phân tích Công ty Chứng khoán Pinetree nhận định với Nhịp sống kinh tế rằng, với những thỏa thuận đạt được giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước, cùng những nỗ lực đối thoại cởi mở giữa hai bên, rất có thể Việt Nam sẽ được gỡ mác thao túng tiền tệ và sẽ không bị Washington trừng phạt.
“Khả năng cao Việt Nam sẽ tiếp tục không nằm trong danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ và sẽ không chịu các biện pháp trừng phạt liên quan. Đây là một thông tin tích cực đối với nền kinh tế nói chung và các ngân hàng nói riêng”, chuyên gia Nguyễn Đình Dương đánh giá.