Nhà văn Sơn Tùng sinh ra để viết về Bác Hồ
Sáng nay, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã thông báo trên trang Facebook cá nhân tin buồn, nhà văn Sơn Tùng đã qua đời vào 23h ngày 22/7 tại Hà Nội, hưởng thọ 93 tuổi:
"Nhà văn Sơn Tùng đã ra đi. Ông là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn. Xin cúi đầu vĩnh biệt ông".
Nhà văn Sơn Tùng, tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh năm 1928 tại Nghệ An. Sơn Tùng được biết đến với nhiều tác phẩm viết về Hồ Chí Minh, trong đó nổi tiếng nhất là Búp sen xanh. Đây là tiểu thuyết viết về tuổi thơ, thời niên thiếu và tuổi đôi mươi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay được tái bản hơn 30 lần, dịch ra nhiều thứ tiếng.
Có thể nói đây là một tiểu thuyết "gối đầu giường" của bao thế hệ người Việt, từ thiếu nhi cho đến người trưởng thành đều rất thích đọc dù qua nhiều lần tái bản. Năm 2011, nhà văn Sơn Tùng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.
Ngoài đề tài danh nhân, ông Sơn Tùng còn có một số sáng tác khác như Lõm (viết năm 1976, in lần đầu năm 1994), Trái tim quả đất (viết năm 1988, in lần đầu năm 1990), nói về chiến tranh và xã hội, con người Việt Nam trong và sau khi kết thúc chiến tranh. Ông từng viết khoảng 100 bài thơ, trong đó có bài Gửi em chiếc nón bài thơ và được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc.
Nhà văn Sơn Tùng: 'Có nhiều đoạn, tôi viết về Bác trong nước mắt'
Ông đặc biệt không chỉ bởi là nhà văn duy nhất cho đến nay được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, mà còn là đối tượng thương binh hạng nặng 1/4, mang trên mình tới 14 vết thương, ba mảnh đạn còn găm trong sọ não.
Thế nhưng, bằng nghị lực và trí lực phi thường, ông sống và tiếp tục sáng tác, tạo nên dấu ấn đậm nét trong nền văn học nước nhà. Nhà văn Sơn Tùng thực sự là “người có trí mệnh” như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao tặng.
Đặc biệt, ông từng được gặp Bác Hồ và sau này nhà văn kể lại, đó là lần cuối cùng được gặp Bác. Những năm tháng bị bệnh tật hành hạ và phải ở trong căn nhà chật hẹp nhưng dù được Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhã ý tặng nhà, ông vẫn kiên quyết từ chối.
Ông từng chia sẻ về động lực để cho ra đời những tác phẩm về Bác Hồ rằng, mọi tình cảm của bản thân đều bắt đầu từ sự kính trọng. Nhưng nếu chỉ kính trọng và có nhiều tư liệu thì vẫn chưa đủ, mà phải thật sự yêu quý một tài năng, một nhân cách. Trong một buổi phỏng vấn, ông chia sẻ cảm xúc:
"Đã có nhiều đoạn tôi viết trong nước mắt, như đoạn Bác ở Huế".
Sáng 23/7, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng chia sẻ sự bất ngờ khi biết tin nhà văn Sơn Tùng - một Anh hùng lao động đã ra đi. Nhà biên kịch viết:
"Anh Sơn Tùng là một nhà văn giản dị, liêm khiết, mạnh mẽ, kiên cường, chính trực trong cuộc sống (dù rất nghèo) nhưng ý chí và nghị lực thì khó ai sánh nổi. Vĩnh biệt anh - một nhà văn đã vượt qua rất nhiều bệnh tật (anh là thương binh nặng trong kháng chiến) để sống và viết. Một Anh hùng thật sự trong đời thường mà tôi từng chứng kiến".